Bơ được đánh giá là một loại siêu thực phẩm tốt cho sức khỏe tất cả mọi người. Mọi lứa tuổi đều có thể ăn bơ, từ các bé ăn dặm đến người lớn tuổi. Nếu định xây dựng thực đơn ăn dặm từ quả bơ, mẹ cần tìm hiểu nên cho bé ăn bơ vào lúc nào trong ngày tốt nhất.
Lợi ích của trái bơ với sức khỏe bé yêu
Tất cả chúng ta ít nhiều đều đã nghe nói đến những lợi ích của quả bơ đối với sức khỏe con người. Với trẻ em, trái bơ cũng mang đến không ít không dụng như:
Bơ giúp bé tăng cân tốt
Một trong số những thành phần nổi bật của trái bơ chính là chất béo. Chất béo trong bơ là loại chất béo lành mạnh, không chứa cholesterol. Nhờ đó, nó giúp bé yêu tăng cân mà không làm tăng các nguy cơ mắc bệnh tim mạch. So với các thực phẩm giàu chất béo khác, bơ là lựa chọn dường như tốt nhất cho trẻ em.
Tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ
Một trong số những thành phần dinh dưỡng có vai trò quan trọng với sự phát triển não bộ của trẻ là omega 3 – loại acid béo mà cơ thể không thể tự tổng hợp được. Thật may là trong thịt của quả bơ lại chứa một hàm lượng omega 3 dồi dào. Omega 3 cứu tinh của não bộ và tinh thần, chống viêm và chống oxy hóa ở các tế bào não, giúp tế bào não khỏe hơn và giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ. Điều này có thể hữu ích với năng lực trí tuệ của bé trong tương lai.
Giúp trẻ tăng miễn dịch tự nhiên
Trong trái bơ có chứa hàm lượng dồi dào các loại vitamin C, vitamin B, vitamin K và E. Đây đều là những thành phần dưỡng chất có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Các nghiên cứu chỉ ra trái bơ có các chất chống viêm, kháng khuẩn. Ở những trẻ nhỏ nếu bị hăm tã hay viêm da, trái bơ hoàn toàn có thể giúp giảm đáng kể triệu chứng.
Bơ hỗ trợ rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé
Trong trái bơ có chứa hàm lượng chất xơ dồi dào. Nó sẽ giúp nhuận tràng, giúp bé tiêu hóa dễ dàng hơn. Khi quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, bé sẽ có một đường ruột khỏe mạnh. Đường ruột khỏe mạnh chính là bí quyết nâng cao đề kháng tự nhiên của cơ thể.
Tốt cho thị lực của trẻ
Trong thịt của quả bơ có chứa hàm lượng lớn chất carotenoid – một nguyên liệu cơ thể dùng để tạo ra vitamin A.Vì thế, bơ cũng tốt cho thị lực và sự phát triển thị lực của trẻ. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, sắc tố thực vật này của trái bơ còn có tác dụng giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng.
Nên cho bé ăn bơ vào lúc nào trong ngày?
Dù trái bơ có nhiều tác dụng thì trẻ cũng khó có thể thụ hưởng được hết tất cả những điều đó nếu mẹ không cho bé ăn bơ đúng cách. Đây là lý do nhiều bà mẹ vẫn đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi nên cho bé ăn bơ vào lúc nào trong ngày? Với câu hỏi này, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng mẹ nên cho trẻ ăn bơ vào buổi sáng.
Lý do là bơ cung cấp một lượng calo và chất béo khá cao. Thành phần dinh dưỡng trong trái bơ cũng vô cùng phong phú. Mẹ cho bé ăn bơ vào buổi sáng sẽ giúp cơ thể bé hấp thụ được hết các dưỡng chất đó và chuyển hóa chúng thành năng lượng. Điều này giúp chất dinh dưỡng không bị dư thừa và tích lũy dưới dạng mỡ, không tốt cho sức khỏe.
Để không ảnh hưởng đến bữa ăn chính của trẻ, mẹ nên cho trẻ ăn bơ sau bữa sáng từ 1 – 2 tiếng. Hoặc mẹ cũng có thể cho bé ăn bơ trong các bữa phụ vào ban ngày. Việc này giúp bé có thêm nhiều năng lượng và tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất.
Có nên cho bé ăn bơ hàng ngày không?
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, những người duy trì thói quen ăn bơ mỗi ngày có hệ lợi khuẩn đường ruột khỏe mạnh hơn. Với trẻ em cũng không phải ngoại lệ. Như vậy, nếu mẹ băn khoăn có nên cho bé ăn bơ hàng ngày không, thì câu trả lời là hoàn toàn có thể nhé! Tuy nhiên, điều kiện bắt buộc là mẹ phải kiểm soát được lượng ăn phù hợp để tránh gây tác dụng ngược.
Cùng với câu hỏi nên cho bé ăn bơ vào lúc nào trong ngày, mẹ nên biết cho bé ăn bao nhiêu bơ là đủ. Lượng bơ dành cho trẻ em được bác sĩ khuyến nghị theo độ tuổi như sau:
- Trẻ mới tập ăn dặm và mới làm quen với bơ: Cho trẻ ăn 1 – 2 lần/tuần.
- Trẻ đã ăn quen dặm và đã từng ăn bơ: Cho trẻ ăn 2 – 3 lần/ tuần là đủ.
- Trẻ đã lớn hơn: Có thể ăn 1/4 – 1/2 quả bơ tùy theo sở thích.
Nếu mẹ cho trẻ ăn quá nhiều bơ, có thể dẫn đến những vấn đề như:
- Ăn nhiều bơ khiến trẻ hấp thụ quá nhiều chất béo và calo dẫn đến tăng cân, làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
- Hàm lượng chất xơ trong bơ khá cao có thể khiến trẻ bị đi ngoài nhiều lần.
- Ăn quá nhiều bơ cũng không tốt cho hoạt động của gan.
- Ăn nhiều bơ khiến các hoạt chất beta-sitosterol hấp thụ các cholesterol cần thiết và có thể làm thiếu hụt cholesterol tốt.
Lưu ý khi cho trẻ ăn bơ
Ngoài tìm hiểu nên cho bé ăn bơ vào lúc nào trong ngày, mẹ cũng cân lưu ý những điều sau khi cho bé ăn bơ:
- Trẻ chỉ nên tập ăn dặm và tập ăn bơ khi đã tròn 6 tháng tuổi.
- Ngoài cho bé ăn bơ nguyên chất, mẹ có thể nghiền bơ với sữa mẹ, làm sinh tố bơ, trộn bơ với sữa chua, nấu cháo bơ cho bé ăn dặm… để làm phong phú thêm khẩu vị của bé.
- Tuy không phổ biến nhưng vẫn có những cơ địa nhạy cảm gặp tác dụng phụ khi ăn bơ như buồn nôn, sưng miệng lưỡi, đau đầu, hen suyễn, rối loạn tiêu hóa… Ban đầu, mẹ nên cho bé ăn một lượng nhỏ. Nếu thấy bé không bị dị ứng mới tăng dần lượng ăn.
- Mẹ không nên cho trẻ ăn bơ cùng lúc với dùng thuốc bổ hay uống thuốc trị bệnh.
- Mẹ nên cho bé ăn trái bơ tươi mới, không nên cho bé ăn bơ đông lạnh.
Trái bơ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ đúng không nào? Đã biết nên cho bé ăn bơ vào lúc nào trong ngày tốt nhất rồi, mẹ hãy cho bé ăn đúng cách, đủ lượng để bé khỏe hơn mỗi ngày nhé!
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Vinmec, yduochanoi