Mỗi năm, đến mùa tựu trường, các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM… đều đón một lượng lớn sinh viên từ phương xa đến học đại học, cao đẳng. Vậy nhưng để có thể yên tâm học tập tại một vùng đất mới, trước hết các bạn sinh viên đã phải giải các bài toán sinh hoạt hằng ngày như ở đâu, ăn gì, đi lại thế nào…
Vấn đề quan trọng hàng đầu là lựa chọn nơi ở trọ. Mặc dù có nhiều lựa chọn hơn cho các bạn khi mà bạn có thể ở cùng với người thân, ở cùng với bạn bè, ở trọ chung chủ, ở trọ tự quản, ở kí túc xá… Tuy nhiên chọn nơi ở ra sao cho hợp lý thì tân sinh viên còn rất nhiều bỡ ngỡ.
Đặc biệt, vấn đề nên ở trọ một mình hay ở ghép cùng với người khác cũng là câu chuyện “đau đầu” với nhiều bạn trẻ chân ướt chân ráo đến thành phố lớn. Vấn đề này đang trở thành đề tài tranh luận trên một số diễn đàn sinh viên.
Vì sao nên ở trọ một mình?
Điển hình là bài viết có chủ đề “Kinh nghiệm thuê trọ cho tân sinh viên” đang được lan truyền trong cộng đồng sinh viên.
Bên dưới bài viết, có nhiều ý kiến bình luận khác nhau. Đáng nói, phần lớn bình luận khuyên các bạn nên ở một mình để không gặp phải những vấn đề khó xử trong cuộc sống sinh viên sau này.
Có thể thấy ưu điểm khi ở một mình là có không gian riêng, tự do thể hiện cá tính, chỉ cần chú trọng thói quen sinh hoạt của bản thân lành mạnh là có thể vui vẻ mỗi ngày.
Chia sẻ về những ưu điểm khi ở một mình, bạn Khánh Vy (19 tuổi, ở TPHCM) nói: “Mình sống một mình từ khi là sinh viên năm nhất, mình cảm thấy tự do giờ giấc, với không gian thoải mái hơn còn nếu ở chung thì mình không thể ngủ khuya gây ảnh hưởng, còn gặp vấn đề đồ đạc không ngăn nắp”.
Bạn không thể hiểu thói quen của người bạn cùng phòng của mình khi trước đó gặp nhau chỉ là những buổi ăn uống, tụ tập vài giờ đồng hồ. Khi chung đụng dưới một mái nhà, lâu dần sự khó chịu sẽ tích lũy ngày một nhiều và tình cảm giữa chính bạn với người bạn cùng phòng ấy cũng không còn nguyên vẹn như ban đầu.
Việc đến một nơi mới để học tập và làm việc là một cách để rèn luyện bản thân mạnh mẽ hơn, tự lập hơn. Sống một mình giúp cho chúng ta độc lập hơn bởi sẽ phải làm hoàn toàn những việc trong nhà, ngoài ngõ một mình, ít khi có sự trợ giúp của người khác.
“Mình cho rằng sau gần một năm sống một mình, mình đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Mình trước đây yếu đuối, dễ khóc nhưng mà sau khi xử lý những vấn đề trong cuộc sống sinh viên này một mình thì mình không còn như vậy nữa”, Vy nói thêm.
Hơn hết, Khánh Vy cho rằng, khi còn là sinh viên, bạn cùng phòng có thể ở cùng ta vì học cùng trường song khi ra trường và đi làm, chúng ta cũng sẽ tự tách nhau với nhiều lý do khác nhau. Do vậy việc tập tự lập, sống một mình từ đầu sẽ khiến bạn không phải bỡ ngỡ thay đổi thói quen sinh hoạt sau này.
“Thật sự là “ác mộng” khi bạn vừa sống không thoải mái dưới nơi bạn coi là “nhà” và còn mất đi một vài mối quan hệ. Chính vì lẽ đó, giới trẻ ngày nay cởi mở hơn với việc ở trọ một mình khi đi học, đi làm xa nhà để đảm bảo hiệu suất tốt nhất cho những dự định trong tương lai của mình”, cô gái trẻ nhận định.
Vì sao không nên ở trọ một mình?
Trong tất cả mọi việc đều có hai mặt của nó. Chúng ta dễ dàng thấy cuộc sống một mình quá thoải mái song nó cũng nảy sinh những vấn đề ngoài ý muốn.
Nếu bạn may mắn được hậu thuẫn bởi gia đình có kinh tế vững chãi thì tiền nhà trọ một tháng cho một người không phải là vấn đề. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được diễm phúc đó.
Bạn Minh Anh (sinh viên năm thứ 2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ: “Mình hiện đang ở ghép cùng với bạn đại học, việc này thì tiết kiệm được chi phí nhiều khoản như ăn, ở, điện nước do mức trọ hiện nay khá cao nếu chỉ ở một mình”.
Một trong những điểm cộng lớn mà việc ở trọ một mình không có được đó là nhận được sự giúp đỡ của bạn cùng phòng những lúc ốm đau, bệnh tật hay có vấn đề đột xuất. Hơn thế nữa, chúng ta sẽ không cảm thấy cô đơn mỗi khi đi học, đi làm về mà chỉ có bốn bức tường.
Về vấn đề này, Minh Anh chia sẻ thêm: “Với nhiều sinh viên học xa nhà, có bạn ở cùng là có người giúp đỡ lúc khẩn cấp. Đôi lúc tụi mình sẽ khác nhau về suy nghĩ, quan điểm cũng như lối sống nên xảy ra mâu thuẫn là chuyện bình thường. Mình chưa có gặp những trường hợp “khó đỡ” như trên mạng nói, nếu mọi người nói chuyện rõ ràng với nhau trước và không sợ mích lòng thì sẽ ổn cả thôi”.
Cho dù các bạn lựa chọn như thế nào cũng chúc bạn tìm được một nơi để trở về như ý muốn. Vì vậy, tân sinh viên cần tìm hiểu rõ, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để không thấy quá lạc lõng giữa lòng thành phố rộng lớn.