Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về tương quan giữa tiểu đường và việc uống rượu để giúp người bệnh giải đáp thắc mắc rằng tiểu đường uống rượu được không. Từ đó đưa ra các khuyến nghị và hạn chế mà người mắc tiểu đường cần nắm rõ trước khi uống rượu. Nếu đang quan tân đến vấn đề này, hãy cùng nhà thuốc Long Châu khám phá qua bài viết bạn nhé!
Ảnh hưởng của rượu đối với người tiểu đường
Tìm hiểu về tác động của rượu
Các loại đồ uống có cồn, như rượu và bia có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Sự ảnh hưởng của rượu có thể lan rộng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Sau khi uống, rượu nhanh chóng hấp thụ qua dạ dày và ruột non, sau đó chuyển vào hệ tuần hoàn máu.
Ở người bình thường, gan có khả năng phân giải khoảng một ly rượu trong một giờ. Số lượng cồn dư thừa sẽ lan truyền khắp cơ thể và đào thải qua các cơ quan khác như phổi, thận và da thông qua quá trình tiểu tiện và đổ mồ hôi.
Tác động của rượu đối với cơ thể phụ thuộc vào lượng cồn tiêu thụ. Với một lượng nhỏ, rượu có thể tạo cảm giác phấn khích, kích thích vị giác và tạo cảm giác hưng phấn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều rượu có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe.
Rượu ảnh hưởng đến mức đường huyết như thế nào?
Những người bị mắc bệnh tiểu đường cần đặc biệt cẩn trọng khi uống rượu, vì rượu có khả năng gây tác động tiêu cực đến việc kiểm soát đường huyết trong quá trình điều trị tiểu đường. Dưới đây là một số điểm cần lưu ý:
- Mặc dù việc uống một lượng rượu vừa phải có thể gây tăng đường huyết, tuy nhiên việc tiêu thụ quá nhiều rượu có thể gây giảm đường huyết xuống mức nguy hiểm, đặc biệt đối với người mắc tiểu đường type 1. Điều này xuất phát từ việc gan phải chuyển hóa rượu thay vì duy trì cân bằng đường huyết và rượu có thể làm mất khả năng nhận biết tình trạng đường huyết thấp. Những triệu chứng gây ra bởi rượu có thể gây nhầm lẫn với các triệu chứng của tụt đường huyết bao gồm cảm giác mất tập trung, buồn ngủ, tình trạng tối mắt, đau đầu, mắt trông mờ, chóng mặt và thậm chí mất ý thức.
- Rượu ảnh hưởng đến hoạt động gan, chức năng chính của gan là duy trì dự trữ glycogen, một dạng glucose được tích trữ để cung cấp khi cơ thể cần. Khi tiêu thụ rượu, gan phải tập trung vào việc loại bỏ rượu khỏi máu thay vì duy trì mức đường huyết. Do đó, việc uống rượu khi đường huyết ở mức thấp là không nên.
- Rượu vang ngọt chứa carbohydrate có thể gây tăng đường huyết.
- Rượu có khả năng kích thích cảm giác thèm ăn khiến người uống ăn nhiều hơn và gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết.
- Tác động của rượu có thể làm suy giảm khả năng quyết định và ý chí, dẫn đến thói quen ăn uống không khoa học hoặc quên uống thuốc.
- Rượu có thể làm tăng triglyceride trong máu và gây tăng huyết áp.
- Việc uống rượu quá mức tăng nguy cơ phát triển các biến chứng do tiểu đường như các vấn đề tim mạch (do tăng huyết áp, tăng mỡ máu và tăng cân nặng).
Việc tiêu thụ quá nhiều rượu có thể làm giảm hiệu quả tổng thể của insulin và một số loại thuốc điều trị tiểu đường. Rượu có thể làm tăng hoặc giảm đường huyết tùy thuộc vào lượng rượu tiêu thụ. Một số loại thuốc tiểu đường (như sulfonylureas và meglitinides) cũng có tác dụng giảm đường huyết bằng cách kích thích tuyến tụy sản xuất insulin. Việc uống rượu trong lúc đang dùng thuốc tiểu đường có thể gây nguy hiểm, thậm chí là sốc insulin, tình trạng này cần được cấp cứu kịp thời.
Người bị tiểu đường uống rượu được không?
Rượu và bia có tiềm ẩn nhiều hậu quả đáng lo ngại cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Vậy bệnh nhân tiểu đường uống rượu được không? Bạn không cần phải hoàn toàn phải từ bỏ rượu sau khi được chẩn đoán mắc tiểu đường. Quan trọng là cách bạn sử dụng rượu và lượng rượu mà bạn nên uống.
Người bị tiểu đường uống rượu cần lưu ý những gì?
Dưới đây là một số hướng dẫn quan trọng dành cho những người mắc bệnh tiểu đường khi cân nhắc sử dụng rượu:
- Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị của bạn về việc uống rượu bia và xác định mức độ an toàn. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể của bạn, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể trong một số trường hợp, có thể đề nghị ngừng uống hoàn toàn do tương tác với một số loại thuốc đặc biệt.
- Nếu bạn đã quyết định sử dụng đồ uống có cồn, hãy kiểm tra mức đường huyết của mình trước và sau khi uống ít nhất 24 giờ. Đồng thời, kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ để đảm bảo ổn định.
- Không được uống rượu khi đói bụng, vì thức ăn giúp làm chậm quá trình hấp thụ cồn vào máu và đảm bảo rằng bạn không gặp tình trạng hạ đường huyết đột ngột. Hãy chắc chắn rằng bạn đã ăn trước khi uống rượu hoặc ăn các loại thức ăn nhẹ chứa carbohydrate nếu bạn dự định sử dụng đồ uống có cồn.
- Theo hướng dẫn hiện tại, không nên uống quá hai ly rượu tiêu chuẩn mỗi ngày, bất kể là nam hay nữ. Một ly tiêu chuẩn tương đương với: 100 ml rượu, 285 ml bia thông thường, 30 ml rượu mạnh, 60 ml rượu vang hoặc 375 ml bia ít cồn (ít hơn 3% cồn). Bạn có thể pha loại rượu mạnh với nước lọc, nước suối hoặc soda để giảm lượng cồn. Nếu có thể, hãy xem xét thay thế rượu bằng bia hoặc các đồ uống không có cồn.
- Tránh các loại đồ uống hỗn hợp và cocktail nếu bạn có vấn đề về đường máu, vì chúng thường chứa nhiều đường và calo có thể dẫn đến tăng đường huyết.
- Uống rượu từ từ, không nên uống quá nhiều trong một lần.
- Hãy thận trọng khi uống các loại rượu bia nguyên chất vì chúng có thể có nồng độ cồn và calo gấp nhiều lần.
- Tránh sử dụng rượu cùng với thuốc điều trị đái tháo đường. Nếu bạn đang sử dụng insulin và uống rượu trong ngày, hãy kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ. Nếu không thể kiểm tra, hãy cân nhắc ăn đồ ăn chứa tinh bột để tránh nguy cơ hạ đường huyết đột ngột vào ban đêm.
Hy vọng rằng thông qua bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về việc bệnh nhân tiểu đường uống rượu được không. Những người mắc bệnh tiểu đường cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng rượu vì rượu có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và làm cho các biến chứng của bệnh tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, rượu có thể gây tương tác với một số loại thuốc điều trị tiểu đường. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng rượu sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.
Xem thêm:
- Tiểu đường có ăn được củ đậu không?
- Bệnh tiểu đường có ăn rau má được không?