Bồ công anh là 1 loại thực vật khá quen thuộc trong dân gian, tuy nhiên có rất nhiều người không biết đến nó. Tại Việt Nam, bồ công anh có rất nhiều tác dụng lợi hại, không chỉ làm thuốc trong Đông Y, Tây Y mà còn có thể chế biến thành rất nhiều món ăn vô cùng bổ dưỡng. Đọc bài viết dưới đây để xem ngay nhé!
Sơ lược về các loại bồ công anh
Ở Việt Nam có 2 loại bồ công anh, 1 loại thân thấp, tên khoa học là Taraxacum officinale rất phổ biến trên thị trường. Một loại khác là bồ công anh thân cao, hay mọc tại miền bắc có tên khoa học là Lactuca indica thuộc họ Cúc (Asteraceae). Đây mới là loại nằm trong danh pháp khoa học.
Nhờ hình dáng đặc biệt của lá nên bồ công anh còn được gọi bằng rất nhiều tên như rau bồ cóc, rau lưỡi cày, diếp hoang, diếp dại, mũi mác… Cây có đời sống 1-2 năm, khi phát triển hết mức có thể cao đến 2m, thân cây thẳng chỉ có lá và không có cành. Bồ công anh mọc hoa như hoa cúc vàng, khi tàn sẽ chuyển thành dạng lông tơ ngậm hạt để dễ phát tán hạt giống theo gió.
Một số món ngon và bổ dưỡng từ lá bồ công anh
Bồ công anh có vị nhẫn, hơi đắng nhưng rất bổ dưỡng. Trong phần lá và rễ bồ công anh có chứa rất nhiều vitamin (A, B, C, K…) và khoáng chất (magnesium, kẽm, kali, sắt, calci và choline). Do đó, bạn có thể sử dụng bồ công anh để chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như:
Salad bồ công anh
Nguyên liệu (tự cân bằng theo lượng người ăn):
-
Lá bồ công anh
-
Dầu hạt cải
-
Nước chanh
-
Trứng
-
Hành tây
-
Bưởi hoặc quýt
Cách làm:
-
Luộc chín trứng sau đó cắt múi cau.
-
Hành tây cắt thành miếng theo chiều dọc
-
Bóc vỏ bưởi hoặc quýt, tháo xơ quanh múi. Nếu có thể bạn hãy bỏ vỏ bên ngoài để lấy riêng phần tép.
-
Vắt nước cốt chanh trộn với hỗn hợp dầu hạt cải. Sau đó đổ hỗn hợp nước trộn salad với rau bồ công anh, hành tây, trứng và quýt/bưởi.
Bạn cũng có thể sử dụng nhiều loại hoa quả hoặc thịt xông khói để làm salad bồ công anh theo ý thích!
Bồ công anh xào
Nguyên liệu:
-
Rau bồ công anh
-
Tỏi
-
Chanh
-
Gia vị: dầu, hạt nêm, mắm, muối
Cách làm:
-
Sơ chế sạch tỏi và rau bồ công anh. Tỏi bóc vỏ và đập dập nhỏ.
-
Chanh cắt đôi, vắt lấy nước cốt.
-
Làm nóng chảo bằng dầu, cho tỏi vào phi thơm rồi đổ rau bồ công anh vào xào chín tới trong khoảng 3 – 5 phút. Nhớ cho thêm cả nước mắm, hạt nêm (có thể bỏ đường nếu bạn thích) vào cùng cho món ăn thêm phần gia vị. Sau khi rau chín, tắt bếp và cho nước cốt chanh vào đảo đều. Như vậy là bạn đã có món bồ công anh xào ngon lành rồi.
Ngoài chế biến thành món ăn chính thì dùng bồ công anh làm rau ăn kèm với bánh xèo cũng vô cùng ngon miệng đó.
Ngoài ra, hoa, lá và rễ bồ công anh còn có thể được dùng làm trà để uống. Trà bồ công anh có hương vị mạnh và thường được kết hợp với các loại thảo mộc khác để tạo thêm hương vị và tăng thêm dưỡng chất.
Công dụng làm thuốc của cây bồ công anh
Bồ công anh có rất nhiều công dụng tốt. Theo Đông y, đây là loại cây có vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trị viêm dạ dày – tá tràng, viêm gan, viêm họng, sưng vú do tắc tia sữa, trị vết sưng do côn trùng chích, rắn cắn, gai đâm, hỗ trợ điều trị ung thư, tiêu hóa kém… Một số phương thuốc dân gian trong Đông Y có sử dụng cây bồ công anh là:
– Hỗ trợ điều trị ung thư: Lấy phần rễ bồ công anh 20g, cây xạ đen 40g sắc với 1 lít nước uống hàng ngày.
– Điều trị sưng vú do tắc tia sữa: Lấy 20g lá bồ công anh khô nấu nước uống hoặc dùng 30 – 40g lá bồ công anh tươi, rửa sạch, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước uống, còn bã dùng đắp lên nơi vú sưng đau. Thường chỉ dùng 2 – 3 lần là đỡ.
– Điều trị tiêu hóa kém, mụn nhọt: Dùng lá bồ công anh khô từ 10 – 15g; nước 600ml; sắc còn 200ml; uống liên tục trong vòng 3 – 5 ngày, có thể kéo dài hơn.
– Điều trị đau dạ dày: Dùng 20g lá cây bồ công anh khô; lá khôi 15g; lá khổ sâm 10g; thêm 300 ml nước. Nấu sôi hỗn hợp lá trong vòng 15 phút, thêm ít đường vào, rồi chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong vòng 10 ngày, sau đó nghỉ 3 ngày rồi uống tiếp cho đến khi khỏi.
– Chữa trị vết sưng do côn trùng chích, rắn cắn, gai đâm: Lấy lá bồ công anh tươi giã nát đắp lên chỗ vết côn trùng chích hoặc vết lở loét lâu ngày. Riêng trong trường hợp bị rắn cắn thì nhai nát vài lá bồ công anh tươi, trộn thêm ít muối rồi đắp lên chỗ bị cắn để cấp cứu tạm thời sau đó đi tới bệnh viện để điều trị.
Không chỉ có tác dụng trong Đông Y, theo Tây Y thì bồ công anh cũng là 1 loại thảo dược quý. Theo nghiên cứu khoa học, trong bồ công anh có flavonoid – một nhóm hợp chất rất thường gặp trong thực vật. Hợp chất này có khả năng phức hợp với các ion kim loại, có tác dụng như những chất xúc tác ngăn cản các phản ứng oxy hóa. Bởi vậy, bồ công anh có tác dụng bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu, lão hóa, thoái hóa gan, tổn thương do bức xạ.
Ngoài ra, bồ công anh còn giúp giải độc bảo vệ cho gan, làm cho da sáng đẹp hơn, trợ giúp cho những người bị mất cân bằng hormone, bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bị viêm vú tái phát và cân bằng nồng độ đường máu.
Trà bồ công anh tốt cho gan
Cách trồng bồ công anh tại nhà
Bồ công anh là loại cây rất dễ trồng. Bạn có thể trồng bằng cách gieo hạt hoặc bằng cây con. Nếu bạn trồng bằng cây con và có đất vườn thì bạn nên rắc vôi bột lên đất trước để thanh trùng và ít phân vi sinh cho có dinh dưỡng rồi cắm cây con trồng đều cách nhau khoảng gang tay. Nếu nhà không có đất thì có thể trồng trong chậu cây. Với chậu có độ rộng đường kính khoản 3 – 40cm thì có thể trồng 3 – 4 cây.
Nếu trồng bằng cách gieo hạt thì hãy ngâm hạt giống trong nước ấm một ngày đêm. Sau đó bạn vớt ra ủ tiếp trong khăn giấy thêm một ngày đêm nữa để giữ ẩm, tạo điều kiện cho hạt dễ nảy mầm rồi mới đem ra gieo trong khay chuyên dụng từ 20 – 30 ngày. Khi cây non đã phát triển đầy đủ thì bạn đem ra chậu, trồng như cách trên.
Nên chú ý tưới nước đầy đủ nhưng không quá nhiều để tránh cây ngập úng, để cây ở chỗ mát và có ánh nắng vừa phải. Đặc biệt, đất trồng cây phải tơi xốp vì bồ công anh là cây rễ chùm. Khi cây bồ công anh đã phát triển thì nên thu hoạch dần phần lá lúc đạt 1 gang tay để đảm bảo trong lá có nhiều dinh dưỡng nhất.