Mang trong mình căn bệnh máu khó đông đã là một thiệt thòi, bệnh lại có thể di truyền sang con – đó là nỗi trăn trở, phiền muộn của nhiều người mẹ mắc căn bệnh này. Vậy có cách nào giúp người mẹ ấy có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh?
Biết bản thân mang bệnh máu khó đông từ nhỏ nhưng sự lo lắng của chị T.T.Hoa (Nghệ An) từ khi lấy chồng và muốn sinh con lại nhân lên. Được chồng và gia đình chồng động viên, chị tìm hiểu các biện pháp để sinh con khỏe mạnh, không ảnh hưởng đến giống nòi. Chia sẻ tâm sự của mình với bác sỹ chuyên khoa về huyết học và di truyền học, chị đã có những kiến thức nhất định và tự tin hơn để sinh con. Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, phụ nữ mang gene hay mắc bệnh máu khó đông vẫn có cơ hội để sinh những đứa con khỏe mạnh.
Người mẹ mắc bệnh máu khó đông trước khi sinh con cần nắm chắc một số kiến thức cơ bản sau:
Khả năng di truyền từ mẹ sang con của người mẹ mắc bệnh máu khó đông
Nếu một phụ nữ mắc bệnh máu khó đông kết hôn với một nam giới bình thường:
- 25% khả năng sinh con gái mang gen bệnh
- 25% khả năng sinh con trai mắc bệnh
- 50% khả năng sinh con không mắc hoặc mang gene bệnh
Nếu một phụ nữ mắc bệnh máu khó đông kết hôn với một nam giới mang gene bệnh máu khó đông:
- 25% khả năng sinh con gái mắc bệnh
- 50% khả năng sinh con mang gene bệnh
- 25% khả năng sinh con trai không mắc hoặc mang gene bệnh
Nếu một phụ nữ mắc bệnh máu khó đông kết hôn với một nam giới mắc bệnh máu khó đông thì gần như 100% con cái của họ sẽ mắc hoặc mang gene bệnh. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm gặp.
Mẹ mắc bệnh máu khó đông vẫn có thể sinh con khỏe mạnh
Nên đi khám trước khi mang thai và lựa chọn hình thức mang thai phù hợp
Cả nữ giới và nam giới mang gene hay mang bệnh máu khó đông, các cặp vợ chồng đã có con bị bệnh và các gia đình có người thân mắc bệnh, đều được khuyến nghị nên đến các cơ sở chuyên khoa sâu, có sự phối hợp giữa các chuyên khoa như huyết học, sản, di truyền… của các bệnh viện để thăm khám trước khi mang thai để được tư vấn về bệnh, khả năng di truyền và cách phòng tránh bệnh di truyền sang con.
Mặc dù đây là căn bệnh nguy hiểm và có tính di truyền nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được ngay từ đầu. Nhất là đối với những nam giới mang gene bệnh, hoặc bị bệnh, chỉ cần kết hôn với người phụ nữ bình thường không mang gen bệnh và sinh con gái thì con gái sẽ không mang gen bệnh.
Hiện nay, biện pháp mang thai tự nhiên không thể dự đoán chính xác giới tính của thai nhi, khả năng di truyền bệnh. Do đó, với những cặp vợ chồng mang gene hay mang bệnh máu khó đông có thể cân nhắc lựa chọn phương pháp cấy ghép phôi. Thông qua xét nghiệm ADN hoặc định lượng yếu tố VIII, các bác sỹ có thể lọc ra những phôi không mang gen bệnh rồi cấy vào tử cung của người mẹ. Từ đó, sẽ có những em bé khỏe mạnh chào đời, không mang gene bệnh và chấm dứt được tình trạng di truyền bệnh máu khó đông trong gia đình. Đây chính là phương pháp tốt nhất để phát hiện và loại trừ nguy cơ trẻ mắc bệnh máu khó đông hiện nay.
Kiểm tra định kỳ và điều trị máu khó đông khi mang thai
Trong trường hợp người mẹ bị bệnh máu khó đông đã mang thai, việc thăm khám định kỳ để theo dõi và điều trị kịp thời là cần thiết. Vào tuần 15-20 của thai kỳ, thai phụ cần thực hiện xét nghiệm nước ối, nhiễm sắc thể bất thường của bào thai. Bác sĩ sẽ dùng cây kim dài, chọc vào bụng thai phụ, lấy một ít nước ối để xét nghiệm, từ đó xác định bệnh máu khó đông khi mang thai. Thủ thuật này được tiến hành đơn giản, không gây đau đớn và hoàn toàn không gây hại cho thai nhi trong bụng mẹ.
Mẹ bầu mang gene hay mắc bệnh máu khó đông cần lưu ý đặc biệt nếu thấy có một hay nhiều trong các triệu chứng như: chảy máu cam liên tục và kéo dài nhưng không rõ nguyên nhân; thường xuyên chảy máu chân răng; mạch máu nổi chẳng chịt ở chân và đùi; cơ thể mệt mỏi, đau tức ngực, sưng đau đột ngột ở tay chân; hay khi thấy máu xuất hiện trong phân và nước tiểu… Trong trường hợp này, mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Một số lưu ý chung cho người bệnh máu khó đông nếu đang có ý định sinh con
- Hạn chế tối đa việc quan hệ vợ chồng mạnh
- Thực hiện khám thai định kỳ theo đúng chỉ định và cần cần được theo dõi thai kỳ kỹ lưỡng hơn so với người sản phụ bình thường.
- Trong lúc chuyển dạ, cần đến bệnh viện đã thực hiện khám thai để bác sĩ nắm rõ tiền sử bệnh lý và bệnh án để có biện pháp xử lý cần thiết và kịp thời.
Xem thêm:
-
Máu khó đông – bệnh ‘nhà giàu’ thường truyền cho con trai
-
9 dấu hiệu cảnh báo ung thư máu ở trẻ em
-
9 điều bạn nên biết về bệnh máu khó đông