– Nhiều bệnh nhân HIV chia sẻ đi khám thường phải đợi đến cuối cùng, bị từ chối phẫu thuật, đùn đẩy từ bệnh viện này qua bệnh viện khác. Không chỉ gia đình, mà chính nhân viên y tế cũng kỳ thị họ.
Đó chính là vấn đề được thảo luận sôi nổi trong buổi Hội thảo Vận động chống kỳ thị với người nhiễm HIV diễn ra tại TP.HCM ngày 9/10.
Trong buổi hội thảo, đại diện các nhóm đồng đẳng chia sẻ về những câu chuyện bệnh nhân HIV bị chính các nhân viên y tế kỳ thị, từ đó mong mỏi được quan tâm, đối xử như bao người bình thường.
Chị M., một đồng đẳng viên hoạt động trong công tác phòng chống HIV kể: “chính tôi đưa em trai mình bị nhiễm HIV đi khám mắt. Em tôi bị nổi zona, zona lan vào mắt. Khi em tôi chia sẻ với nhân viên y tế mình bị nhiễm HIV thì cô y tá cầm sổ khám bệnh để luôn qua một bên, nói hãy chờ tới cuối cùng.”
Một đồng đẳng viên chia sẻ câu chuyện người nhiễm HIV bị nhân viên y tế kỳ thị. Ảnh: Thanh Huyền.
Thậm chí không chỉ riêng HIV, bản thân chị M. đi khám viêm gan siêu vi C và cảm thấy sốc bởi những câu hỏi thiếu tính tế nhị của bác sĩ: “cô có tiêm chích không, quan hệ tình dục bừa bãi không?” Khi chị M. nói không, bác sĩ lại hỏi tiếp: “thế chồng chị có chích ma túy không, không chích sao bị viêm gan C?”
Tương tự chị M., một đồng đẳng viên khác tên B. bộc bạch “tôi có một khách hàng bị HIV, đã gắn bó và hỗ trợ cho anh ấy suốt mấy chục năm. Hôm rồi anh này đi khám tai – mũi – họng, xác định bị xoang. Điều trị nhiều lần không thuyên giảm nên bác sĩ chỉ định mổ. Anh bạn tôi nói với bác sĩ mình bị HIV thì được hẹn gặp sau cùng. Xem xét hồ sơ xong, vị bác sĩ này bảo mổ không tốt cho sức khỏe của anh ấy, kêu khi nào đau cấp cứu sẽ mổ sau.”
Đồng đẳng viên khác tên T. kể: “khách hàng của em được chỉ định mổ ở bệnh viện quận. Khi biết anh ấy bị HIV, bệnh viện trả lời không đủ trang thiết bị và điều kiện phẫu thuật cho bệnh nhân HIV, kêu bạn em chuyển sang Bình Dân mà mổ.”
Đa số các bệnh nhân bị HIV đều cho rằng y, bác sĩ không thẳng thừng từ chối họ mà biết cách khéo léo để tránh né.
Trước phản ánh từ cộng đồng người nhiễm HIV, một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho rằng, các nhóm người nhiễm HIV nên có một đại diện làm đầu mối để đứng ra kết nối với bệnh viện. Khi bệnh nhân nhiễm HIV đi khám sẽ thông qua người đại diện này nhằm được hỗ trợ tốt nhất.
Bên cạnh đó, trong buổi hội thảo, ông Lưu Minh, một nhân viên y tế đồng thời đang hoạt động trong nhóm cộng đồng HIV trên địa bàn TP.HCM khuyên những người nhiễm HIV trước tiên phải không tự kỳ thị mình, vì người nhiễm HIV rất dễ bị tổn thương trước một sự cố nhỏ.
Liên quan đến kỳ thị, phân biệt người nhiễm HIV, Ths Đỗ Hữu Thủy, Cục phòng chống HIV AIDS ghi nhận một số doanh nghiệp bắt người lao động lấy máu để xét nghiệm HIV nhưng không công khai.
Buổi hội thảo chống kỳ thị người nhiễm HIV diễn ra ngày 9/10 tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Huyền.
“Chúng tôi kiểm tra hồ sơ khám sức khỏe nhân viên của một doanh nghiệp, thấy cả xét nghiệm HIV. Rất buồn vì doanh nghiệp làm sai đã đành, cả cơ sở y tế ký hợp đồng với doanh nghiệp này cũng chẳng tư vấn gì mà cứ thế làm xét nghiệm hàng loạt luôn. Có nhân sự bị nhiễm HIV nhưng không biết gì, tới khi cơ quan đồn ầm lên anh này mới biết mình bị.”, Ths Thủy kể.
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng, Cục phòng chống HIV/AIDS nhận định: “chúng ta càng kỳ thị thì những người nhiễm HIV càng lẩn mình. Không tiếp cận được họ, không điều trị được cho họ thì mục tiêu giảm số người mắc HIV càng không bao giờ thực hiện được. Trên thực tế, người nhiễm HIV được điều trị tốt có thể sống lâu như bình thường. Vì sự kỳ thị của xã hội mà bao đứa trẻ nhiễm HIV không được tới trường, bao bệnh nhân dù vẫn đủ sức lao động nhưng bị thuyên chuyển, cho nghỉ việc…”
Luật phòng, chống HIV quy định mức chế tài từ 10 – 20 triệu đồng nếu chấm dứt hợp đồng lao động, gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do nhiễm HIV…
Thanh Huyền