Sốt xuất huyết là một căn bệnh nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu không được theo dõi, chữa trị kịp thời, đúng cách. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, người bệnh và người thân thường đặt câu hỏi là: Sốt xuất huyết có được tắm không?
Trong bài viết này, BookingCare sẽ giải đáp thắc mắc này và đưa ra những lưu ý quan trọng khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Sốt xuất huyết có được tắm không?
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, thường gặp ở các nước nhiệt đới. và cận nhiệt đới như Việt Nam. Bệnh có triệu chứng chính là sốt cao, đau đầu, đau nhức khắp cơ thể, xuất huyết dưới da. Để điều trị căn bệnh này, người bệnh cần phải nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước và chú ý chế độ dinh dưỡng.
Một trong những thắc mắc phổ biến của người bệnh sốt xuất huyết là có nên tắm hay không. Thực tế, tùy theo trường hợp bệnh nặng hay nhẹ của bệnh nhân, và phụ thuộc vào giai đoạn bệnh để quyết định bệnh nhân có nên tắm hay không.
Các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ vẫn hoàn toàn có thể tắm còn các trường hợp sốt xuất huyết nặng, sốt xuất huyết giảm tiểu cầu,.. thì cần sự tư vấn kỹ càng hơn của bác sĩ.
Một số lưu ý cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi tắm là:
- Có thể tắm nhanh (nên tắm dưới vòi hoa sen, không nên ngâm mình trong bồn tắm quá lâu) hoặc lau người ở phòng kín, tránh gió lùa.
- Nên tắm với nước có độ ấm vừa phải, tuyệt đối không tắm với nước lạnh.
- Nếu gội đầu thì nên sấy khô tóc, tránh để tóc ẩm quá lâu khiến cơ thể bị lạnh.
- Các chuyên gia đặc biệt lưu ý với trường hợp sốt xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh nhân cần tránh kỳ, cọ người mạnh vì sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ cực kỳ nguy hiểm. Tốt nhất nên hạn chế tắm và dùng khăn ấm để lau người.
Lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Ngoài ra, để điều trị sốt xuất huyết hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý sau:
- Thường xuyên cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.
- Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng thuốc paracetamol, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin và ibuprofen vì nó có thể gây xuất huyết.
- Không được dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa.
- Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi.
- Nhập viện theo dõi và điều trị nếu thấy các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn, như: Vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; đau bụng vùng hạ sườn; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, nước tiểu ít;…
Trong trường hợp triệu chứng của người bệnh sốt xuất huyết không được cải thiện sau khi điều trị tại nhà, người bệnh cần phải đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời. Nếu không được chữa trị kịp thời, căn bệnh này có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Tóm lại, bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn có thể tắm tuy nhiên cần lưu ý các vấn đề BookingCare có đề cập bên trên để tránh chuyển nặng.