Chăn nuôi quả thực là một bước tiến quá lớn của con người. Trong hàng ngàn năm, xã hội loài người đã được hưởng lợi rất nhiều từ chăn nuôi. Khi đưa các loài vật về gần với mình và chủ động kiểm soát số lượng, con người đã từ bỏ được nếp sống săn bắn hái lượm, và chuyên tâm hơn cho sự phát triển của cộng đồng.
Qua thời gian, câu câu chuyện chăn nuôi được con người đẩy lên một tầm cao mới. Bất kỳ sinh vật nào chỉ cần mang lại lợi ích cho con người là có thể chuyển thành mô hình chăn nuôi – từ bò, lợn, gà, cừu… đến cá, tôm, đà điểu, cá sấu, trăn, rắn, thậm chí cả côn trùng.
Tuy nhiên theo một bản báo cáo mới đây, có một sinh vật dù thế nào con người cũng không nên nuôi nhốt. Đó là bạch tuộc – sinh vật thông minh nổi tiếng, và cũng là món ăn tuyệt hảo trong nhiều nền ẩm thực trên thế giới.
Nhu cầu nuôi bạch tuộc ngày càng lớn
Các số liệu từ FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc) cho thấy nhu cầu sử dụng bạch tuộc làm thức ăn trên toàn cầu đang ngày càng tăng cao, vượt xa khả năng cung cấp của thị trường. Điều này khiến mức giá bạch tuộc tại nhiều nơi trên thế giới luôn ở mức cao, và FAO dự đoán xu hướng ấy sẽ còn duy trì đến hết năm 2019.
Trong tự nhiên, bạch tuộc sinh sống ở nhiều khu vực, nhưng số lượng rất khác nhau. Nếu chỉ dựa vào khả năng đánh bắt bạch tuộc trong tự nhiên thì sẽ là không đủ và cũng không ổn định. Và như một quy luật tất yếu, các mô hình nuôi bạch tuộc đã bắt đầu xuất hiện.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thực hiện nhiều nỗ lực để chăn nuôi bạch tuộc, bao gồm cả áp dụng công nghệ biến đổi gene để tăng khả năng phát triển và sinh sản của loài vật này.
Hệ sinh thái không thích điều đó
Theo như báo cáo mới đây được đăng tải trên tạp chí Issues in Science and Technology, một nhóm chuyên gia môi trường tại Hoa Kỳ cho biết việc nuôi bạch tuộc có thể gây ra tổn hại lớn đến môi trường.
Thực chất việc chăn nuôi bất kỳ con gì cũng sẽ gây tổn hại đến môi trường. Trong trường hợp của bạch tuộc, lượng nitrogen và phốt-pho có trong chất thải của chúng không phải là thứ dễ giải quyết. Tuy nhiên theo Jennifer Jacquet – nhà sinh học đến từ ĐH New York, và cũng là một trong những tác giả nghiên cứu – thì vấn đề lớn nhất nằm ở chế độ ăn của chúng.
Bạch tuộc là loài săn mồi, chúng cần được bổ sung đạm và dầu từ cá trong khẩu phần. Nhưng “ấu trùng” bạch tuộc (octopus larvae) thì chỉ ăn mồi vẫn còn đang sống, và đó là vấn đề khá lớn.
“Hầu hết các loài thủy hải sản được nuôi sẽ gây áp lực lớn cho các loài vật khác trong tự nhiên, vì người ta cần phải cho chúng ăn.” – Jacquet cho biết.
“1/3 số lượng cá trên toàn cầu bị bắt chỉ để làm thức ăn cho một loài vật khác, và phân nửa số đó là cho quá trình nuôi trồng thủy hải sản. Nhiều loài bị đánh bắt quá nhiều và đang trên đà giảm sút.”
Bạch tuộc cần rất nhiều thực phẩm – ít nhất là gấp 3 lần trọng lượng của chúng trong cả cuộc đời chăn nuôi. Hiển nhiên, điều này sẽ gây áp lực mạnh cho các loài vật số lượng vốn đã giảm rất nhiều. Hệ sinh thái vì thế cũng bị ảnh hưởng, cũng như lượng thức ăn con người thu được nữa.
Nuôi bạch tuộc cũng là một sự tàn nhẫn
Ngay cả khi giải quyết được vấn đề áp lực cho hệ sinh thái, thì việc chăn nuôi bạch tuộc cũng không được giới khoa học đánh giá cao về tính nhân đạo.
Cần biết rằng bạch tuộc là một trong những sinh vật thông minh nhất thế giới, thậm chí vượt trội so với cá heo và tinh tinh. Chúng có thể giải đố, mở nắp hộp, phân biệt màu sắc, nhận biết mặt người… một cách dễ dàng. Thậm chí, bạch tuộc còn có thể bỏ trốn khỏi bể qua ven thông khí – nếu chúng có cơ hội.
Không phải tự nhiên người nuôi bạch tuộc phải thả đồ chơi vào trong bể của chúng. Nếu để chúng chán, bạch tuộc có thể bị căng thẳng, từ đó nảy sinh ra những hành vi hết sức đáng ngại như tự va vào thành bể, tự gặm chính xúc tu của mình…
Và đó là với các bể nước rộng rãi, thoải mái. Giờ hãy tưởng tượng một trang trại nuôi cả đàn bạch tuộc, chật chội, chỉ chờ ngày lên thớt, chúng sẽ cảm thấy thế nào?
“Chưa tính đến vấn đề sức khỏe và độ an toàn, bạch tuộc còn cần những yếu tố kích thích nhận thức ở mức cao, cùng cơ hội được khám phá, thử nghiệm, kiểm soát môi trường xung quanh.”
“Một trang trại chật chội chắc chắn sẽ không thể mang lại cho chúng điều đó.”
Hiện tại, công nghệ chăn nuôi bạch tuộc vẫn còn đang gặp nhiều thách thức, chẳng hạn như làm sao để giữ cho ấu trùng bạch tuộc sống cho đến kỳ trưởng thành. Dù vậy, các tiến bộ về công nghệ đã cho thấy sự thay đổi.
Năm 2010, các thí nghiệm nuôi bạch tuộc tại Mexico đã có những bước tiến lớn. Năm 2017, một công ty hải sản tại Nhật Bản cũng thông báo đã thành công trong việc ấp nở trứng bạch tuộc, và dự đoán sẽ mở trang trại vào năm 2019.
Tuy nhiên với các vấn đề nêu trong nghiên cứu, các nhà khoa học đang hy vọng rằng quá trình này có thể chậm lại, hoặc vấn đề cần phải giải quyết trước thời hạn ấy.
“Có lẽ tất cả nên tạm ngưng đầu tư vào chăn nuôi bạch tuộc, mà tập trung vào việc phát triển nguồn thực phẩm bền vững và thiết thực hơn cho nhân loại.”