Tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ
Trẻ mới sinh từ 1-2 ngày tuổi: Khả năng thích ứng kém
GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế Quốc gia cho biết, việc tiêm vaccine cho trẻ 24 giờ sau khi sinh có 2 ưu điểm. Một là, kiểm soát được 100% trẻ được tiêm chủng sau khi sinh. Hai là, giải quyết được trường hợp những người mẹ có mang kháng nguyên của virus viêm gan B. Việc tiêm này nhằm góp phần làm âm tính hóa trường hợp cháu bé sinh ra từ những người mẹ viêm gan B.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Đình Bảng, trong trường hợp người mẹ bị nhiễm viêm gan B, khi họ sinh con ra thì đó là truyền kháng nguyên chứ không phải truyền virus. Hơn nữa, có kháng nguyên chưa chắc bị viêm gan, bởi không phải tất cả các kháng nguyên đều phát triển thành viêm gan. Đặc biệt, để âm tính hóa kháng nguyên có virus viêm gan B ở trẻ em thì phải tiêm nhiều mũi. Do vậy, không nên tiêm chủng phòng bệnh này quá sớm cho trẻ. “Nếu chúng ta kiểm soát tốt người mẹ không bị viêm gan thì con không bị sao. Cho nên, vì phương diện bảo vệ của trẻ em, tôi nghĩ rằng không nên tiêm sớm quá cho trẻ. Vì bệnh này không lây cho trẻ trong trường hợp với những người mẹ không có bệnh viêm gan”, GS.TS Nguyễn Đình Bảng nói.
GS.TS Nguyễn Đình Bảng cho rằng, hiện tiêm cho trẻ sơ sinh chỉ có 2 loại vaccine phòng lao và viêm gan B. Tiêm vaccine phòng lao cho trẻ sau khi sinh là hoàn toàn đúng, vì bệnh lao lây qua đường hô hấp, từ ô nhiễm không khí, môi trường, người xung quanh, từ đó xâm nhập vào trẻ mới sinh. Nhưng virus viêm gan B thì không lây dễ dàng như vi khuẩn lao, nên chỉ ủng hộ tiêm vaccine phòng lao cho trẻ nhỏ.
“Ở trẻ mới sinh từ 1-2 ngày tuổi thì khả năng thích ứng của trẻ với môi trường bên ngoài chưa có. Bởi trẻ đang nằm trong bụng người mẹ, ở nhiệt độ 37oC, được bảo vệ rất tốt bởi nhiệt độ và nước ối xung quanh. Khi trẻ được đẻ ra trần trụi và tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nếu nhà hộ sinh có nhiệt độ điều hòa thì tốt cho trẻ hơn. Nhưng ở những vùng khó khăn, không có điều hòa nhiệt độ, khi trời nóng lên 39-40oC, trẻ 1-2 ngày tuổi khó thích ứng với môi trường hơn”, GS.TS Nguyễn Đình Bảng phân tích.
Tiêm phòng vẫn là cách bảo vệ tốt nhất cho trẻ
TS.BS Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho biết, vaccine viêm gan B được đưa vào triển khai thí điểm trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Đến năm 2003, vaccine viêm gan B được triển khai tiêm chủng cho tất cả các trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc. Lịch tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi là 3 mũi. Tất cả các lô vaccine viêm gan B đều được kiểm định đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam cũng như của Tổ chức Y tế Thế giới trước khi phân phối để sử dụng. Trong những năm 2007 – 2008, có một số phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine viêm gan B sơ sinh, tuy nhiên sau khi điều tra đánh giá nguyên nhân của các phản ứng trên thì không tìm thấy mối liên quan giữa việc tiêm với vaccine viêm gan B. Hầu hết là do các bệnh trùng hợp của những đứa trẻ này.
TS.BS Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh: “Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh chủ động bằng vaccine. Trong hơn 25 năm qua nhờ có chương trình tiêm chủng mở rộng mà số trường hợp mắc, tử vong của các bệnh trong tiêm chủng mở rộng giảm rất nhiều. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt polio năm 2000, giảm số mắc bệnh uốn ván sơ sinh xuống rất thấp (dưới 1/1.000 trẻ đẻ sống) đồng nghĩa với việc đã loại trừ được căn bệnh này theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới. Thách thức hiện tại là làm sao bao phủ được tỷ lệ tiêm chủng cao tại những vùng có địa bàn khó khăn (vùng sâu, vùng xa…). Làm sao tuyên truyền được cho tất cả mọi người tự giác đưa trẻ đi tiêm chủng để có thể giúp trẻ phòng được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.
Theo PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, các phản ứng có thể gặp khi tiêm chủng chia làm 2 loại. Một là, các tác dụng phụ thường gặp nhưng không gây nguy hiểm cho trẻ, gồm có: Đau tại chỗ tiêm, có thể hơi sưng đỏ; có thể sốt – thường sốt nhẹ; quấy khóc, biếng ăn; tiêu chảy… tùy loại vaccine. Những dấu hiệu này dễ dàng nhận biết; trẻ chỉ cần được điều trị triệu chứng và sẽ hết trong vòng một vài ngày, nhưng vẫn cần phải theo dõi để đề phòng các diễn biến nặng. Hai là, các tai biến nguy hiểm có thể gây ra sau tiêm chủng – rất hiếm xảy ra, nặng nhất là các phản ứng sốc phản vệ (sau khi tiêm khoảng vài phút trẻ sẽ có biểu hiện hốt hoảng, da xanh tái, khó thở… dẫn đến tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch. Trẻ cần phải được xử trí cấp cứu kịp thời. Vì vậy, tại các địa điểm tiêm chủng cần được trang bị các hộp chống sốc). Ngoài ra là các tai biến khác có thể gây bệnh lý về thần kinh (viêm não, viêm dây thần kinh, áp xe tại chỗ tiêm, gây liệt, bại… tùy theo loại vaccine) cần được phát hiện và điều trị kịp thời. “Bố mẹ cần theo dõi trẻ chặt chẽ sau khi tiêm vaccine với việc phát hiện nhanh những triệu chứng phản ứng của trẻ để kịp thời đến cơ sở y tế kiểm tra”, PGS.TS Phạm Nhật An khuyến cáo.
Đang gửi mẫu đánh giá chất lượng vaccine
Ngày 23/7, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để gửi mẫu đi xét nghiệm ở một phòng xét nghiệm độc lập đánh giá chất lượng vaccine. Trước thông tin tủ bảo quản vaccine bị mất điện ảnh hưởng đến chất lượng vaccine gây tử vong, TS Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc bảo quản vaccine theo những quy định tương đối ngặt nghèo, nhưng ở mức độ nào đấy, các loại vaccine cũng có những giới hạn của nó. Trong điều kiện trong tủ lạnh mất điện đột ngột nhưng vẫn duy trì được độ làm mát một thời gian ngắn thì vaccine có thể đảm bảo.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Bình, Bộ Y tế sẽ họp với hội đồng chuyên môn sử dụng vaccine cân nhắc việc tiêm như thế nào là tốt nhất cho trẻ.
Gia đình