1. Ký quỹ: Khái niệm và đặc điểm
1.1 Khái niệm chung
Ký quỹ là gì? Thuật ngữ này được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015:
Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ – Khoản 1 Điều 330
Việc ký quỹ là một biện pháp để đảm bảo quyền lợi của bên có quyền và giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, thường thì hình thức bảo đảm bằng ký quỹ không được sử dụng phổ biến trong các giao dịch dân sự thông thường, mà chủ yếu được áp dụng trong các dự án đầu tư kinh doanh.
Đối với các giao dịch dân sự thông thường, ta sẽ gặp các hình thức bảo đảm nghĩa vụ khác như thế chấp, đặt cọc… nhiều hơn ký quỹ.
1.2 Khái niệm giao dịch ký quỹ trong chứng khoán
Trong chứng khoán, thuật ngữ “ký quỹ” được sử dụng trong chứng khoán phái sinh và giao dịch chứng khoán:
Ký quỹ trong chứng khoán phái sinh là một khoản tiền hoặc chứng khoán mà nhà đầu tư gửi Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) để đảm bảo việc thanh toán các giao dịch chứng khoán phái sinh. Theo luật hiện hành, tỷ lệ ký quỹ bằng tiền không được < 80% giá trị tài sản ký quỹ. Trong giao dịch chứng khoán. Theo khoản 10 Điều 2 Thông tư 120/2020/TT-BTC, quy định về giao dịch ký quỹ như sau:
Giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán (sau đây gọi là giao dịch ký quỹ) là giao dịch mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, trong đó chứng khoán có được từ giao dịch này và các chứng khoán khác được giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay trên
Thực chất, giao dịch ký quỹ (Margin trading) là một phương thức đầu tư chứng khoán với sự hỗ trợ đòn bẩy, giúp cho nhà đầu tư có thể mua nhiều chứng khoán hơn. Nếu việc đầu tư này đạt hiệu quả, lợi nhuận có thể tăng lên nhiều lần so với việc chỉ sử dụng vốn đầu tư tự có của bản thân.
Bạn sẽ dễ hình dung hơn qua ví dụ sau: bạn có 50 triệu đồng trong tài khoản. Tỉ lệ ký quỹ ban đầu của nhà đầu tư là 50%, nghĩa là bạn có sức mua tới 100 triệu đồng. Trong đó 50 triệu đồng là vốn có sẵn của bạn và 50 triệu đồng là vốn được vay. Toàn bộ số cổ phiếu bạn mua sẽ dùng làm tài sản thế chấp và bạn có nghĩa vụ trả lãi vay trên khoản tiền vay 50 triệu đồng.
1.3 Đặc điểm
1.3.1 Đặc điểm chung
Trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp ký quỹ, một hoặc cả hai bên đều phải thực hiện việc ký quỹ.
Trong quá trình này, tổ chức tín dụng đóng vai trò làm trung gian thực hiện thủ tục ký quỹ và đảm bảo thanh toán nghĩa vụ cũng như bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm nghĩa vụ bằng tiền hoặc tài sản trong tài khoản ký quỹ.
Trong một giao dịch ký quỹ, luôn có sự tham gia của 3 bên gồm:
- Bên ký quỹ: là bên đã gửi một lượng tiền, tài sản vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng.
- Bên nhận ký quỹ: là bên sẽ được bồi thường thiệt hại từ tài khoản ký quỹ nếu đã đến thời hạn nhưng bên ký quỹ không thực hiện nghĩa vụ đối với mình.
- Tổ chức tín dụng: là chủ thể giữ tài sản ký quỹ, sẽ dùng tài sản này để thanh toán bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm hợp đồng khi có sự cố xảy ra.
1.3.2 Đặc điểm của giao dịch ký quỹ
Trong giao dịch ký quỹ, tài sản đảm bảo sẽ bao gồm toàn bộ tài sản có trong tài khoản chứng khoán của bạn bao gồm: chứng khoán, cổ tức, tiền mặt, quyền mua cổ phiếu, các tài sản khác được công ty chứng khoán chấp nhận.
Thông thường, tỷ lệ ký quỹ (hay còn gọi là tỷ lệ hỗ trợ) cho một tài khoản chứng khoán hoặc mã chứng khoán sẽ dao động từ 0% đến 50%. Với tỷ lệ hỗ trợ 0% nghĩa là bạn phải dùng tiền thật để mua chứng khoán, ngược lại với tỷ lệ hỗ trợ 50% bạn bỏ vốn gốc bao nhiêu sẽ được hỗ trợ bấy nhiêu (1:1)
Khi thực hiện giao dịch ký quỹ, cổ phiếu bạn mua sẽ được tính luôn vào tài sản đảm bảo và nhà đầu tư sẽ phải trả lãi cho số tiền vay với mức lãi suất do công ty chứng khoán quy định.
Giao dịch ký quỹ được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư 120/2020/TT-BTC gồm các điều kiện thực hiện giao dịch ký quỹ chứng khoán với vai trò của ba bên: nhà đầu tư, công ty chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Điều 9 Thông tư 120/2020/TT-BTC cũng quy định về các tiêu chí của chứng khoán được giao dịch ký quỹ. Danh sách chứng khoán được giao dịch hoặc không được giao dịch ký quỹ sẽ được Sở giao dịch chứng khoán công bố dựa trên tiêu chí do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định. Các công ty chứng khoán sẽ dựa trên danh sách này để thiết lập danh mục vay ký quỹ.
Xem thêm: Mobile Banking là gì? Internet Banking là gì? Nên dùng dịch vụ nào? Tại đây Thanh toán tiền điện ở đâu? 10 hình thức thanh toán tiền điện hiện nay bạn nên biết. Tại đây
2. Khái niệm về tài khoản ký quỹ
Tài khoản ký quỹ là một loại tài khoản được mở tại các ngân hàng, được sử dụng và quản lý theo yêu cầu, thỏa thuận của khách hàng.
Thông thường, các tổ chức/ cá nhân/ doanh nghiệp sẽ mở tài khoản này để nộp tiền gửi ký quỹ nhằm chứng minh năng lực tài chính của mình, đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính với ngân hàng hoặc các bên liên quan. Ngoài ra, tài khoản ký quỹ còn được sử dụng để đáp ứng các yêu cầu pháp lý đối với một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đặc thù.
Trong đầu tư chứng khoán, Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch ký quỹ dựa trê hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ, đồng thời là hợp đồng tín dụng cho các khoản vay trên tài khoản giao dịch ký quỹ (Điều 12 Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành kèm theo Quyết định 87/QĐ-UBCK năm 2017)
Mỗi nhà đầu tư chỉ có thể mở một tài khoản giao dịch ký quỹ tại mỗi công ty chứng khoán. Điều này được quy định cụ thể tại khoản 03 điều 09 thông tư 120/2020/TT-BTC:
Tại mỗi công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch ký quỹ. Tài khoản giao dịch ký quỹ là tài khoản riêng biệt hoặc được quản lý riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản của tài khoản giao dịch chứng khoán hiện có của nhà đầu tư. Công ty chứng khoán phải hạch toán tách biệt tài khoản giao dịch ký quỹ với tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường của từng nhà đầu tư, tách biệt tài khoản giao dịch ký quỹ và tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường giữa các nhà đầu tư.
3. Ký quỹ dành cho nhà đầu tư nào?
Trên thị trường hiện nay, giao dịch ký quỹ khá phổ biến, hầu hết các công ty chứng khoán đều cung cấp dịch vụ này.
Sử dụng khéo léo đòn bẩy từ các giao dịch ký quỹ sẽ giúp bạn nâng cao hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, công cụ này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm trên thị trường, có tâm lý vững vàng, kỹ năng quản trị rủi ro và quản trị danh mục đầu tư tốt.
