1. Thế nào là đóng lùi bảo hiểm xã hội?
Các văn bản pháp luật hiện hành không giải thích thế nào là đóng lùi bảo hiểm xã hội nhưng trên thực tế, có thể hiểu đơn giản, đóng lùi bảo hiểm xã hội là dừng đóng bảo hiểm xã hội trong một khoảng khoảng thời gian nhất định, sau đó đóng bù số tiền bảo hiểm xã hội đáng lẽ phải đóng trong thời gian tạm dừng cho cơ quan bảo hiểm.
Mục đích của việc đóng bù bảo hiểm xã hội là để đảm bảo tính liên tục của quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó nhanh chóng tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm và hưởng các chế độ của bảo hiểm.
2. Đóng lùi bảo hiểm xã hội có được không?
Pháp luật hiện nay cho phép đóng lùi bảo hiểm xã hội nhưng chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
– Trường hợp cho phép đóng lùi bảo hiểm xã hội bắt buộc:
(1) Khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế
(2) Khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa khiến cho người lao động và người sử dụng không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội.
(3) Sau thời gian bị tạm giam, người lao động được xác định là bị oan thì được đóng lùi bảo hiểm xã hội cho khoảng thời gian bị dừng đóng bảo hiểm do bị tạm giam để điều tra.
Lưu ý: Các trường hợp này chỉ được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất. Người sử dụng lao động vẫn phải đóng quỹ thai sản và ốm đau, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ: Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
– Trường hợp cho phép đóng lùi bảo hiểm xã hội tự nguyện:
(1) Đóng lùi bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những năm trước đó nhưng không quá 10 năm khi đã đủ tuổi nghỉ hưu (theo điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP).
(2) Đóng lùi thời gian tham gia BHXH tự nguyện do gián đoạn ngay trước đó (theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP).
3. Đóng lùi bảo hiểm xã hội có bị tính lãi không?
Theo quy định hiện hành, tùy trường hợp đóng lùi bảo hiểm xã hội cụ thể thì người đóng bảo hiểm xã hội có thể tính lãi hoặc không.
Theo khoản 3 Điều 116 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, các trường hợp đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc đều không bị tính lãi chậm đóng.
Còn với bảo hiểm xã hội tự nguyện, trường hợp đóng bù bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những năm còn thiếu khi đủ tuổi nghỉ hưu cũng không bị tính lãi.
Riêng trường hợp đóng lùi bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngắt quãng phải đóng thêm tiền lãi (căn cứ khoản 3 Điều 12 Nghị định 134/2015/NĐ-CP).
Mức lãi suất = Lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố.
4. Thủ tục đóng lùi bảo hiểm xã hội thực hiện thế nào?
* Thủ tục đóng lùi bảo hiểm xã hội bắt buộc:
– Người thực hiện: Người sử dụng lao động.
– Hồ sơ:
- Văn bản đề nghị tạm dừng đóng bảo hiểm vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc (chỉ áp dụng với trường hợp xin đóng lùi do tạm dừng sản xuất, kinh doanh)
- Văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại (chỉ áp dụng với trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa).
– Thủ tục:
Bước 1: Người sử dụng lao động chuẩn bị hồ sơ.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý.
Bước 3: Nhận thông báo chấp thuận cho tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội
Thời hạn giải quyết: 10 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận được hồ sơ đề nghị
Thời gian được tạm dừng đóng do người sử dụng lao động đề nghị nhưng không quá 12 tháng.Căn cứ: Điều 28 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
* Thủ tục đóng lùi bảo hiểm xã hội tự nguyện: Không cần thực hiện bất kỳ thủ tục gì khi muốn lùi đóng. Tuy nhiên, đến thời điểm muốn đóng bù bảo hiểm xã hội tự nguyện thì phải đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: “Đóng lùi bảo hiểm xã hội được không?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được tư vấn chi tiết.