Như thông tin Thanh Niên đã đăng tải, kể từ ngày 1.8.2022, tất cả tuyến cao tốc trên cả nước sẽ ngưng hình thức thu phí thủ công, chuyển sang sử dụng đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng ETC. Như vậy, các phương tiện muốn lưu thông qua các tuyến cao tốc sẽ bắt buộc phải thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối, hay cũng chính là dán thẻ thu phí tự động ETC.
Tất cả các tuyến cao tốc trên cả nước sẽ chuyển sang sử dụng đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng ETC từ đầu tháng 8.2022
Ngoài ra, với hình thức thu phí mới này, để việc điều khiển xe qua các trạm được dễ dàng, an toàn; các tài xế cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đảm bảo luôn đủ tiền trong tài khoản ETC
Hiện tại, ở Việt Nam có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, gồm VETC (thẻ Etag) và Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) do Viettel cung cấp (thẻ ePass). Khách hàng có thể lựa chọn sử dụng một trong hai loại thẻ này.
Tuy nhiên, với cả hai loại thẻ này, người sử dụng đều phải nạp tiền vào tài khoản riêng mới có thể sử dụng chứ chưa thể thực hiện thanh toán trực tiếp qua tài khoản ngân hàng. Do đó, để đảm bảo đúng luật và thuận tiện khi di chuyển, tài xế nên kiểm tra kỹ tài khoản và tính toán chi tiết hành trình để đảm bảo luôn đủ tiền trong tài khoản ETC.
Cần kiểm tra tài khoản trong thẻ ETC để đảm bảo việc di chuyển qua làn thu phí tự động không dừng thuận lợi, an toàn
Cũng cần lưu ý rằng, với trường hợp ô tô đã dán thẻ thu phí tự động nhưng số tiền trong tài khoản Etag hoặc ePass không đủ để cấn trừ chi phí khi qua trạm ETC nhưng xe vẫn cố tình đi vào, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng, đồng thời còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.
Xử lý thế nào nếu hệ thống thu phí gặp trục trặc?
Đã có không ít trường hợp dù người dùng đăng ký thành công thu phí tự động không dừng và đủ tiền thanh toán trong tài khoản ETC; nhưng do hệ thống thu phí gặp sự cố hoặc nhà cung cấp dịch vụ vướng mắc một số trục trặc, dẫn đến tình trạng nhân viên thu phí phải thu phí thủ công, yêu cầu tài xế phải sử dụng tiền mặt.
Đối với trường hợp này, các tài xế cần lưu ý, không tiến hành thanh toán tiền mặt tại các trạm đã triển khai ETC. Lý do là bởi các nhà cung cấp dịch vụ sẽ trừ tiền offline. Nghĩa là trừ tiền trong tài khoản Etag hoặc ePass sau khi hệ thống đã vận hành bình thường trở lại.
Cần bình tĩnh trong những trường hợp thẻ ETC bị lỗi thanh toán
Ngoài ra, nếu gặp phải trường hợp tài khoản ETC thông báo đã trừ tiền nhưng thanh chắn vẫn không mở, đồng thời nhân viên tại trạm thu phí không dừng yêu cầu phải thanh toán bằng tiền mặt, tốt nhất bạn không vội đưa tiền. Thay vào đó, hãy cung cấp tin nhắn hoặc thông báo trừ tiền và yêu cầu nhân viên vận hành tại trạm kiểm tra, sau đó mở thanh chắn cho xe qua, tránh nôn nóng mà mất tiền oan.
Lái xe chậm rãi, tốc độ không quá 30 km/giờ
Theo khuyến nghị của VETC, để đảm bảo an toàn khi di chuyển qua các trạm thu phí không dừng, tài xế chỉ nên duy trì tốc độ tối đa 30 km/giờ. Ngoài ra, nên rà sẵn chân phanh nhằm đề phòng trường hợp thanh chắn do lỗi kỹ thuật hoặc lỗi thanh toán mà không thể mở lên, tránh những va chạm đáng tiếc.
Lái xe qua trạm thu phí với tốc độ dưới 30 km/giờ và nên giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước
Không bám sát xe phía trước
Bên cạnh việc di chuyển chậm, khi đi qua khu vực trạm thu phí tự động không dừng, tài xế cũng cần lưu ý duy trì khoảng cách tối thiểu từ 3 – 5 mét đối với xe phía trước. Việc duy trì khoảng cách bên cạnh mục đích hạn chế va chạm trong trường hợp phanh gấp, còn hạn chế việc cản tầm nhìn của hệ thống nhận diện phương tiện.
Bởi lẽ, thẻ định danh thu phí tự động được dán ở đèn xe hoặc phía sau kính lái. Nếu di chuyển quá gần xe phía trước, trong nhiều trường hợp hệ thống nhận diện của trạm thu phí sẽ không thể quét được thẻ định danh.