Trứng bắc thảo là món trứng đặc biệt có nguồn gốc từ Trung Hoa. Với hương vị thơm ngon đặc trưng, trứng còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cùng tham khảo cách chế biến trứng bắc thảo thơm ngon tại nhà.
Trứng bắc thảo là gì?
Trứng vịt bắc thảo còn có nhiều tên gọi khác như trứng bách thảo, thiên niên bách nhật trứng, bách nhật trứng,… Trứng bắc thảo thường được làm từ trứng vịt, trứng cút hoặc trứng gà. Để làm trứng vịt bắc thảo cần ủ trứng trong hỗn hợp phèn chua, cháo, bồ kết, đinh hương, bột quế,… từ 2 – 3 tháng hoặc lâu hơn.
Trứng sau một thời gian ủ, bóc lớp vỏ bên ngoài thì thấy có màu đen, lớp vỏ đen này có lẫn muối và tiêu. Nhiều quả trứng vịt bắc thảo có hoa văn nổi trên bề mặt trông rất đẹp mắt. Lòng đỏ bên trong của trứng vịt bắc thảo có màu xám hoặc xanh đậm, mùi hăng, vị béo ngậy, lần đầu thử sẽ thấy hơi khó ăn nhưng ăn thường xuyên sẽ cảm thấy rất ngon.
Trứng bắc thảo có tốt không?
Trứng bắc thảo đem lại một số lợi ích tốt cho sức khoẻ như:
- Trứng rất giàu vitamin A, bảo vệ đường hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch, tăng lượng hồng cầu trong cơ thể, ngăn ngừa bệnh phổi và viêm đường thở.
- Trứng bắc thảo có khả năng kích thích sản sinh hồng cầu, cầm máu, tốt cho người bị băng huyết, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không ổn định.
- Trứng bắc thảo còn có khả năng giải rượu đồng thời giúp người say giảm các triệu chứng như đau đầu, đỏ mặt, bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác hại của rượu bia.
- Trứng bắc thảo có tác dụng giải nhiệt cho người thường xuyên bị lở miệng, nhọt và nóng gan, giảm độc tố trong máu.
- Trứng trứng bắc thảo hỗ trợ các bệnh về đường tiêu hóa, cầm tiêu chảy, bảo vệ mạch máu, cải thiện trí tuệ, bảo vệ não bộ.
Cách chế biến trứng bắc thảo ngon
Cơm chiên trứng bắc thảo
Cơm chiên là món ăn khá quen thuộc với mọi người. Khi mới ăn trứng bắc thảo lần đầu bạn có thể nấu với cơm chiên, rất dễ ăn và ngon miệng.
Nguyên liệu:
- 3 quả trứng bắc thảo;
- 1 chén cơm nguội;
- 3 cái xúc xích;
- 1/2 củ hành tây, 100g đậu hà lan, 1 củ cà rốt;
- Hành lá, hành khô, gia vị.
Cách làm:
- Rửa sạch các nguyên liệu.
- Cà rốt, hành tây, đậu hà lan và xúc xích thái hạt lựu.
- Hành thái nhỏ, trứng bắc thảo cắt thành miếng vừa ăn.
- Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn. Thêm hành khô vào phi thơm vàng.
- Cho xúc xích vào chảo chiên trong khoảng 2 phút.
- Cho cơm vào, sau đó thêm các nguyên liệu còn lại và xào với nhau, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
- Cuối cùng cho trứng bắc thảo vào xào vừa chín tới thì tắt bếp.
Súp cua trứng bắc thảo
Súp cua là món ăn rất phù hợp với trứng bắc thảo mà bạn không nên bỏ qua.
Nguyên liệu:
- 3 quả trứng bắc thảo;
- 200g thịt cua;
- 1kg xương ống hầm lấy nước dùng;
- 100g thịt ức gà;
- 2 quả trứng gà;
- 20g nấm đông cô khô;
- 10 quả trứng cút luộc sẵn;
- Hành tím, rau mùi, bắp, gia vị, bột năng.
Cách làm:
- Xương ống rửa sạch, trụng nước cho sạch. Đun xương trong 1 lít nước khoảng 1 tiếng để lấy nước dùng cho món súp.
- Ức gà luộc chín, xé nhỏ.
- Bắp rửa sạch, tách hạt.
- Nấm đông cô ngâm nước, cắt nhỏ.
- Bột năng ngâm trong 30ml nước.
- Đập trứng vào chén và khuấy đều.
- Nấu sôi nước dùng xương, thêm bắp, thịt ức gà xé nhỏ, nấm đông cô và thịt cua vào.
- Cho bột năng vào, khuấy đều đến khi súp đặc lại thì dừng lại.
- Đổ từ từ trứng vào nồi, khuấy đều theo một chiều để tạo vân đẹp mắt.
