Kẹo ngậm ho cho bà bầu và tất tần tật những lưu ý khi sử dụng
Kẹo ngậm ho cho bà bầu có an toàn không? Chúng chứa những thành phần gì bà bầu nên và không nên dùng? Những tác dụng bất lợi và lưu ý sử dụng.
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu bị ho, đau rát họng, cảm lạnh… thì nên sử dụng loại thuốc nào cho an toàn và hiệu quả? Nhiều người lựa chọn sử dụng kẹo ngậm ho để đặc trị những triệu chứng này. Nhưng điều này có thực sự an toàn cho bà bầu và thai nhi không? Hãy cùng tìm hiểu về kẹo ngậm ho và những loại kẹo nên dùng cho bà bầu ngay sau đây.
I. Vài nét về kẹo ngậm ho và lý do tại sao bạn cần sử dụng
Kẹo ngậm ho là thuốc viên ngậm ho có hình dạng giống viên kẹo và có vị ngọt thơm nên mọi người hay gọi là kẹo ngậm ho. Viên kẹo này có vai trò giảm đau tạm thời các triệu chứng đau họng, ho trong thời gian ngắn. Chúng được bán ở các hiệu thuốc và cửa hàng tiện lợi dưới dạng không kê đơn.
Loại kẹo này được sử dụng với chức năng giảm ho. Bên cạnh đó, chúng cũng có vai trò trong việc làm dịu đi các tình trạng khô miệng, đau cổ họng, chảy máu mũi thậm chí là cảm lạnh.
II. Kẹo ngậm ho cho bà bầu có an toàn không?
Những viên kẹo này thường được tạo ra với nhiều hương vị ngon miệng và màu sắc bắt mắt hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều bà bầu thắc mắc liệu rằng có nên sử dụng chúng trong thai kỳ hay không? Đáp án là có, bởi vì kẹo ngậm ho là giải pháp tạm thời và tức thì để thoát khỏi sự khó chịu gây ra bởi các triệu chứng. Vì vậy, chúng gần như không gây hại cho thai nhi.
Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý là nên sử dụng có liều lượng vì lạm dụng bất cứ một thứ gì cũng không tốt đặc biệt là đối với người mang thai. Bạn không nên ngậm quá nhiều lần trong một ngày và nhiều ngày trong một thời gian dài.
Đặc biệt, bạn phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và các thành phần có nguy cơ gây hại hay tác dụng phụ không mong muốn để tránh.
III. Kẹo ngậm ho thường chứa gì và có tốt cho bà bầu không?
1. Benzocaine
Benzocaine là loại thuốc có tác dụng gây tê để giảm đau hoặc khó chịu các tình trạng đau họng, kích ứng da nhẹ, cháy nắng…. Chất này thường được sử dụng để làm tê tại chỗ và thường có trong các loại thuốc giảm đau không kê đơn.
Chất benzocaine trong kẹo ngậm ho giúp gây tê vùng cuống họng và giảm đau. Bên cạnh đó, benzocaine không đi vào máu nên không ảnh hưởng tới thai nhi và khá an toàn cho bà bầu.
2. Dầu bạch đàn (Khuynh diệp)
Bạch đàn là một loại chất khử trùng tự nhiên, có tác dụng diệt vi khuẩn và trị tiêu đờm. Tinh dầu bạc hà kết hợp với dầu bạch đàn là thành phần thường được sử dụng trong kẹo ngậm ho giúp làm xoa dịu, giảm các triệu chứng đau ngứa họng và cảm lạnh.
Có thông tin cho rằng không nên sử dụng thuốc có thành phần dầu bạch đàn trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, trong kẹo ngậm ho chỉ có một lượng dầu bạch đàn rất nhỏ nên bạn có thể an tâm sử dụng.
3. Pectin
Pectin là thành phần tự nhiên thường có trong các loại trái cây. Thành phần này được sản xuất trong các loại kẹo ngậm ho hương vị trái cây, không chứa tinh dầu bạc hà. Chúng có tác dụng giảm sưng và khá an toàn với mẹ bầu.
4. Kẽm gluconate glycine
Kẹo ngậm ho có chứa thành phần gluconate glycine được bán rộng rãi trên thị trường. Nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung một lượng lớn kẽm sẽ giúp cơ thể tăng hệ miễn dịch, giảm các triệu chứng của cảm lạnh.
Mẹ bầu không nên dùng quá 40mg kẽm/ngày. Trong mỗi viên kẹo ngậm ho thường chứa khoảng 13mg kẽm. Do vậy, những viên kẹo có chứa thành phần này thì bạn chỉ nên dùng 2 – 3 viên/ngày để vừa đủ liều lượng.
5. Tinh dầu bạc hà
Menthol là chất có chứa trong tinh dầu bạc hà. Khi dùng kẹo ngậm ho có chứa chất này, bạn sẽ thấy mát lạnh ở cổ họng đồng thời giúp làm giảm nghẹt mũi. Bác sĩ khuyên rằng mẹ bầu không nên dùng kẹo ngậm ho chứa menthol bởi độ an toàn của nó vẫn chưa được kiểm chứng.
Ngoài các chất trên, một số loại viên ngậm ho còn chứa sirô ngô hoặc các chất làm ngọt khác. Hãy hỏi bác sĩ trước khi sử dụng các loại kẹo này nếu trong trường hợp bạn mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2, đái tháo đường thai kỳ hoặc có nguy cơ đái tháo đường ở phụ nữ mang thai.
Các chất làm ngọt hoặc siro ngô có thể tác động làm tăng lượng đường trong máu, gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
6. Dextromethorphan
Đây là một loại thuốc giảm ho. Nếu bạn bị ngứa cổ họng hoặc ho dai dẳng kéo dài, sử dụng loại kẹo ngậm ho có chứa thành phần này sẽ rất hữu ích.
Tuy nhiên, có hai luồng ý kiến trái chiều đối với việc bà bầu sử dụng kẹo ngậm ho có chứa dextromethorphan. Một nghiên cứu ở gà cho thấy chất này gây dị tật bẩm sinh nên cũng có thể gây hại cho mẹ bầu.
Một nghiên cứu khác cho rằng thuốc này không gây hại đến thai kỳ của con người. Để yên tâm hơn khi sử dụng, bạn hãy chọn kẹo ngậm ho không chứa thành phần này nhé.
IV. Tác dụng phụ không mong muốn của kẹo ngậm ho đối với bà bầu
Khi mang bầu, phụ nữ luôn phải cân nhắc mọi thứ trong cuộc sống từ thuốc thang cho đến thực phẩm nạp vào cơ thể của mình. Đối với những tình trạng ho, đau rát họng cũng vậy, dùng kẹo ngậm ho để trị ho cũng là giải pháp tối ưu.
Thế nhưng, bà bầu cũng cần lưu ý đến những tác dụng phụ không mong muốn của loại kẹo này như:
1. Ức chế chất nhầy đường hô hấp
Chất nhầy đường hô hấp đóng vai trò quan trọng để loại bỏ vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, mẹ bầu khi sử dụng kẹo ngậm ho nhiều có thể ngăn chặn sự hình thành của chất nhầy.
2. Kẹo ngậm ho có quá nhiều đường
Đa số các loại kẹo ngậm ho chứa hàm lượng đường cao. Nếu phụ nữ mang thai đang bị đái tháo đường hoặc đái tháo đường thai kỳ lạm dụng những loại kẹo vậy sẽ làm tăng lượng đường trong máu, gây nguy hại đến sức khỏe.
3. Thành phần không rõ ràng
Hiện nay, một số loại kẹo ngậm ho có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc chứa các thành phần thảo dược chưa được nghiên cứu, kiểm chứng độ an toàn cho bà bầu. Do đó, bạn hãy đọc kỹ thông tin, kiểm tra thành phần trước khi dùng bất cứ loại kẹo ngậm ho nào. Trong trường hợp bạn chưa chắc chắn thì hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo cho mình và thai nhi.
V. Những lưu ý khi bà bầu sử dụng viên kẹo ngậm ho
Bạn nên lưu ý những điều sau đây trước khi dùng kẹo ngậm ho trong thai kỳ của mình:
- Nếu bạn đang mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, hãy chọn sản phẩm không chứa thành phần đường.
- Đọc kỹ các thành phần có thể gây ra những phản ứng ngược cho bạn.
- Đảm bảo sản phẩm còn hạn sử dụng.
- Nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại kẹo ngậm ho nào vì chúng có thể ngăn chặn sự hình thành chất nhầy ở niêm mạc miệng gây ra sự khó chịu.
Bạn có thể hỏi bác sĩ những câu hỏi sau:
- Tôi nên sử dụng sản phẩm này trong bao lâu?
- Liệu tôi chỉ cần dùng kẹo ngậm ho là đủ?
- Tôi có khả năng dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc không?
Những câu hỏi trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về tình trạng của mình, từ đó bạn đưa ra quyết định đúng đắn có nên sử dụng và có thể dùng kẹo ngậm ho nào.
VI. Mách mẹ bầu cách chữa ho tự nhiên, không cần dùng thuốc
Ngoài viên kẹo ngậm ho, bà bầu cũng có thể áp dụng một số cách sau để điều trị ho và đau họng:
- Súc miệng nước muối: Cho ½ thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm, sau đó súc miệng sâu xuống dưới cổ họng và nhổ ra. Cách này giúp làm dịu đau rát họng, tiêu đờm và diệt vi khuẩn.
- Uống nhiều nước để giữ ẩm cho cơ thể: Mất nước cũng là lý do khiến cổ họng bị khô, ngứa.
- Uống nước trà pha với chanh: Bạn có thể pha một tách trà không chứa caffeine với một ít chanh. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm mật ong nhưng lưu ý chọn loại mật ong đã được tiệt trùng để hạn chế việc thai nhi tiếp xúc với vi khuẩn có hại.
- Ăn súp gà: Đây là món ăn trị ho, trị cảm tốt đặc biệt đối với bà bầu. Chất dinh dưỡng cùng với vị cay nóng giúp giảm các triệu chứng khó chịu ở đường hô hấp.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: giúp giảm các triệu chứng cảm cúm, giúp làm ẩm hệ hô hấp từ đó đẩy đờm ra ngoài dễ dàng hơn khi ho.
VII. Khi nào cần đi khám khi đau họng trong thai kỳ?
Đau họng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm nào đó, do vậy bạn không nên chủ quan. Bạn hãy đi khám ngay nếu gặp những triệu chứng sau:
- Sốt trên 38°C.
- Phát ban trên da.
- Đau rát họng kéo dài hơn 3 – 4 ngày.
- Xuất hiện các đốm đỏ hoặc trắng ở cổ họng.
- Các triệu chứng của đau họng, cảm lạnh đã có chuyển biến tốt nhưng đột nhiên xấu đi.
Các triệu chứng ho hay cảm không phải là một tình trạng nghiêm trọng khi mang thai và có thể kiểm soát được. Do vậy, mẹ bầu có thể sử dụng kẹo ngậm ho như một giải pháp tức thì, nhưng vẫn phải đảm bảo được độ an toàn cho sức khỏe của mình và thai nhi. Mong rằng bài viết trên đây phần nào giúp bạn hiểu hơn về những loại kẹo ngậm ho và lựa chọn được sản phẩm phù hợp cho mình.