Canh cua có nên để qua đêm để ăn ngày hôm sau?
Vào mùa hè, canh cua và cà muối là 2 món ăn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nhiều chị em nội trợ lỡ nấu nhiều sau đó băn khoăn canh cua có thể để qua đêm trong tủ lạnh và thưởng thức vào ngày hôm sau được không.
Trước thắc mắc của nhiều chị em nội trợ, chuyên gia PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm về vấn đề này như sau:
– Thứ nhất, canh cua thường nấu kèm với các loại rau, mà với các loại rau khi đã nấu chín sẽ rất nhanh bị ôi thiu, kể cả chúng không bị ôi thiu thì hôm sau nấu lại cũng không còn chất dinh dưỡng như ban đầu nữa, vị rau ăn cũng rất nồng và bị nát.
– Thứ hai, trong cua có rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng là “món mồi” ưa thích để vi khuẩn xâm nhập vào bên trong.
Chuyên gia khuyên khi không ăn hết cần đổ bỏ, không nên ăn lại bữa sau, kể cả là với canh cua chưa đụng đũa đến hay được bảo quan trong tủ lạnh. Việc này có nguy cơ gây ra ngộ độc, tiêu chảy rất cao.
Thứ ba, nếu bạn nấu canh cua vào buổi tối rồi để lại đến sáng hôm sau ăn thì lại càng không nên. Lí do là vì không nên ăn canh cua vào buổi sáng. Đây là thực phẩm có tính lạnh, khi ăn canh cua buổi sáng sẽ dễ gây lạnh bụng, thậm chí bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa (kể cả canh cua mới nấu). Thời điểm thích hợp nhất để ăn canh cua là buổi trưa hoặc buổi tối. Ngoài ra, canh cua cần có thời gian chế biến lâu để chín kĩ, trong khi buổi sáng mọi người thường bận nhiều công việc nên không có thời gian để nấu hoặc nếu nấu sẽ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên tốt nhất không nên ăn vào buổi sáng.
Canh cua chỉ nên ăn trong một bữa ngay sau khi nấu, không bảo quản tủ lạnh vì sẽ mất an toàn thực phẩm.
Như vậy, nếu muốn tiết kiệm, các chị em nên mua và nấu với canh cua số lượng vừa đủ bữa cho gia đình để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với cua đồng tươi sống (sau khi sơ chế sạch sẽ) thì chị em có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh mà vẫn đảm bảo được dinh dưỡng và vệ sinh. Việc cấp đông cua đồng sẽ giúp giảm thời gian chế biến, rất tiện lợi vì làm một lần có thể sử dụng được ở những lần sau mà dinh dưỡng không bị hao hụt đi nhiều.
Lưu ý khi ăn canh cua
– Tuyệt đối không chế biến cua đồng đã chết vì trong cua đồng chết có chất histidine gây dị ứng nổi mề đay, ngứa ngáy, nôn nao, đau đầu, chóng mặt, bị ngộ độc (đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và một số vấn đề xấu khác đối với sức khỏe…).
– Tuyệt đối không ăn gỏi cua hay uống nước cua sống. Việc làm này có thể gây hậu quả xấu cho sức khoẻ. Đúng là trong nước cua đồng có nhiều chất bổ dưỡng, nhưng nước cua đồng sống và gỏi cua đều là những món ăn sống có thể chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm gây ngộ độc thức ăn, đặc biệt là bệnh sán lá phổi (Paragonimus ringeri).