Đám cưới “3 không”: Không chụp ảnh cưới, không sính lễ, không xe rước đón dâu đang trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài “3 không” trên còn có nhiều thứ khác không có trong 1 lễ thành hôn truyền thống như: Không MC, không có phù dâu phù rể, không quà cưới, không thiệp cưới,… Tóm lại, đám cưới “3 không” để chỉ những đám cưới tối giản nhằm tiết kiệm chi phí, chỉ tập trung vào hạnh phúc của cặp đôi.
Anh Vũ Tân (Trung Quốc) chia sẻ, đám cưới của vợ chồng anh diễn ra vỏn vẹn trong chưa đầy 1 tiếng. Đám cưới không có MC, không thuê trang điểm. Mọi việc đều được vợ chồng anh làm từ A – Z trong sự hỗ trợ của 2 bên gia đình. Thậm chí, nhiều cặp đôi còn không đặt tiệc chiêu đãi người thân, bạn bè. Những vị khách đến chỉ cùng nhau uống trà, ăn bánh, trò chuyện vui vẻ, gửi lời chúc phúc cho cô dâu chú rể. Những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm sẽ chia sẻ hành trang cần thiết để cuộc sống hôn nhân viên mãn.
Hay Lệ Mai (Trung Quốc) mới tổ chức đám cưới “4 không”: Không nhận sính lễ, không tiệc cưới, không thiệp mời, không quà cưới. Cô theo đuổi chủ nghĩa tối giản, nhưng không có nghĩa là thiếu lễ nghi. “Mọi thứ đều được lên kế hoạch cẩn thận. Chẳng hạn như với thiệp cưới, vì không in nên tôi sẽ gửi thiệp online tới họ hàng, bạn bè”, Lệ Mai vui vẻ cho biết.
Còn Mai Mai bày tỏ: “Dự định cuối năm tôi cũng tổ chức một đám cưới vừa phải, không tiêu tốn quá nhiều sức lực và tiền bạc. Tôi cảm thấy cách tổ chức này không gây áp lực cho người được mời tới tham dự”.
Ngày nay, nhiều người trẻ không còn chạy theo một đám cưới truyền thống cầu kỳ, lắm lễ nghi. Họ tạm biệt những điều phức tạp và đặt hạnh phúc bản thân lên hàng đầu. Đám cưới của họ quy mô nhỏ, có thể chỉ vài chục khách nhưng đó thực sự là những người mà họ muốn góp mặt chia vui trong ngày cưới.
Sự tối giản lên ngôi
Một viện nghiên cứu tại Trung Quốc tiến hành khảo sát về quy trình tổ chức đám cưới. Con số đưa ra vô cùng bất ngờ: 80% giới trẻ không muốn tổ chức đám cưới vì có quá nhiều thứ phải lo nghĩ, tính toán. Đó là những việc như: Thiết kế cổng cưới, đặt tiệc cưới, trang phục phù hợp, chọn đồ ăn, chụp ảnh cưới, tuần trăng mật,… Những người lao động thu nhập không cao, bận rộn với công việc càng bất lực trước việc này.
Hơn thế, không ít cặp đôi lo sợ bởi tổ chức 1 đám cưới chưa phải là xong, họ còn phải làm lễ báo hỉ tại quê vợ/chồng. Đó là chưa kể các khoản phí phảt sinh. Điều này ngốn một khoản tiền lớn trong ngân chuẩn bị cho cuộc sống sau hôn nhân.
Được biết, chi phí tổ chức đám cưới trung bình của giới trẻ là 147.500 NDT (khoảng 508 triệu đồng). Đối với các thành phố lớn, mức chi phí là 157.200 NDT (khoảng 542 triệu đồng). Ở các thành phố điều kiện sống thấp hơn chi phí cũng khoảng 100.000 NDT (khoảng 344 triệu đồng).
Ngoài việc đám cưới truyền thống tốn kém công sức, chi phí thì một lý do khác khiến giới trẻ không tổ chức đó là rườm rà, bất tiện. Bởi quy trình tổ chức đám cưới truyền thống khá cầu kỳ: Cô dâu dậy từ 3-4 giờ sáng để trang điểm, thay quần áo rồi đợi chú rể đến. Sau đó, họ nhà gái đón khách, đón họ nhà trai rồi di chuyển ra khách sạn tổ chức. Tới lúc này, cô dâu thay bộ trang phục khác để thuận tiện di chuyển giữa các bàn tiệc. Trong buổi tiệc còn nhiều hoạt động khác khiến họ mệt mỏi.
Không ít cô dâu, chú rể tâm sự, họ phải mất hơn nửa tháng mới hồi phục sức khoẻ sau lễ cưới. Chưa kể, có một số phong tục cưới hỏi không còn phù hợp với quan niệm hiện đại. Nhiều cô dâu còn bị rắc bột mì, ném trứng hay bắn pháo hoa, ụp bánh kem lên người. Không ít người lợi dụng những thủ tục khiến ngày cưới mất vui. Cuối cùng, tiệc cưới trở thành một trò hề, thậm chí là bi kịch.
Ở Vũ Hán (Trung Quốc) từng có tục lễ xin cưới đánh chú rể. Họ quan niệm chú rể càng bị đánh nhiều, đánh mạnh thì càng gặp may mắn. Vì vậy, nhiều chú rể địa phương cùng phù rể bị đánh đến mức nhập viện.
Cũng có nhiều cô gái không thích nhận lễ cưới từ nhà trai, cũng không muốn nhận hồi môn từ cha mẹ. Đối với họ, hôn nhân không phải là việc người phụ nữ bị gả cho người đàn ông. Họ tâm niệm hôn nhân là cả 2 cùng nhau xây dựng một gia đình mới, đảm bảo sự bình đẳng.
Suy cho cùng, bản chất của đám cưới là thông báo cho họ hàng, bạn bè biết việc kết hôn của 2 người; là để báo tin vui và chia sẻ niềm hạnh phúc tới mọi người; là để thông báo việc 2 người sẽ phải có trách nhiệm khi chung sống. Như vậy, miễn là đạt được mục tiêu, còn hình thức đám cưới không quá quan trọng, nhất là đối với cặp đôi eo hẹp tài chính.
Theo Toutiao
Ứng Hà Chi