- Nấu súp cho đến khi nước trong lại thì cho trứng cút, trứng bắc thảo vào, nấu thêm 3 – 5 phút thì tắt bếp.
- Cho ra chén, rắc thêm hành lá là có thể thưởng thức.
Cháo nấm trứng bắc thảo
Bên cạnh trứng bắc thảo ăn với súp thì nấu cháo cũng là món ăn bổ dưỡng.
Nguyên liệu:
- 3 quả trứng bắc thảo;
- 150g gạo tẻ;
- 100g thịt nạc xay;
- 100g nấm hương;
- Hành lá, ngò gai, nước tương, muối, dầu ăn, dầu hào, hạt tiêu.
Cách làm:
- Hành lá, ngò gai rửa sạch, thái nhỏ.
- Ngâm gạo trong nước sạch khoảng 10 phút. Gạo vo sạch, trộn với 1/2 muỗng muối và 1 muỗng dầu ăn.
- Thịt xay ướp với 1 muỗng dầu hào, 1 muỗng dầu hào, 1/2 muỗng muối trong 10 phút.
- Nấm đông cô ngâm trong nước ấm 15 – 20 phút. Vớt ra, để ráo nước và cắt miếng nhỏ.
- Cho gạo vào nồi nấu thành cháo.
- Khi cháo chín, nêm gia vị vừa ăn. Thêm nấm, thịt xay và trứng bắc thảo vào. Nấu thêm 10 phút nữa thì tắt bếp.
- Cho cháo ra tô, rắc hành lá, ngò gai và tiêu lên trên rồi thưởng thức.
Trứng bắc thảo bọc thịt chiên
Bên cạnh những món cháo, súp ăn với trứng bắc thảo thì cách bọc thịt chiên giòn giúp bạn thay đổi khẩu vị.
Nguyên liệu:
- 6 quả trứng bắc thảo;
- 300g thịt nạc xay;
- 100g giò sống băm nhỏ;
- 1 quả trứng gà;
- Bột chiên xù, hành khô băm nhỏ, muối, hạt tiêu, hạt nêm, đường,…
Cách làm:
- Trộn đều thịt nạc xay, hành khô, giò sống và nêm nếm gia vị thành hỗn hợp.
- Chia nhỏ hỗn hợp thành từng miếng viên tròn sau đó dàn mỏng, đặt trứng bắc thảo vào giữa và bọc lại.
- Đập trứng gà ra chén, nêm gia vị và đánh đều.
- Cho bột chiên xù ra đĩa. Lăn trứng đã bọc thịt qua trứng sau đó lăn qua lớp bột chiên xù.
- Đặt chảo lên bếp, đợi dầu sôi thì cho trứng vào chiên vàng.
- Xếp trứng ra đĩa, dùng với sốt mayonnaise và tương ớt.
Hướng dẫn sử dụng trứng bắc thảo tốt cho sức khỏe
Trứng bắc thảo có thể ăn trực tiếp không cần luộc
Có nhiều người thắc mắc ăn trứng bắc thảo có cần luộc không? Thì câu trả lời là không. Bởi trong quá trình ủ, trứng bắc thảo đã được lên men dưới lòng đất từ 3 – 5 tháng và chín. Do đó, bạn có thể ăn trứng ngay khi bóc vỏ hoặc dùng để chế biến các món ăn khác mà không cần luộc. Tuy nhiên, tùy theo khẩu vị của mỗi người, bạn có thể luộc trứng trong khoảng 15 phút. Các bạn lưu ý khi luộc trứng phải để lửa nhỏ để tránh làm trứng bị vỡ trong quá trình luộc.
Không ăn quá nhiều trứng bắc thảo
Do trứng gà bắc thảo được ủ và lên men lâu ngày nên dinh dưỡng cũng bị giảm đi nhiều. Tốt nhất bạn chỉ nên tiêu thụ tối đa 3 – 4 quả/tuần.
Thời điểm ăn trứng bắc thảo
Nếu muốn biết thời điểm ăn trứng bắc tốt, bạn có thể yên tâm rằng ăn vào thời điểm nào trong ngày vẫn có thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Bà bầu ăn trứng bắc thảo được không?
Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và người già được khuyến cáo không nên ăn trứng bắc thảo. Do hệ tiêu hóa còn yếu nên ăn loại trứng này dễ bị khó tiêu.
Hy vọng với những cách chế biến trứng bắc thảo trên đây, bạn có thể trổ tài nấu nướng của mình để chế biến những món ăn ngon, lạ miệng cho cả gia đình. Mặc dù trứng bắc thảo là món ăn bổ dưỡng nhưng bạn cũng nên lưu ý ăn với lượng vừa phải.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: vinid.net