Các loại hải sản nói chung và cá nói riêng là những nhóm thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng rất cao nhưng thường gây ra nhiều trường hợp dị ứng hải sản nghiêm trọng. Theo kết quả của nhiều thống kê, trung bình cứ 100 người sẽ có 1 người bị dị ứng hải sản. Vậy, bị thủy đậu ăn cá được không? Liệu ăn hải sản khi bị thủy đậu có gây ngứa hay dị ứng nghiêm trọng?
BS Bùi Thanh Phong – Quản lý Y khoa vùng TP.HCM, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: “Thủy đậu có thể gặp ở bất kể đối tượng, bất kể khu vực, nhất là khu vực ôn đới, điển hình là tại Việt Nam với khí hậu nóng ẩm gió mùa, thủy đậu gây ra các đợt bệnh kéo dài đỉnh điểm từ giữa tháng 3 và tháng 5. Người bệnh thuỷ đậu cần duy trì thói quen vệ sinh tốt, tránh tiếp xúc với người khác, ăn chín uống sôi và kiên trì thực hiện nghiêm túc các chỉ định chăm sóc và điều trị của các bác sĩ chuyên khoa nhằm thúc đẩy quá trình khỏi bệnh, ngăn ngừa biến chứng và để lại sẹo xấu sau thủy đậu.”
Bệnh thủy đậu và các triệu chứng
Thủy đậu là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra với các biểu hiện lâm sàng là các vùng da bị nhiễm trùng do các nốt phát ban, mụn nước, phỏng rộp có chứa đầy dịch mủ bên trong, gây ngứa, kèm theo đó là các triệu chứng sốt nhẹ, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, cảm thấy suy nhược,…
Thủy đậu có khả năng lây lan cực kỳ mạnh mẽ và nhanh chóng. Theo nhiều thống kê, có đến 90% người chưa có miễn dịch với thủy đậu do chưa tiêm vắc xin thủy đậu hoặc chưa từng mắc bệnh thủy đậu trước đây có khả năng lây nhiễm và mắc bệnh khi tiếp xúc với VZV.
VZV có thể lây nhiễm thông qua đường hô hấp khi người khỏe mạnh hít phải những giọt bắn có chứa VZV khi người bệnh/ người lành mang trùng nói chuyện/ho/hắt hơi/… Đường xâm nhập chủ yếu của VZV là các cửa hở ở vùng niêm mạc hô hấp, đường tiêu hóa hoặc thậm chí là kết mạc mắt nhưng trường hợp này thường rất hiếm gặp.
VZV không phân biệt đối tượng để lây nhiễm, bất kỳ ai chưa được tiêm phòng vắc xin thủy đậu cũng có thể nằm trong “tầm ngắm” của VZV và gây ra bệnh thủy đậu. Nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm VZV và mắc bệnh thủy đậu nhất là trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, đây là nhóm trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, kháng thể thụ động nhận được từ mẹ trong quá trình mang thai bị suy giảm trong khi nhiều trẻ chưa nhận được kháng thể từ vắc xin.
Người lớn là nhóm đối tượng ít mắc bệnh hơn do thường đã bị mắc thủy đậu trước đây và đã có miễn dịch, nhưng vẫn tồn tại khoảng 10% số lượng người lớn từ 20 tuổi lên mắc bệnh thủy đậu, nguy cơ cao biến chứng hô hấp, nhiễm trùng huyết và nhiều biến chứng thần kinh khác.
Ngay cả khi đã khỏi bệnh thủy đậu, tác nhân gây bệnh là VZV vẫn còn tồn tại trong cơ thể, khu trú trong các hạch thần kinh cảm giác, chờ đợi cơ hội cơ thể suy nhược, hệ miễn dịch suy yếu, chúng sẽ tái kích hoạt và gây ra bệnh zona thần kinh, hay dân gian thường gọi là bệnh giời leo.
Người bị thủy đậu ăn cá được không?
Có thể ăn cá! Mặc dù trên thực tế, không có bất cứ khuyến cáo khoa học chính thống nào về việc tránh ăn cá trong quá trình mắc bệnh và điều trị thủy đậu. Tuy nhiên, dựa vào nhiều kết quả báo cáo quan sát trên lâm sàng về tình trạng các nốt phát ban, mụn nước hay phỏng rộp chứa đầy dịch mủ viêm nhiễm có hiện tượng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ăn cá, một số chuyên gia đã khuyến cáo rằng, để tránh khỏi những nguy cơ triệu chứng gia tăng, biến chứng và di chứng sẹo sau thủy đậu, người bệnh thủy đậu nên kiêng ăn cá cho đến khi tình trạng bệnh lý trở nên ổn định, cơ thể phục hồi.
Như trên đã đề cập, thủy đậu là bệnh lý truyền nhiễm gây ra tình trạng nhiễm trùng ngoài da do tác nhân là virus gây ra, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể người bệnh rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương, dễ mắc các bệnh lý phụ khác nếu không được chăm sóc đúng cách. Trong khi đó, cá là loại thực phẩm chứa hoạt chất histamin có thể gây dị ứng cho cơ thể người bệnh, khiến tình trạng nhiễm trùng, mưng mủ nghiêm trọng và kéo dài.
Đồng thời, một số loài cá có thể chứa vi khuẩn, virus gây hại, một số loài cá biển còn có thể nhiễm kim loại nặng, nguy cơ rất cao gây ngộ độc thực phẩm và xuất hiện tình trạng nhiễm trùng thứ cấp. Do đó, cần hạn chế ăn các loại cá không rõ nguồn gốc, kém tươi và có khả năng gây phản ứng dị ứng cao trong khi bị thủy đậu.
Tuy nhiên, khi xét về khía cạnh dinh dưỡng, cá là một loại thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản vô cùng dinh dưỡng, chứa nguồn dưỡng chất có lợi dồi dào như axit béo omega-3, protein (chất đạm), các vitamin (A, D, E,…) và khoáng chất (Canxi, Photpho, sắt, magie,…), đều là những dưỡng chất dễ được cơ thể hấp thu và chuyển hóa, tham gia tích cực vào quá trình tăng cường khả năng phản ứng của hệ miễn dịch, cải thiện tình trạng cơ thể suy kiệt, rất tốt cho những người đang gặp vấn đề về sức khỏe.
Đặc biệt, khi bị thủy đậu, nếu người bệnh không bị dị ứng cá, khi tiếp nạp một lượng cá tốt hợp lý, sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện sức chiến đấu của cơ thể chống lại sự tấn công của virus thủy đậu, đẩy nhanh quá trình mắc bệnh và phục hồi.
Đặc biệt chú ý, nếu người mắc bệnh thuỷ đậu ăn cá, cần đảm bảo chọn mua các loại cá lành tính, nhiều chất dinh dưỡng, tươi sống, nguồn gốc rõ ràng và chế biến đúng cách, hạn chế tối đa gia vị, dầu mỡ dư thừa và tuyệt đối không ăn cá sống, sashimi vì cá sống hoặc chưa được nấu chín kỹ có thể tồn tại nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc dư lượng hóa chất có hại, khiến tình trạng bệnh thủy đậu trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bị thủy đậu ăn hải sản có gây ngứa người không?
CÓ THỂ. Ở hầu hết các loại hải sản như tôm, cá, mực, cua, ghẹ, bạch tuộc,… đều chứa hoạt chất histamin – một hoạt chất gây dị ứng. Người bệnh thủy đậu thường bị suy giảm, thiếu hụt các chất kháng histamin tự do, khi một lượng lớn histamin được dung nạp vào cơ thể, cơ thể sẽ giải phóng thêm nhiều histamin, gây ra tình trạng dị ứng nặng ở người bệnh thủy đậu với biểu hiện nôn mửa, nổi mẩn đỏ, phát ban, ngứa ngáy, khiến tình trạng nhiễm trùng ngoài da trở nên nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, các loại thủy hải sản tuy chứa rất nhiều protein có lợi cho cơ thể, rất dễ hấp thu và rất tốt cho quá trình tái tạo tế bào. Tuy nhiên, những protein trong hải sản thường khá “lạ” so với các protein thông thường có trong trứng và thịt nên khiến hệ thống miễn dịch “hiểu lầm” những protein này là các kháng nguyên có hại và tạo ra các phản ứng dị ứng đào thải các protein này ra khỏi cơ thể, gây ra tình trạng sưng đỏ, ngứa ngáy ngoài da, ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi của các vết thương do thủy đậu gây ra, tăng cường mưng mủ, gia tăng viêm nhiễm, kéo dài thời gian hồi phục và nguy cơ rất cao để lại sẹo xấu.
Danh sách các thực phẩm khác nên kiêng khi mắc thủy đậu
Để đảm bảo an toàn, tối ưu hóa hiệu quả và thời gian điều trị bệnh thủy đậu, ngoài cá và các loại hải sản, người bệnh cũng nên xem xét kiêng tiêu thụ những nhóm thực phẩm sau:
STT Thực phẩm nên kiêng Lý do 1 Thực phẩm có quá nhiều chất béo Kiêng tiêu thụ những thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa khi mắc bệnh thủy đậu. Các loại thực phẩm như thịt, dừa khô, bơ, dầu cá, sô cô la đen, các loại hạt và phô mai rất giàu chất béo bão hòa với khả năng gây viêm nhiễm nặng, tăng cường phát ban và giảm khả năng chữa lành các thương tổn ngoài da, kéo dài thời gian điều trị. 2 Trái cây họ cam, chanh Các phát ban, phỏng rộp không chỉ xuất hiện ngoài da, trong nhiều trường hợp còn có thể nổi lên ở những vùng niêm mạc miệng, thanh quản và hầu họng. Việc ăn/uống những loại trái cây họ cam, chanh với hàm lượng axit cao sẽ khiến tình trạng vết thương trong niêm mạc trở nên nghiêm trọng hơn, dễ kích ứng, lở loét, quá trình làm lành bị làm chậm và có thể ảnh hưởng xấu đến cảm xúc khi gây đau, rát dữ dội trong vòm họng. 3 Thức ăn mặn Khi mắc bệnh thủy đậu và xuất hiện các tổn thương ở miệng, thức ăn mặn có thể gây kích ứng, đau rát miệng, khiến tình trạng thương tổn ở miệng diễn biến xấu đi, kéo dài thời gian điều trị hồi phục. 4 Sữa và các chế phẩm từ sữa Sữa và các sản phẩm từ sữa như kem, bơ và phô mai làm cơ thể tăng tiết dầu nhờn, khiến tình trạng da liễu xấu đi, vừa gia tăng cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, vừa tạo môi trường sinh sôi và phát triển thuận lợi cho các vi khuẩn, vi nấm bên ngoài môi trường khu trú, xâm nhập và gây bội nhiễm trên vết thương, thúc đẩy nhiễm trùng, cản trở quá trình làm lành và phục hồi của người bệnh. 5 Thực phẩm giàu arginine Đây là axit amin bán thiết yếu. Khi mắc thủy đậu, arginine hoạt động như một axit amin kích thích virus sinh sản và phát triển, khiến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, nổi nhiều mụn nước và lâu khỏi hơn. Vì vậy, nên tránh tiêu thụ các loại thực phẩm giàu arginine như đậu phộng, quả óc chó, hạt dẻ, hạnh nhân, nho khô…. 6 Thực phẩm chiên rán Khi mắc bệnh thủy đậu, các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn đồ chiên rán vì với dư lượng dầu mỡ cao có thể khiến các nốt phỏng rộng mưng mủ nhiều hơn, dễ chảy dịch, lây lan và viêm nhiễm nặng hơn, gây cản trở quá trình chữa lành bệnh thủy đậu. 7 Đồ ăn vặt Đồ ăn vặt thường chứa rất nhiều gia vị, chất bảo quản, dầu mỡ và đặc biệt thường ở trạng thái cứng giòn như bánh tráng trộn, bim bim, bò khô, mực khô,… Tất cả đều khiến cho tình trạng bệnh thủy đậu trở nên nghiêm trọng hơn, vừa gây ra tình trạng viêm nhiễm nặng nề hơn ở vùng niêm mạc miệng, vừa góp phần khiến cơ thể bị suy nhược, tạo điều kiện cho VZV phát triển, kéo dài quá trình làm lành thương tổn và phục hồi. 8 Thức ăn cay Ăn đồ cay, nóng khi bị thủy đậu có thể gây đau nhức và viêm nhiễm nặng hơn, gia tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Ngoài ra, thực phẩm cay nóng có thể gây kích ứng vết loét ở miệng và niêm mạc miệng, khiến tình trạng khó chịu trở nên trầm trọng hơn.
Các thực phẩm cay nóng là các nhóm thực phẩm chứa nhiều các loại gia vị thể nhiệt như ớt, tỏi, gừng, tiêu, sả, mù tạt, cà ri,… Các loại trái cây thể nhiệt khác gồm có nhãn, vải, mận, xoài, mít, cóc, sầu riêng, chôm chôm,…
9 Các thực phẩm dễ gây dị ứng Thịt dê, thịt cừu, thịt chó và các loại gia cầm thường gây ra dị ứng nếu người bị thủy đậu tiêu thụ nhiều, khiến tình trạng ngứa ngáy, phỏng rộp trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn. 10 Nhục quế Đây là vị thuốc nổi tiếng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe trong Đông y, tuy nhiên lại có tính thuần dương, đại nhiệt, trợ hỏa, ôn nhiệt, gây ra tình trạng nóng trong, khiến tình trạng viêm nhiễm ngoài da trở nên xấu đi.
Thay vào đó, bệnh nhân mắc thủy đậu nên tập trung chế độ dinh dưỡng của mình xoay quanh những nhóm thực phẩm mát, lành mạnh và chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức đề kháng và khả năng phản ứng của hệ miễn dịch như:
- Trái cây, rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C – nhóm vitamin tăng cường hệ thống miễn dịch, thúc đẩy làm lành vết thương, đẩy nhanh quá trình phục hồi. Các loại trái cây và rau củ quả nên ăn khi bị thủy đậu gồm có: quả mọng, kiwi, đu đủ, xoài, dứa, dâu tây, ớt chuông, bông cải xanh, súp lơ, rau bina,…
- Thực phẩm giàu protein như thịt nạc, các loại đậu, đậu lăng, các loại hạt, cá có lợi (cá hồi, cá thu,…), trứng,… rất tốt cho quá trình phục hồi của người bệnh thủy đậu. Khi bị thủy đậu, người bệnh thường có xu hướng chán ăn, ăn không ngon, trong khi đó protein là dưỡng chất tham gia tích cực vào quá trình tái tạo và sửa chữa các mô, duy trì năng lượng và tăng cường hệ thống miễn dịch cơ thể.
- Thực phẩm giàu kẽm giúp kháng viêm, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, ức chế hoạt động của virus gây bệnh. Nguồn thực phẩm giàu kẽm gồm có hàu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, đậu, thịt gà, thịt lợn, thịt bò,…
- Nước, cần duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể, nhất là khi bị bệnh thủy đậu để đảm bảo quá trình hydrat hóa được diễn ra thuận lợi, tăng cường chất điện giải cho cơ thể, cung cấp độ ẩm cho làn da, hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị bệnh thủy đậu. Vì vậy, nên uống nhiều nước, trà thảo mộc, nước ép trái cây và súp để giữ lượng nước cân bằng cần thiết cho cơ thể.
- Thực phẩm mềm, dễ ăn, dễ tiêu hóa giúp giảm cảm giác khó chịu trong khoang miệng khi phát ban mọc trong vùng niêm mạc miệng. Các thực phẩm ưu tiên chế biến cho người bệnh thủy đậu ăn bao gồm khoai tây nghiền, sinh tố, súp, cháo, nước ép, bột yến mạch, rau luộc, sữa chua,…
- Thực phẩm có đặc tính chống viêm như hạt chia, cá hồi, nghệ,… giúp đẩy nhanh quá trình làm lành các phỏng rộp, giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm, rút ngắn thời gian điều trị.
⇒ Xem thêm: Bệnh thủy đậu kiêng gì?
Hướng dẫn cách chăm sóc cơ thể khi bị thủy đậu để bệnh mau khỏi
Để hỗ trợ phục hồi nhanh chóng khi bị thủy đậu, cần lưu ý:
- Kiêng ăn những thực phẩm cay, nóng, có tính axit, nhiều đường, sữa và các thực phẩm có khả năng gây ra tình trạng phản ứng dị ứng như hải sản, thịt chó, thịt dê, thịt cừu,…
- Tuyệt đối không cào gãi và chà xát hoặc gây bất kỳ tác động vật lý nào lên các vùng gia bị tổn thương do phát ban, mụn nước và phỏng rộp chứa dịch thủy đậu để tránh lây lan, nhiễm trùng, bội nhiễm, biến chứng, di chứng và để lại sẹo rỗ.
- Hạn chế đến những nơi đông người để ngăn ngừa nguy cơ lây lan cho người khác, bùng phát dịch trong cộng đồng, đồng thời giảm thiểu khả năng cơ thể tiếp xúc thêm với các tác nhân gây hại khác ngoài môi trường, gây bội nhiễm, vì khi bị bệnh thủy đậu, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, dễ dàng bị lây nhiễm các tác nhân gây hại khác như vi khuẩn, virus, vi nấm,…
- Thủy đậu là bệnh lý truyền nhiễm có sức lây lan kinh khủng chỉ thông qua những tiếp xúc thông thường. Do đó, việc vệ sinh, khử trùng đồ dùng cá nhân của người bệnh, tránh tiếp xúc và sử dụng chung các vật dụng mà người bệnh đã từng tiếp xúc vào nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm và mắc bệnh trong gia đình, tập thể.
- Không nên kiêng tắm và tránh gió khi bị thủy đậu vì khi kiêng tắm và trùm kín mít để tránh gió, mồ hôi, dầu thừa, bụi bẩn, da chết của người bệnh sẽ tích tụ, đặc biệt trên các vết thương do thủy đậu gây ra, vô tình tạo ra môi trường vô cùng thuận lợi cho các tác nhân ngoài môi trường bám lên, khu trú, xâm nhập, tấn công và gây bệnh, nguy cơ cao nhiễm trùng phụ, biến chứng bội nhiễm rất nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả và thời gian điều trị bệnh. Do đó, cần tắm rửa sạch sẽ, nhẹ nhàng, cẩn thận và ưu tiên lựa chọn, mặc những bộ trang phục mỏng nhẹ, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt để giúp tình trạng viêm nhiễm được cải thiện, hỗ trợ điều trị hiệu quả.
- Để giảm triệu chứng ngứa rát, khó chịu ngoài da, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thêm các sản phẩm bôi ngoài da lành tính như kẽm salicylate với thành phần chính là hoạt chất nano bạc kết hợp với dịch chiết neem hay chitosan, có tác dụng kháng viêm, sát khuẩn, giảm ngứa rát và khó chịu ngoài da vô cùng hiệu quả.
Thắc mắc “bị thủy đậu ăn cá được không?” đã được giải đáp. Không nên ăn các loại cá lạ, cá dễ gây tình trạng kích ứng, phản ứng dị ứng với người mắc thuỷ đậu, khiến tình trạng viêm nhiễm do các nốt phỏng rộp thủy đậu gây ra diễn biến trầm trọng hơn, cản trở quá trình phục hồi thương tổn và khỏi bệnh của bệnh nhân.
Thay vào đó, có thể ăn các loại cá lành tính đồng thời tích cực bổ sung thêm vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày những nhóm thực phẩm có lợi cho sức đề kháng và khả năng phản ứng của hệ miễn dịch như trái cây, rau củ quả giàu vitamin, khoáng chất, thực phẩm giàu protein, kẽm, các thực phẩm dễ tiêu hóa, có đặc tính chống viêm, nước …