Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng khẳng định, sinh viên cử tuyển bằng trung bình không có cơ hội đỗ xét tuyển công chức, viên chức.
Trong giai đoạn 2014-2016, việc tiếp nhận, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (DTTS) được Kỳ Sơn thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai và minh bạch.
Tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hiện có tổng số 489 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 345 cán bộ, công chức DTTS, chiếm tỷ lệ 70,6%; số cán bộ đạt chuẩn ngạch và vị trí việc làm là 184 người (trình độ Đại học), chiếm 41,62%.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang
Việc giới thiệu cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS vào quy hoạch để tham gia cấp ủy các cấp luôn được huyện chú trọng và quan tâm. Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được thực hiện có hiệu quả và chất lượng.
Công chức làm việc tại Trung tâm giao dịch một cửa xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thu Giang
Tuy nhiên, theo thống kê của huyện, hiện vẫn còn 171 sinh viên đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm, trong đó thuộc hệ cử tuyển có 26 người, gồm các chuyên ngành: Y, Dược; Sư phạm; Nông, lâm nghiệp; Luật và Kinh tế.
“Năm 2016, huyện đã tiếp nhận và bố trí việc làm cho 2 sinh viên tốt nghiệp đại học theo chế độ cử tuyển vào làm việc tại các phòng, ban của UBND huyện, còn 26 em chưa biết sắp xếp ở đâu”, ông La Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Về vấn đề này, huyện cho rằng nguyên nhân là do cơ chế, chính sách giải quyết việc làm cho sinh viên DTTS sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là hệ cử tuyển còn nhiều vướng mắc. Cùng với đó là một số chính sách tuyển dụng không thống nhất; việc xây dựng, đề xuất chỉ tiêu cử tuyển ban đầu không sát với thực tiễn.
Đại diện đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tìm hiểu trường hợp sinh viên cử tuyển Ngân Văn Thu (giữa) tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí việc làm. Ảnh: Thu Giang
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ tịch UBND huyện khẳng định huyện đã quan tâm thực hiện tốt và thực chất công tác tuyên truyền, để các gia đình và các em học sinh DTTS được hướng nghiệp tốt hơn, góp phần hạn chế bớt tình trạng đi học những ngành nghề thực tiễn không có nhu cầu, gây tình trạng thất nghiệp.
Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng nêu kiến nghị với đoàn giám sát HĐND tỉnh về vấn đề cử tuyển và xét tuyển công chức, viên chức. Ảnh: Thu Giang
Ông Hoàng cũng nêu quan điểm, chính sách cử tuyển hiện nay còn rất bất cập, cả trong quá trình đào tạo lẫn sử dụng. “Các cháu diện cử tuyển đi học có những nghề địa phương có cần đâu? Thay vì đào tạo những cái trường có, phải đào tạo những cái địa phương đang cần. Sau khi các cháu tốt nghiệp, sử dụng diện cử tuyển cũng bất cập. Nếu sinh viên cử tuyển có học lực trung bình thì không bao giờ vượt qua xét tuyển công chức, viên chức được, kể cả khi điểm sát hạch, phỏng vấn đạt tối đa, vì điểm học tập theo quy định tính hệ số 2”, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phân tích.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng kiến nghị, cần quy định một mức tỷ lệ nhất định trong số chỉ tiêu xét tuyển công chức, viên chức để ưu tiên cho các trường hợp cử tuyển, dần giải quyết những trường hợp còn tồn đọng hiện nay.
Ông Vi Hòe – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho rằng tỉnh nên bổ sung cơ chế chính sách riêng cho các huyện 30a gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu: “Mỗi năm tỉnh nên cân nhắc bố trí một số suất xét tuyển công chức, viên chức dành riêng cho đối tượng là người địa phương và trong diện cử tuyển thì mới được, nếu không rất khó giải quyết bố trí việc làm đối tượng này”.
Đoàn công tác trao đổi cùng cán bộ, công chức, viên chức xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn về việc thực hiện chế độ, chính sách. Ảnh: Thu Giang
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lô Thị Kim Ngân ghi nhận những kết quả tích cực mà huyện Kỳ Sơn đã đạt được trong việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn giai đoạn 2014-2016; đồng thời nhấn mạnh những điểm còn bất cập và thiếu hợp lý phát hiện trong cuộc giám sát. Các kiến nghị cụ thể, toát lên từ thực tiễn của địa phương sẽ được tổng hợp, nghiên cứu, phân loại theo các nhóm kiến nghị dành cho các cấp huyện, tỉnh và bộ ngành trung ương, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Trước đó, đoàn công tác đã tìm hiểu thực tế việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại trụ sở làm việc xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, lắng nghe những vướng mắc, bất cập và kiến nghị từ cơ sở về vấn đề này.
Thu Giang