Bánh mì nướng là món ăn dặm ngon dành cho trẻ nhỏ. Hơn nữa, bánh mì có thể dễ dàng kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau để tăng thêm dinh dưỡng và hương vị cho món ăn của bé. Vậy đâu là thời điểm tốt nhất để giới thiệu bánh mì cho trẻ nhỏ? Bánh mì có thể chế biến như thế nào cho phù hợp với từng giai đoạn và sở thích của bé? Cùng Genetica tìm hiểu bài viết dưới đây để gỡ rối vấn đề này nhé!
1, Trẻ mấy tháng tuổi có thể ăn bánh mì?
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ có thể ăn được bánh mì ngay sau khi bắt đầu ăn dặm, từ 6 tháng tuổi trở lên. Bánh mì là một trong những thực phẩm tốt nhất để làm thức ăn đầu tiên trong quá trình ăn dặm, bên cạnh một số loại rau quả, đậu, cá hồi, thịt…
Tuy nhiên, vì bánh mì có chứa lúa mì, trứng và sữa nên có thể coi là một trong những loại thực phẩm dễ gây dị ứng ở trẻ nhỏ. Vì vậy, khi đưa bánh mì vào thực đơn ăn dặm của bé lần đầu tiên, hãy phục vụ một lượng nhỏ cùng các nguyên liệu khác không gây dị ứng – việc này sẽ giúp mẹ dễ dàng tìm ra nguyên nhân gây ra dị ứng nếu có vấn đề.
Một số bé gặp phải các triệu chứng dị ứng lúa mì bao gồm nổi mề đay, sưng hoặc ngứa môi, phát ban, ngứa, tiêu chảy, nôn, thở khò khè. Nếu bạn nghi ngờ bé bị dị ứng với một thành phần trong bánh mì hoặc không dung nạp lúa mì, hãy loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn của trẻ và liên hệ với chuyên gia để được tư vấn.
2, Lợi ích của bánh mì đối với trẻ nhỏ
Bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì, yến mạch, lúa mạch hoặc gạo lứt, nhờ vậy cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin B, selen, kali và magie để hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của trẻ.
Hơn nữa, bánh mì là một nguồn carbohydrate phức tạp, giúp con no lâu hơn và cung cấp chất xơ ngăn ngừa táo bón.
Khi bé đã làm quen và dung nạp được nhiều loại thực phẩm khác nhau, mẹ có thể kết hợp bánh mì với nhiều loại thực phẩm khác, chẳng hạn bơ hạt, quả bơ, thịt, trứng… để nâng cao hàm lượng dinh dưỡng và khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn.
3, Những loại bánh mì tốt nhất cho trẻ dưới 12 tháng tuổi
Theo các chuyên gia, để phục vụ bánh mì cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, mẹ nên lựa chọn các loại bánh được làm từ ngũ cốc lên men hoặc ngũ cốc nảy mầm. Bởi những loại này mang lại nhiều dinh dưỡng hơn so với bánh mì làm từ ngũ cốc tinh chế đã bị loại bỏ những phần giàu chất dinh dưỡng của nhân hạt.
Bánh mì làm từ ngũ cốc nảy mầm chứa nhiều protein và chất xơ. Chúng cũng cung cấp nhiều vitamin B và khoáng chất như sắt và selen. Đôi khi bánh mì ngũ cốc nảy mầm thậm chí còn chứa các loại đậu như đậu lăng, đậu xanh hoặc đậu nành, giúp tăng cường dinh dưỡng.
Trong khi đó, bánh mì được làm từ quá trình lên men axit lactic truyền thống cũng là một lựa chọn tuyệt vời bổ sung các vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp bé tiêu hóa khỏe mạnh.
Mẹ cần lưu ý tránh các loại bánh mì chứa nhiều đường hoặc mật ong, vì chúng không tốt cho trẻ dưới 1 tuổi. Các loại bánh có hàm lượng natri cao cũng không thích hợp cho bé sơ sinh, do đó mẹ nên đọc kỹ nhãn sản phẩm và tìm loại bánh mì có natri thấp hơn, chẳng hạn như 100 miligam hoặc ít hơn cho mỗi khẩu phần.
4, Cách chế biến bánh mì cho bé
Cho trẻ dưới 1 tuổi
Khi phục vụ bánh mì cho trẻ dưới 1 tuổi, mẹ nên bỏ lớp vỏ bánh và cắt thành những miếng dài dễ cầm nắm rồi đem nướng. Khi bé đã quen với nhiều nguyên liệu khác, mẹ có thể cho trẻ ăn bánh mì phết bơ hạt mịn hoặc bơ tách muối…
Cho trẻ trên 1 tuổi
Trẻ 1 tuổi có thể ăn một phần tư lát bánh mì kẹp hoặc nhiều hơn nếu con thực sự đói. Mẹ có thể thử thêm sốt Hummus với cà rốt bào sợi hoặc cà chua thái hạt lựu; phô mai kem với dưa chuột gọt vỏ và cắt lát mỏng; hoặc một lớp bơ đậu phộng thật mỏng với chuối cắt lát để phục vụ cho bé ăn sáng hoặc ăn bữa phụ trong ngày.
5, Công thức phục vụ bánh mì cho trẻ nhỏ
Khi cho bé ăn bánh mì, mẹ hãy bỏ viền và cắt thành từng miếng dài bằng ngón tay để con có thể dễ dàng cầm nắm. Để giúp bánh không bị khô, nên kết hợp bánh mì với các nguyên liệu khác phủ lên trên mặt bánh, việc này còn giúp bổ sung thêm dinh dưỡng, sắt, chất béo và calo cho món ăn. Các nguyên liệu có thể kết hợp bao gồm:
- Bơ Ghee
- Trái bơ nghiền
- Đậu hoặc đậu lăng nghiền
- Trứng nghiền trộn với sữa chua Hy Lạp
- Bơ đậu phộng hoặc bơ hạt
- Quả mọng nghiền
- Phô mai tươi
- Sốt Hummus
Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo một số cách chế biến bánh mì ngon dưới đây.
Bánh mì chiên trứng sữa kiểu Pháp
Bánh mì chiên trứng sữa kiểu Pháp rất ngon và dễ làm. Mẹ chỉ cần chuẩn bị 4 nguyên liệu gồm 1 lát bánh mì sandwich, 1 lòng đỏ trứng, 50 ml sữa công thức và 1 thìa cà phê bơ ghee. Ngoài ra, cho trẻ trên 1 tuổi có thể rưới thêm syrup gạo hoặc mật ong lên bánh hoặc ăn kèm trái cây sẽ ngon hơn.
Cách làm:
- Sandwich bỏ viền, cắt miếng vừa ăn
- Trộn đều sữa và trứng rồi lọc qua rây cho mịn
- Làm nóng chảo rồi phết lớp mỏng bơ Ghee (hoặc dùng giấy lau nhẹ)
- Nhúng bánh mì qua hỗn hợp trứng sữa rồi áp chảo trên lửa vừa cho đến khi vàng đều 2 mặt (khoảng 3-5 phút).
Bánh mì nướng kiểu pizza
Nguyên liệu gồm có bánh mì lát, nước sốt cà chua ít muối cùng phô mai mozzarella thái nhỏ. Sau khi phết một lớp mỏng nước sốt cà chua, chỉ cần thêm phô mai phủ lên trên và cho vào lò nướng là món ăn đã hoàn thành.
Khi kỹ năng nhai nuốt thức ăn của bé đã tốt hơn, mẹ có thể thêm thịt, ngô, dứa, hành tây, ớt chuông thái hạt lựu lên mặt bánh.
Bánh mì nướng cùng phô mai chanh tươi
Nguyên liệu:
- 1 lát bánh mì tùy chọn
- 1 thìa pho mát ricotta tươi
- ¼ muỗng cà phê vỏ chanh
- ¼ muỗng cà phê vừng rang
Thực hiện:
- Nướng bánh mì
- Trộn phô mai và vỏ chanh.
- Phết mỏng phô mai chanh lên bánh mì nướng. Rắc vừng rang lên trên.
- Cắt bánh mì nướng thành từng dải cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi hoặc để nguyên miếng cho trẻ mới biết đi.
Nói tóm lại, với những thông tin đưa ra trong bài, hy vọng cha mẹ có thể hiểu và biết cách cho trẻ ăn dặm với bánh mì đúng cách. Hãy đảm bảo chế biến món bánh sao cho không bị khô, cứng quá dễ gây mắc nghẹn và luôn để mắt đến con trong các bữa ăn.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.whattoexpect.com/first-year/baby-feeding/when-can-babies-eat-bread
- https://www.healthline.com/health/baby/bread-for-babies
- https://solidstarts.com/foods/bread/
- https://mylittleeater.com/all-about-bread-for-babies/