Tiêm vắc xin dại có được uống rượu bia không? Vắc xin phòng ngừa bệnh dại là phương pháp dự phòng cũng như điều trị bệnh dại hiệu quả duy nhất hiện nay. Những thắc mắc xoay quanh vấn đề kiêng cữ khi mắc bệnh dại sẽ được BS Hoa Tuấn Ngọc – Quản lý Y khoa vùng miền Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC giải đáp trong bài viết này.
BS Hoa Tuấn Ngọc – Quản lý Y khoa vùng miền Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Thuốc lá, rượu, bia và các loại đồ uống có cồn đều là những chất kích thích gây hại cho sức khỏe dưới bất kỳ hình thức nào. Đặc biệt làm ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể với vắc xin và làm gia tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ không mong muốn sau khi tiêm ngừa vắc xin”.
Tiêm vắc xin dại có được uống rượu bia không?
KHÔNG! Các chuyên gia khuyến cáo trong thời gian thực hiện các mũi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, người bệnh cần tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như đồ uống có cồn, rượu, bia bởi chúng không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin và khả năng đáp ứng của cơ thể để sinh miễn dịch phòng bệnh. Hơn nữa, uống rượu bia sau khi tiêm vắc xin dại cũng gây khó khăn cho việc phân biệt giữa tác dụng phụ của vắc xin và tác dụng phụ của rượu bia, đồng thời gia tăng nguy cơ gặp phản ứng sau tiêm.
Bên cạnh việc kiêng rượu, bia và các chất kích thích trong thời gian tiêm phòng, người bệnh cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt những lời khuyên của bác sĩ để việc tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại đạt hiệu quả tốt nhất, mau chóng phục hồi sức khỏe.
Vì sao tiêm ngừa dại không được uống rượu bia?
1. Ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh của vắc xin
Sử dụng các đồ uống có cồn như rượu, bia trước hoặc sau khi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại đều làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của vắc xin. Rượu bia có thể gây tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch của cơ thể, cụ thể là tổn thương và ức chế hoạt động của các tế bào bạch cầu (tế bào quan trọng trong cơ thể giúp tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn hoặc virus).
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy rượu, bia không chỉ làm ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống miễn dịch mà còn gây ra nhiều bệnh ở hầu hết các bộ phận trong cơ thể và tỷ lệ này tăng lên ở những người có thói quen sử dụng các chất kích thích trong thời gian dài. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thống kê một số các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do sử dụng rượu bia bao gồm: huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ, bệnh gan, vấn đề về tiêu hóa, các loại bệnh ung thư, hệ thống miễn dịch suy yếu, chứng mất trí nhớ, rối loạn sử dụng rượu,… (1)
Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của vắc xin phòng ngừa bệnh dại cũng như đảm bảo sức khỏe, người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ: tránh uống rượu bia, đồng thời thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, bổ sung vitamin, khoáng chất, chất kháng viêm để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống miễn dịch sau khi tiêm chủng.
2. Gây nhầm lẫn với tác dụng phụ của vắc xin
Những tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin là chóng mặt, sốt nhẹ, buồn nôn và đau đầu và các triệu chứng này sẽ thuyên giảm sau một thời gian mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu trước và sau khi tiêm vắc xin dại uống quá nhiều rượu bia, có thể xảy ra nhầm lẫn trong việc xác định tác dụng phụ của vắc xin hay hậu quả do rượu bia để lại, đồng thời rượu bia cũng làm các tác dụng phụ sau tiêm vắc xin trở nên trầm trọng hơn và khó kiểm soát.
Cần kiêng rượu bia bao lâu sau tiêm vắc xin dại?
Đối với vắc xin phòng bệnh dại, các chuyên gia y tế khuyến nghị sau khi tiêm vắc xin tốt nhất nên tránh uống các chất kích thích như rượu, bia trong khoảng 24 giờ đầu tiên để đảm bảo cơ thể có thời gian tạo ra kháng thể chống lại virus một cách tốt nhất. (2)
Ngoài ra, hạn chế việc sử dụng rượu, bia trong khoảng 1 tháng sau khi tiêm vắc xin cũng là một điều vô cùng quan trọng, do cơ thể cần thời gian để phản ứng và phát triển miễn dịch.
Những việc cần làm sau khi tiêm phòng vắc xin dại
Có thể thấy, dại là căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất lịch sử nhân loại với nguy cơ tử vong cao. Thế nhưng, với sự phát triển của y học hiện đại, con người đã có thể chủ động phòng ngừa căn bệnh đáng sợ này bằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Đây được coi phương pháp dự phòng hiệu quả cũng như giúp điều trị bệnh dại duy nhất hiện nay.
Sau khi tiêm vắc xin phòng dại, người tiêm cần lưu ý một số vấn đề sau để vắc xin phát huy tối đa công dụng bảo vệ:
1. Kiêng toàn bộ các chất kích thích
Người bệnh cần tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như đồ uống có cồn, rượu, bia bởi chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin và khả năng đáp ứng của cơ thể để sinh miễn dịch phòng bệnh. Hơn nữa, uống rượu bia sau khi tiêm vắc xin dại cũng gây khó khăn cho việc phân biệt giữa tác dụng phụ của vắc xin và tác dụng phụ của rượu bia hoặc gia tăng nguy cơ gặp phản ứng sau tiêm.
2. Tránh vận động mạnh
Sau khi thực hiện xong các mũi tiêm phòng bệnh dại, người bệnh cần nghỉ ngơi dưỡng sức, tránh vận động mạnh với cường độ cao trong vòng 24 giờ đầu sau tiêm để hạn chế tối đa sưng đau vị trí tiêm.
3. Không sử dụng các loại thuốc gây ức chế miễn dịch
Các loại thuốc gây ức chế miễn dịch như thuốc điều trị ung thư, corticosteroid,… có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sản sinh ra lượng kháng thể mà cơ thể cần để chống lại tác nhân gây bệnh. Hệ miễn dịch suy yếu sẽ làm giảm tính hiệu quả của vắc xin và gia tăng nguy cơ gặp phản ứng phụ. Chỉ sử dụng thuốc sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ.
4. Chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp
Người bệnh cần tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày như nước lọc, nước ép hoa quả, nước canh, soup và hạn chế các loại nước ngọt có nhiều đường.
Ngoài ra, nếu có các triệu chứng bất thường như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, choáng váng, nổi mẩn toàn thân hoặc các phản ứng thường gặp kéo dài, người tiêm vắc xin cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được can thiệp kịp thời.
Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc “tiêm vắc xin dại có được uống rượu bia không?” và những việc cần làm sau khi tiêm phòng vắc xin dại. Bệnh dại là bệnh đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong rất cao. Do đó, ngay khi bị chó, mèo, vật nuôi tấn công, dù chỉ là vết xước nhẹ, không chảy máu thì người bị cắn cũng cần nhanh chóng sơ cứu và nhanh chóng đi tiêm phòng càng sớm càng tốt để vắc xin đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất.