Từ xưa đến nay, nha đam đã là một nguyên liệu rất phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da, thuốc và đồ uống. Chiết xuất của nó cũng được biết đến với tác dụng chữa các bệnh dạ dày và ruột. Tuy nhiên, nha đam cũng gây ra một số tác dụng phụ nhất định nếu dùng quá nhiều hoặc không được sơ chế đúng cách. Bài viết sau của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn biết được mẹ bầu uống nha đam được không, mẹ bầu nên lưu ý nhé!
Thành phần dinh dưỡng trong nha đam
Nha đam chứa thành phần dinh dưỡng vô cùng phong phú và đa dạng. Theo đó, loại cây này có chứa tới 8 loại enzyme khác nhau, có tác dụng giảm viêm, phân hủy chất béo, phân hủy đường… Nha đam có thể được biết đến là nguồn các loại vitamin dồi dào, các chất chống oxy hóa trung tính. Khoáng chất trong nha đam cũng rất đa dạng và tốt cho sức khỏe con người.
Ngoài ra, trong nha đam còn có tới 12 anthraquinon. Đây là những hợp chất phenolic có tác dụng tốt trong kháng viêm, chống virus và giúp nhuận tràng… Trong nha đam còn có tới 4 steroid thực vật, 20 axit amin cần thiết và 7 axit amin thiết yếu, cùng nhiều dưỡng chất khác. Tổng cộng, nha đam có chứa tới 75 thành phần dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sức khỏe.
Nha đam nổi tiếng với nhiều công dụng về sức khỏe và làm đẹp
Các tác dụng của nha đam đối với sức khỏe
Trước khi tìm hiểu xem mẹ bầu uống nha đam được không, hãy cùng phân tích tác dụng của các thành phần dinh dưỡng đa dạng trong loại cây này. Nha đam mang đến nhiều lợi ích sức khỏe như:
- Hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch: Nha đam chứa nhiều thành phần giúp thanh nhiệt, giải độc, chống viêm, diệt vi khuẩn… Nhờ vậy, nó được chế biến thành nhiều loại nước uống có lợi cho sức khỏe và tăng cường sức đề kháng.
- Kháng khuẩn, chống viêm: Nhiều thành phần trong nha đam có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm tốt. Nhựa nha đam được dùng làm dịu các vết bỏng, vết côn trùng cắn, làm dịu da khi bị cháy nắng, giúp da phục hồi nhanh. Nước ép nha đam còn rất hiệu quả trong giảm đau các khớp.
- Công dụng làm đẹp: Chất nhầy trong nha đam được sử dụng như một loại mặt nạ dưỡng da giúp làm đẹp, trắng và mịn da hiệu quả. Chiết xuất từ nha đam cũng được dùng để làm mỹ phẩm. Công dụng làm đẹp đã được chứng thực qua nhiều nghiên cứu thực tế: Đẹp da, nuôi dưỡng tóc, chống rạn da, chống lão hóa, cải thiện tình trạng nám da…
- Tốt cho sức khỏe hệ tim mạch: Nha đam có tác dụng thanh lọc cơ thể, hỗ trợ quá trình cung cấp oxy cho máu và vận chuyển các chất dinh dưỡng… Nhờ vậy, đây được coi là một thực phẩm tốt cho hệ tim mạch.
- Hạn chế phát triển tế bào ung thư: Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nha đam có chứa polysacarit, một chất với khả năng chống lại sự phát triển của tế bào ung thư hiệu quả. Vậy nên, thức uống từ nha đam xứng đáng là lựa chọn số một cho sức khỏe.
Mẹ bầu uống nha đam được không?
Có thể thấy, nha đam chứa nhiều dinh dưỡng cần thiết, thậm chí là thiết yếu để có một cơ thể khỏe mạnh. Nhưng nha đam có tốt cho cả phụ nữ mang thai hay không? Thực tế, nha đam không phải là thực phẩm được khuyên dùng đối với mẹ bầu bởi những nguyên nhân sau:
Có thể gây co thắt tử cung
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, một số thành phần dinh dưỡng trong nha đam lại gây hại đối với mẹ bầu: Gây co thắt tử cung, dọa sinh non và ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Vậy nên, mẹ bầu cần cân nhắc trước khi sử dụng những thực phẩm có chứa nha đam như: Nước uống nha đam, sữa chua nha đam…
Gây tụt huyết áp
Uống nha đam có tác dụng làm giảm kali trong máu. Vậy mẹ bầu ăn nha đam được không? Câu trả lời cũng là không được khuyến khích nhé! Đối với mẹ bầu, tình trạng giảm kali máu sẽ dẫn đến tình trạng tiểu nhiều, gây mất nước, mệt mỏi, chuột rút và làm tụt huyết áp. Nếu sử dụng quá nhiều hoặc không đúng cách, nha đam có thể gây nguy hiểm đối với mẹ bầu.
Dễ gây rối loạn tiêu hóa
Trong nha đam chứa lượng lớn các anthraquinon có tác dụng nhuận tràng. Trong thời gian mang thai, mẹ bầu thể trạng yếu hơn bình thường nên nếu sử dụng nhiều nha đam có thể gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Gây đái tháo đường thai kỳ
Mẹ bầu cũng có thể có các dấu hiệu của tiểu đường thai kỳ nếu sử dụng nha đam không đúng cách.
Nhựa cây nha đam có thể gây tử vong nếu dùng quá nhiều
Nhựa cây nha đam, chất màu vàng trong được tìm thấy ở trong phần lá, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Tiêu thụ một lượng nhỏ nhựa nha đam có thể giúp thúc đẩy lưu động ruột, góp phần điều trị táo bón.
Tuy nhiên, vào năm 2002, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cấm bán sản phẩm không kê đơn có chứa nhựa nha đam vì những lo ngại về an toàn sức khỏe. Tiêu thụ trong một thời gian dài nhựa nha đam gây ra các tác dụng phụ, bao gồm các vấn đề về thận, rối loạn nhịp tim và gây yếu cơ. Ở liều cao trên 1 gram mỗi ngày thậm chí có thể gây tử vong.
Ngoài ra, nha đam cũng là thực phẩm không được khuyến khích đối với phụ nữ trong thời kỳ cho con bú. Các chất gây rối loạn tiêu hóa trong nha đam sẽ đi vào sữa mẹ và khiến bé bị tiêu chảy. Vậy nên, mẹ bầu và phụ nữ cho con bú nên tránh tiêu thụ nha đam nhé!
Mẹ bầu vẫn có thể sử dụng nha đam làm đẹp
Mẹ bầu không được khuyến khích ăn hay uống nha đam. Các mẹ bầu nên thận trọng nhé. Vậy còn sử dụng nha đam để làm đẹp ngoài da thì sao? Trong thai kỳ, mẹ bầu vẫn có thể dùng gel lấy từ nha đam để cải thiện tình trạng da rám nắng, hoặc trộn nha đam với dầu dừa để dưỡng da. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng vào 3 tháng cuối thai kỳ.
Lựa chọn thức uống khác thay nha đam
Thay vì ăn hay uống nha đam, mẹ bầu có thể chọn những loại nước uống khác tốt cho sức khỏe cả mẹ và bé như: Nước ép cam, nước ép bưởi, nước ép táo, lê, nho… Đây là những loại nước uống có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, tốt cho sự phát triển của thai nhi, ngoài ra còn có tác dụng đẹp da và giải nhiệt cho mẹ bầu trong những ngày trời oi nóng.
Nha đam mang lại nhiều công dụng hữu ích. Tuy nhiên, mẹ bầu nên hạn chế tiêu thụ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Với những thông tin đã tổng hợp trên đây, hy vọng đã giải đáp được thắc mắc “Mẹ bầu uống nha đam được không?”. Đừng quên ghé thăm Nhà thuốc Long Châu mỗi ngày để cập nhật những thông tin cần thiết về sức khỏe bạn nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Medlatec