Giao dịch ký quỹ có ưu điểm là nhà đầu tư có thể sở hữu nhiều cổ phần hơn với số vốn ban đầu bỏ ra ít hơn, tuy nhiên lại có rủi ro khi phải đem thế chấp lại chứng khoán đã mua cho công ty chứng khoán và trả lãi vay. Nếu bạn chọn sai cổ phiếu để đầu tư, bạn sẽ phải chịu thiệt hại lớn hơn. Để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch ký quỹ, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ các vấn đề sau:
- Bạn cần nắm rõ các quy định và cơ chế hoạt động của giao dịch ký quỹ, cùng với việc tìm hiểu và phân tích kỹ các cổ phiếu được lựa chọn.
- Bạn nên có kế hoạch giao dịch và chiến thuật giao dịch rõ ràng trước khi thực hiện đặt lệnh.
- Bạn chỉ nên thực hiện các biện pháp giải ngân từng phần, tránh sử dụng tỉ lệ ký quỹ ở mức tối đa “full-margin” để mua đối với các cổ phiếu chưa khẳng định được đà tăng.
Việc tìm hiểu và quản trị rủi ro là điều rất quan trọng khi tham gia giao dịch ký quỹ. Chỉ khi đầu tư thông minh và cẩn trọng, nhà đầu tư mới có thể tận dụng được ưu điểm của hình thức đầu tư này.
4. Các hình thức ký quỹ bạn nên biết
Có hai hình thức giao dịch ký quỹ trong chứng khoán (hay còn gọi là các vị thế trong giao dịch ký quỹ:
Mua ký quỹ (Long position) là hình thức nhà đầu tư sẽ vay tiền từ công ty chứng khoán để mua chứng khoán trên thị trường. Tuy nhiên, bạn sẽ phải hoàn trả nợ, cùng với các khoản lãi và chi phí phát sinh từ hoạt động giao dịch trong hợp đồng. Đây là hình thức đang được sử dụng trên thị trường chứng khoán Việt nam
Bán ký quỹ (Short position) hình thức này hiện tại chưa được công nhận trong thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là hình thức mà nhà đầu tư vay chứng khoán từ công ty để bán. Sau đó, nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ hoàn trả lại số chứng khoán đã vay cùng với các khoản phát sinh từ hợp đồng liên quan.
5. Gửi và nhận tiền đầu tư qua ứng dụng MyVIB 2.0 nhanh chóng
Trong đầu tư chứng khoán, chuyển tiền thuận lợi đến tài khoản mở tại các công ty chứng khoán là điều hết sức quan trọng, giúp bạn nắm bắt được thời cơ giao dịch. Để hỗ trợ khách hàng của mình, các ngân hàng liên tục phát triển chức năng chuyển tiền chứng khoán để đảm bảo tiền đầu tư của khách hàng luôn được chuyển đi hoặc nhận về nhanh chóng, thuận tiện và chính xác nhất.
Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB) với ứng dụng Mobile banking MyVIB 2.0, bên cạnh chức năng chuyển tiền nhanh 24/7 đến tài khoản công ty chứng khoán mở tại tất cả các ngân hàng trong hệ thống chuyển mạch tài chính của NAPAS, VIB còn phát triển chức năng chuyển tiền chứng khoán, liên kết với một số công ty chứng khoán (HSC, VnDirect, KAFI) để gia tăng tốc độ nạp/rút tiền cho khách hàng. Nếu đang thực hiện giao dịch ở các công ty chứng khoán ở trên, bạn nên sử dụng ứng dụng ngân hàng MyVIB 2.0 để thuận tiện cho việc chuyển rút tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản chứng khoán và ngược lại.
Qua bài viết trên đây, bạn cũng phần nào hiểu rõ ký quỹ là gì và những hiểu biết xung quanh việc ký quỹ đối với nhà đầu tư chứng khoán. Với sự hỗ trợ của hệ thống thanh toán chuyển tiền từ phía các ngân hàng, việc đầu tư của bạn sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn bao giờ hết.