Khi tiết trời trải qua những ngày mưa rả rích là lúc báo hiệu một mùa rau dớn xanh non, tươi tốt. Đây cũng là thời điểm nhiều người dân ở các xã vùng cao huyện Nho Quan lần theo từng kẽ suối, bờ khe để thu hái loài rau đang được nhiều người “săn đón”.
Ở tuổi 86, cụ bà Đinh Thị Gián, thôn Nga 2, xã Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) khiến tôi phải khâm phục vì trí nhớ minh mẫn và một sức khỏe dẻo dai.
Khoác chiếc bị vải lên vai, bên trong chỉ vỏn vẹn lọ dầu gió, chai nước nhỏ, chiếc túi bóng, cụ bảo chừng ấy thôi là đủ cho chuyến vào rừng hái dớn rồi.
Men theo chân cụ, chúng tôi ra khỏi con đường làng, lách mình qua những đồi ngô để đi vào thăm thẳm núi rừng.
Cụ Gián dừng lại trước con suối nhỏ đang róc rách nước chảy và chỉ đám rau dớn đang chen nhau mọc bên suối. Kỳ thực, nếu ai chưa biết đến loài rau này sẽ bảo rằng dớn chính là cây dương xỉ. Nhưng không, thoạt nhìn thì chúng rất giống nhau nhưng là hai loại khác biệt.
Cụ Gián vạch đám rau dớn đang tươi non mơn mởn mà rằng: “Lá rau dớn xanh mượt, mọc so le, hình ngọn giáo, đoạn vòi cuốn to và dài như cái vòi voi. Cây dương xỉ thì lá đậm, to tròn và ít bóng bảy hơn. Người làng chỉ ăn lá dớn chứ chẳng ai ăn lá dương xỉ bao giờ.”
Lần theo trí nhớ, cụ Gián nhớ lại: Tuổi thơ cơ cực, nghèo khó, lá dớn là món rau chính của người Mường khi xưa. Bản thân cụ thường theo chân mẹ đi hái dớn về ăn thay cơm chống đói khi đó.
Sau này khi lấy chồng, những món quen thuộc từ dớn rừng đã nuôi cả thảy 7 người con của cụ lớn khôn, khỏe mạnh. Trải qua gần 90 năm cuộc đời, rau dớn vẫn là món ăn dân dã được cụ Gián và người dân nơi đây yêu thích.