17 tuổi có được đi lao động ở nước ngoài. Quy định về điều kiện, thủ tục đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Tôi có đứa con gái năm nay 17 tuổi. Vì điều kiện gia đình khó khăn tôi muốn cho cháu đi lao động ở nước ngoài có được không ạ? Xin luật sư tư vấn giúp?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006;
– Bộ luật dân sự 2005.
2. Luật sư tư vấn:
Theo Điều 6 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định về các hình thức đi làm việc ở nước ngoài như sau:
“Điều 6. Các hình thức đi làm việc ở nước ngoài
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau đây:
1. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
2. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
3. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
4. Hợp đồng cá nhân.”
Theo Điều 42 và Điều 50 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định về điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài và điều kiện đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng cá nhân như sau:
“Điều 42. Điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài
Người lao động được đi làm việc ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;
3. Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;
4. Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;
5. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;
6. Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
7. Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 50. Điều kiện đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng cá nhân
Người lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng cá nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 7 Điều 42 của Luật này;
2. Có Hợp đồng cá nhân theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
3. Có Giấy xác nhận việc đăng ký Hợp đồng cá nhân của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động thường trú.”
Trước tiên, điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đó là người lao động phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Theo Điều 18, 19 và Điều 20 Bộ luật dân sự 2005 quy định về người thành niên, người chưa thành niên và năng lực hành vi dân sự của người thành niên, người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ 18 tuổi như sau:
“Điều 18. Người thành niên, người chưa thành niên
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên.
Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của người thành niên
Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này.
Điều 20. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi
1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp này, vì con gái chị mới 17 tuổi nên con gái chị là người chưa thành niên. Người chưa thành niên thì chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Cho đến khi con gái chị đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (con gái chị không nằm trong các trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 Bộ luật dân sự 2005) thì sau đấy mới xét các điều kiện còn lại để xem xem con gái chị có đủ điều kiện để đi làm việc ở nước ngoài hay không.