1. Tại sao mẹ bầu bị đau háng khi mang thai?
Tình trạng mẹ bầu bị đau háng khi mang thai có thể là bởi các nguyên nhân sau:
1.1. Cơ thể bị thiếu canxi
Tình trạng bị thiếu hụt canxi có thể gây đau háng trong khi mang thai. Lý do là bởi cơ thể các mẹ bầu cần một lượng canxi lớn trong suốt thai kỳ để đáp ứng được nhu cầu cho bản thân và cho cả thai nhi. Trường hợp lượng canxi mẹ bầu cung cấp cho cơ thể không đủ, các khớp xương của mẹ có khả năng bị đau nhức, trong đó có khớp háng.
1.2. Sự thay đổi trọng lượng cơ thể của mẹ bầu
Các chị em phụ nữ khi mang thai hầu hết đều có sự thay đổi trong trọng lượng cơ thể, cụ thể là tăng cân, có khi là tăng cân quá nhanh và quá nhiều.
Việc này tăng áp lực đột ngột lên các khớp xương trên cơ thể và khiến chúng không kịp thích ứng, kể cả khớp háng. Dẫn tới hiện tượng đau háng trong khi mang thai, đặc biệt là vào các tháng cuối thai kỳ của mẹ bầu.
Mẹ bầu bị đau háng có thể do sự thay đổi trọng lượng cơ thể
1.3. Dây chằng tròn bị kéo giãn
Tình trạng đau háng ở mẹ bầu cũng xảy ra khi dây chằng tròn bị kéo giãn. Theo đó, dây chằng tròn góp phần trong việc nuôi dưỡng thai nhi đang lớn lên trong bụng mẹ qua việc hỗ trợ cho tử cung và xương chậu của các thai phụ.
Khi cơ thể các mẹ sản xuất ra quá nhiều hormone relaxin và progesterone sẽ làm xuất hiện tình trạng giãn dây chằng tròn dẫn đến đau khớp háng khi mang thai.
1.4. Cơ thể bị thiếu magie
Cơ thể phụ nữ đang mang thai bị thiếu magie cũng có khả năng làm xuất hiện tình trạng đau háng, chuột rút cơ bắp hoặc đau dây thần kinh tọa. Khoáng chất này là một trong các chất dinh dưỡng cần thiết cho cả bà bầu và em bé trong bụng mẹ với một vai trò quan trọng trong hoạt động của các dây thần kinh.
Cơ thể bị thiếu magie có thể làm mẹ bầu bị đau háng
1.5. Do sự chèn ép của thai nhi
Thai nhi lớn dần sẽ chèn ép lên dây thần kinh ở vùng vùng chậu (dây thần kinh tọa), dẫn đến tình trạng đau háng khi mang thai. Hiện tượng này thường gặp ở những tháng cuối của thai kỳ.
1.6. Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai
Khi mang thai, nội tiết tố của cơ thể mẹ bầu có sự thay đổi. Điều này làm mềm và tạo ra khả năng co giãn cho các dây chằng và sụn khớp ở khu vực chậu hông nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuyển dạ cũng như căng giãn của tử cung diễn ra một cách thuận lợi. Đây là một trong những lý do làm các thai phụ bị đau háng.
1.7. Sự chuyển động của em bé trong bụng mẹ
Bên cạnh đó, mẹ bầu bị đau háng khi mang thai còn là do chịu ảnh hưởng đến từ sự chuyển động của thai nhi. Cụ thể thì mỗi khi em bé trong bụng mẹ thay đổi vị trí, xoay người hoặc đá đều gây áp lực lên các dây thần kinh của các chị em phụ nữ. Tình trạng đau sẽ dần dần khó chịu hơn trong các tuần cuối thai kỳ hoặc khi thai nhi di chuyển xuống phần đáy tử cung.
Ngoài ra, việc mẹ bầu vận động hoặc ngủ bị sai tư thế cũng có thể dẫn đến cơn đau háng khi mang thai.
2. Mẹ bầu đau háng khi mang thai có nguy hiểm không?
Tình trạng mẹ bầu bị đau háng khi mang thai có thể được xem như một trong những hiện tượng thường gặp trong thai kỳ và hầu hết cũng không làm nguy hại đến sức khỏe của mẹ và bé. Đó là khi cơ thể của các mẹ có những sự thay đổi để phục vụ và tạo thuận lợi tốt nhất cho quá trình mang thai.
Tuy vậy, tình trạng này có thể làm cho các bà bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, gây căng thẳng cũng như làm hạn chế và có thể làm ảnh hưởng đến khả năng vận động bình thường của mẹ.
Tình trạng đau háng có thể làm mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu
Trường hợp thai phụ bị các bệnh về xương khớp ví dụ như giãn dây chằng, viêm khớp dạng thấp, viêm cơ,… tác động và gây đau háng khi mang thai thì cần phải lưu ý đến, vì nó có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé khi bước vào giai đoạn sinh nở.
Do vậy, mẹ bầu gặp phải tình trạng bị đau háng cũng cần nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Từ đó, xác định rõ nguyên nhân, sớm phát hiện các bất thường nếu có và kịp thời thực hiện can thiệp để đảm bảo an toàn.
3. Mẹ bầu bị đau háng khi mang thai nên làm gì?
Để làm giảm đi các cơn đau háng khi mang thai, mẹ bầu trong từng giai đoạn cụ thể của thai kỳ có thể tham khảo một số phương pháp như sau:
– Trong 3 tháng đầu của thai kỳ: có thể chườm nóng, chườm lạnh, hoặc thực hiện massage.
– Trong 3 tháng giữa của thai kỳ: ngoài các phương pháp trên, có thể tập luyện các bài tập yoga dành cho mẹ bầu, hoặc bơi lội.
Chị em có thể thực hiện tập luyện các bài tập yoga dành cho mẹ bầu
– Trong 3 tháng cuối của thai kỳ: mẹ nên tới bệnh viện gặp bác sĩ để được theo dõi tình trạng đau và hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.
Song song với đó, các thai phụ cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống thật cân đối các chất dinh dưỡng tốt và có lợi cũng như có thể tiến hành bổ sung thêm những loại thực phẩm giàu các khoáng chất như canxi, magie,… cho cơ thể.
Nói tóm lại, thông qua bài viết trên đây, mẹ bầu bị đau háng khi mang thai đã có thêm thông tin để tham khảo về tình trạng mà mình đang gặp phải. Các mẹ hãy gọi ngay đến số hotline: 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khi cần giải đáp những vấn đề chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ. Hoặc đến trực tiếp bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn.