Chữa đầy hơi, chướng bụng là vấn đề được quan tâm hàng đầu bởi rất nhiều người gặp phải tình trạng này sau mỗi bữa ăn, gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày….
Đầy hơi, chướng bụng là gì?
Đầy hơi, chướng bụng có thể xuất phát từ thói quen ăn uống không khoa học hoặc là hệ quả của một số bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, sỏi mật, sỏi thận…
Chướng bụng đầy hơi thường kèm theo một số triệu chứng khác như đau bụng âm ỉ, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói, cảm giác ậm ạch, khó chịu trong bụng.
Khi gặp triệu chứng chướng bụng đầy hơi người bệnh cần xác định được nguyên nhân gây ra là gì, để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.
Nguyên nhân gây đầy hơi chướng bụng
Nguyên nhân đầy hơi chướng bụng bao gồm:
– Do cơ thể nạp quá nhiều chất đạm, bột, đường, dầu mỡ khiến dạ dày không thể tiêu hóa hết được, dẫn đến tồn đọng trong ống tiêu hóa. Ăn nhiều đồ ăn cay nóng, uống nhiều rượu bia, cà phê, chất kích thích, ăn nhai không kĩ, ăn xong đi nằm ngay… khiến đường ruột quá tải không xử lý hết thức ăn và gây ra tình trạng đầy hơi chướng bụng.
– Do rối loạn tiêu hóa, phù hay cổ trướng, mất nước, táo bón, dị ứng thực phẩm.
– Sự phát triển quá mức của các vi khuẩn ở ruột non.
– Bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, nhiễm trùng, tắc ruột, ung thư đại tràng…
– Dùng thuốc kháng sinh, giảm đau khiến lợi khuẩn bị giảm mạnh trong khi các hại khuẩn phát triển gây đầy hơi chướng bụng.
Mẹo chữa đầy hơi, chướng bụng theo dân gian
Nếu bạn đang phải đối mặt với tình trạng đầy hơi chướng bụng thì có thể áp dụng một số mẹo vặt dưới đây giúp chữa đầy hơi chướng bụng hiệu quả:
Củ tỏi
Bên cạnh công dụng là gia vị được sử dụng phổ biến trong chế biến món ăn, tỏi còn giúp chữa đầy bụng khó tiêu rất hiệu quả. Cách dùng như sau:
Cách 1: Tỏi bóc vỏ 30g, giã nát, trộn với 5g đường phèn hoặc đường kính. Hòa với 60ml nước sôi ấm (từ 40 – 50 độ) chia làm 2 lần uống trong ngày.
Cách 2: Nướng 1 củ tỏi rồi bọc trong một miếng gạc mỏng, đặt lên rốn của người bị đầy hơi chướng bụng, cách này giúp xì hơi để họ cảm thấy dễ chịu hơn.
Quế
Quế là vị thuốc nổi tiếng có tác dụng chữa chướng bụng, ăn uống khó tiêu. Cách sử dụng như sau:
Cách 1: Đun sôi 250ml nước, thêm 1/2 thìa cà phê bột quế vào hòa tan trong nước. Gạn lấy nước uống sau khi ăn.
Cách 2: Thêm 1/2 thìa cà phê bột quế vào trong ly sữa ấm và uống khi chướng bụng đầy hơi.
Gừng
Gừng là vị thuốc được nhắc tới rất nhiều về tác dụng chữa bệnh trong đó có đầy hơi chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, giải độc… Cách dùng gừng để đẩy lùi tình trạng đầy bụng chướng hơi như sau:
Cách 1: Uống từng ngụm nước nóng có vài lát gừng.
Cách 2: Uống trà gừng nóng ngay sau ăn sẽ giúp giảm đầy bụng khó tiêu
Cách 3: Gừng tươi rửa sạch đập nát cho vào một cốc nước nóng ngâm khoảng 30 phút rồi thêm 1 thìa mật ong quấy đều, ngày uống 2 – 3 lần sau bữa ăn.
Massage bụng
Xoa đều bụng theo chiều kim đồng hồ từ sườn bên phải sang trái, xuống dưới, sang phải rồi trở về điểm xuất phát cho tới khi ợ hơi. Có thể bôi thêm chút dầu nóng lên bụng khi xoa để tăng hiệu quả.
Tập yoga
Một số động tác yoga có thể giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó chịu, nặng nề do chướng bụng đầy hơi. Các bài tập như sau:
Bài tập 1: Tư thế cánh cung
Nằm úp người trên thảm, tay và chân duỗi thẳng
Hai đầu gối gập lại và từ từ đưa phần thân lên trên, 2 tay giữ chặt lấy mắt cá chân tạo thành tư thế hình cánh cung
Hít thở sâu 5 nhịp rồi thả lỏng cơ thể
Lặp lại động tác 10 lần
Bài tập số 2: Tư thế thả khí
Nằm ngửa trên sàn tập
Co hai đầu gối lên và đưa hai tay đan vào nhau ốm gối vào sát ngực
Đung đưa đầu gối qua trái rồi qua phải nhịp nhàng
Đưa người trở về tư thế ban đầu, nghỉ vài giây và lặp lại động tác trên thêm vài lần
Túi chườm
Dùng túi chườm nóng và chườm nhẹ nhàng lên vùng bụng, bẹ sườn sẽ giúp giảm tình trạng đầy hơi chướng bụng hiệu quả. Hoặc bạn ccó thể cho nước sôi vào một cái chai và vặn nút thật chặt sau đó chườm nhẹ lên vùng bụng. Lăn nhẹ chai nước quanh vùng bụng sẽ giúp cải thiện chướng bụng đầy hơi.
Trà hoa cúc
Trong hoa cúc có chứa hoạt chất chống viêm tự nhiên, làm dịu niêm mạc dạ dày, ruột, giảm khí. Bạn lấy 1 ít hoa cúc khô hoặc tươi cho vào ấm pha trà sau đó đổ nước sôi vào. Đậy nắp kín 15 phút là có ngay một ly trà thơm ngon.
Rượu táo mèo
Rượu táo không chỉ giúp hạ mỡ máu, kháng khuẩn, điều trị kiết lị mà còn có tính năng ức chế khuẩn E.coli trực trùng lị là nguyên nhân gây ra tình trạng chướng bụng đầy hơi.
Cách dùng: Uống trong bữa ăn từ 1 – 2 chén rượu táo mèo đã ngâm trong 1 – 2 tháng. Trước khi ăn có thể nhai sống một vài ngọn lá bạc hà. Dùng cách này từ 1 – 2 ngày sẽ cảm thấy hiệu quả rõ rệt.
Lá ổi
Lá ổi có tác dụng hỗ trợ điều trị đầy hơi chướng bụng khá hiệu quả bởi trong lá ổi có chứa tanin giúp làm se niêm mạc ruột, làm giảm dịch nhầy trong dạ dày. Bên cạnh đó, vị chát của lá ổi giúp chống lại các vi khuẩn gây chướng khí nên.
Cách thực hiện như sau:
Lấy 7 – 10 lá ổi non, rửa sạch và ngâm nước muối loãng sau đó xay nhuyễn với 1 ly nước
Lọc lấy nước, uống ngày 2 lần
Có thể pha chút mật ong giúp dễ uống hơn.
Cháo tía tô
Cho nắm gạo vào khoảng 2 lít nước nấu thành cháo. Khi thấy cạn nước sền sệt thì bỏ tía tô và hành hoa vào và đổ ra bát ăn. Ăn cháo khi còn nóng vào buổi sáng sẽ giúp cải thiện tình trạng đầy hơi chướng bụng.
Bạc hà
Bạc hà giúp hỗ trợ tiêu hóa và kích thích đường ruột làm tan các khí hơi – nguyên nhân gây chướng bụng. Sử dụng lá bạc hà chữa đầy hơi chướng bụng như sau:
Nhai lá thô trực tiếp hoặc giã nát lấy nước uống
Uống trà bạc hà bằng cách đun nước sôi và cho 2 muỗng canh lá bạc hà vào, ngâm trong 5 phút và uống hàng ngày.
Cần tây
Cần tây được coi là vị thuốc hỗ trợ bệnh lý về đường ruột, giúp thanh lọc cơ thể và giải độc đường tiêu hóa rất hiệu quả. Bạn có thể nấu canh, xào rau cần tây giúp lợi tiểu, giảm lượng nước trong cơ thể và thúc đẩy quá trình bài tiết.
Quả chanh
Uống một ly nước chanh ấm vào buổi sáng là thói quen tốt, giúp hỗ trợ tiêu hóa vì axit trong quả chanh kích thích sản sinh axit clohidric, là chất làm tiêu thức ăn.
Đu đủ
Trong đu đủ có chứa enzym papain màu trắng sữa giúp quá trình tiêu hoá hoạt động tốt hơn, các chất khí hơi ứ đọng cũng dễ dàng được đào thải.
Bạn có thể ăn đu đủ chín hoặc nấu canh đu đủ…đều ngon miệng và bổ dưỡng. Tuy nhiên không nên dùng đu đủ cho người bị bệnh dạ dày.
Hạt tiêu
Không chỉ tạo hương vị cho món ăn mà hạt tiêu còn giúp điều trị triệu chứng đầy bụng nhanh và hiệu quả.
Cách thực hiện như sau: Pha hỗn hợp 1/2 bột tiêu khô cùng đường và sữa chua. Khuấy đều hỗn hợp và uống ngay để thấy được hiệu quả bất ngờ.
Lưu ý khi chữa đầy hơi chướng bụng theo dân gian
Chữa chướng bụng đầy hơi theo cách dân gian được nhiều người áp dụng, tuy nhiên để đạt được hiệu quả nhanh chóng và lâu dài bạn cần lưu ý:
– Tích cực tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp kích thích nhu động ruột, giải phóng khí dư thừa ra ngoài và ngăn ngừa tình trạng táo bón.
– Tắm trong bồn nước ấm có tác dụng giảm đau và căng thẳng ở đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và điều trị đầy hơi nhanh hơn.
– Bổ sung chất xơ vào trong khẩu phần ăn mỗi ngày giúp phòng ngừa táo bón, giảm chướng bụng đầy hơi.
– Không nên uống nước ngọt, đồ uống có ga, soda vì chúng gây tích tụ nhiều khí trong dạ dày.
– Không nhai kẹo cao su vì hoạt động nhai liên tục có thể đưa không khí vào bụng dễ dàng.
– Ăn chậm nhai kỹ, tránh ăn quá no, không nên vừa ăn vừa nói chuyện, xem ti vi hay điện thoại lúc ăn.
– Cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn giúp giảm tình trạng tích nước trong người, từ đó cải thiện chướng bụng đầy hơi.
– Không ăn thực phẩm ngọt như bánh kẹo, hoa quả chín nẫu, các loại sữa hay các sản phẩm được chế biến từ sữa.
– Giữ tinh thần thoải mái, đồng thời làm việc điều độ, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng lúc, không thức khuya.
Trên đây là những mẹo dân gian giúp đẩy lùi đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu do ăn uống, thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị đầy hơi chướng bụng liên tục, kéo dài thì bạn cần đi khám cụ thể để tìm ra nguyên nhân và điều trị dứt điểm.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Trong một số trường hợp chướng bụng, đầy hơi có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh lý. Bạn cần gặp bác sĩ ngay nếu chướng bụng đầy hơi kèm theo một số triệu chứng sau:
– Chán ăn, thay đổi khẩu vị
– Đi ngoài nhiều lần trong ngày
– Đi ngoài ra máu hoặc phân nhầy
– Táo bón kéo dài
– Nôn ói thường xuyên
– Sút cân đột ngột
– Sốt cao
– Đau bụng dữ dội
– Phân đen, hình dáng phân bất thường…
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý cũng như kê đơn thuốc hiệu quả tốt nhất.
Trung tâm Tiêu hoá – Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc