7. Chất kiềm tự nhiên
Nước ép của quả bầu có tính kiềm tự nhiên. Do vậy, nó có thể giúp cân bằng các tác nhân có tính axit trong dạ dày của bạn.
Bởi lẽ nhiều bà bầu hay phải đối mặt với chứng trào ngược và ợ nóng. Các thành phần trong quả bầu có thể giúp giải quyết điều này vì nó cân bằng và trung hòa các tác động của axit trong dạ dày của bạn.
Gợi ý cho bạn một số món ăn từ quả bầu đơn giản, dễ thực hiện
Sau khi đã có cho mình câu trả lời của thắc mắc bà bầu có nên ăn quả bầu hay không, có lẽ bạn nên vào bếp và tự làm cho mình những món ngon với quả bầu sau đây:
1. Canh bầu nấu tôm
Món ăn này quen thuộc đến nỗi nó đã đi vào trong thế giới ca dao tục ngữ Việt Nam. Thế nên ông bà ta mới có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu” và để “Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”. Để nấu món canh này, bạn nên thực hiện theo cách sau:
Nguyên liệu:
- Tôm tươi: 150 – 200g
- Bầu non: 1 quả
- Hành củ, hành lá, rau mùi
- Gia vị các loại
>>> Bạn có thể tham khảo: Bà bầu có nên ăn rau cải ngọt? 5 lợi ích không thể bỏ qua
Cách thực hiện:
- Tôm rửa sạch, bóc vỏ, tách đầu để riêng, khứa nhẹ sống lưng để loại bỏ phần chỉ đen. Đập giập tôm, ướp với chút nước mắm, hạt nêm và ít đường.
- Phần đầu tôm đem giã hoặc xay sau đó lọc lấy nước cốt (đây chính là phần làm cho món canh ngon và hấp dẫn hơn đấy).
- Bầu gọt vỏ, rửa sạch rồi thái miếng vừa ăn.
- Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, đập giập.
- Hành lá, rau mùi rửa sạch, thái nhỏ.
- Đặt nồi lên bếp cho nóng, cho dầu vào, cho hành củ đập giập vào phi thơm rồi cho tôm đã ướp vào đảo đều cho tôm chín. Khi thấy tôm chín, bạn cho bầu vào đảo cùng (tùy khẩu vị có thể nêm thêm 1 thìa hạt nêm). Đảo đến lúc thấy bầu tái, đổ nước sôi đun sẵn vào.
- Chờ cho nồi canh sôi trở lại thì cho hành ngò, nêm nếm cho vừa miệng và tắt bếp.
- Lưu ý là nếu bạn không muốn xào bầu thì khi tôm chín, bạn cho nước đun sôi vào, nước sôi, cho bầu vào nấu, bầu chín, nêm nếm như trên. Bạn cũng có thể thay tôm bằng thịt trai, hến.
2. Bầu xào trai
Nguyên liệu:
- Trai: 1 kg
- Bầu: 1 quả
- Hành lá, rau răm
- Gia vị các loại
Cách thực hiện:
- Trai mua về ngâm với nước có thả vài lát ớt cho nhả sạch cặn bẩn. Bạn nên thay nước nhiều lần để trai nhả hết cặn bẩn.
- Vớt trai ra cho vào nồi, cho một chút xíu nước vào và luộc chín. Khi thấy trai há miệng, bạn vớt ra để nguội, tách lấy phần thịt và bóc vỏ phần thân đen trong ruột trai.
- Bầu bạn gọt vỏ, rửa cho hết chất nhựa và thái nhỏ.
Hành lá và rau răm đem rửa sạch, sau đó thái nhỏ. Cắt lấy phần gốc hành trắng, đập nhẹ cho giập, để riêng.
- Bắc chảo lên bếp, cho phần củ hành trắng vào phi cho thơm. Tiếp đến trút phần thịt trai đã chuẩn bị ở trên vào xào cho ngấm gia vị rồi để riêng trai vừa xào ra một bên.
- Tiếp tục làm nóng chảo với dầu ăn và cho bầu vào đảo đều tay, rắc thêm chút hạt nêm cho vừa miệng.
- Lưu ý là bầu khá nhanh chín nên chỉ cần quan sát thấy miếng bầu trông có vẻ trong, hơi mềm là bạn trút phần trai đã xào vào. Cho thêm hành, rau răm thái nhỏ, đảo đều một chút và tắt bếp.
>>> Bạn có thể tham khảo: Bầu ăn mắm được không? Những loại mắm nào an toàn cho bà bầu?
Lưu ý dành cho bà bầu ăn khi ăn quả bầu
Bà bầu ăn được canh bầu, nhưng cũng giống như các loại thực phẩm khác, ăn nhiều canh bầu cũng sẽ không có lợi cho bà bầu.
Nên chọn những quả bầu vừa phải, có thể dùng cả ruột và hạt quả bầu để nấu canh. Trong ruột và hạt của quả bầu chứa rất nhiều dinh dưỡng, không chỉ thế nó còn có công dụng như một phương pháp tẩy giun tự nhiên, an toàn và hiệu quả đối với phụ nữ mang thai.
Bà bầu có thể ăn canh bầu mỗi tuần trong suốt các tháng của thai kỳ và sau khi sinh. Tuy nhiên, lưu ý quan trọng rằng trái bầu có tính hàn, nên hạn chế ăn nhiều vào buổi tối. Đặc biệt, mẹ bầu không nên sử dụng lại món canh này đã để qua đêm, dù là bảo quản trong tủ lạnh.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã tìm được những lý do để trả lời cho thắc mắc bà bầu có nên ăn quả bầu hay không rồi. Cùng chia sẻ với Marry Baby những món “tủ” của bạn với loại rau ăn quả này nhé!