Dựa vào tư liệu từ cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi hoàn toàn có thể khẳng định ngải cứu không gây nguy hiểm cho bà bầu, ngược lại đây là vị thuốc giúp an thai. Theo đó, ngải cứu còn gọi là cây thuốc cứu, cây thuốc cao, ngải điệp. Ngải cứu là một vị thuốc thông dụng cả trong đông y và tây y.
Hiện nay hoạt chất của ngải cứu chưa được xác định, mặc dù ngải cứu được dùng cả trong đông y và tây y. Chỉ mới biết trong ngải cứu có tinh dầu, ít tanin. Thành phần chủ yếu của tinh dầu ngải cứu là xineol và α-thuyon. Ngoài ra còn một ít adenin, cholin.
Xét về tác dụng dược lý, tinh dầu ngải cứu thuộc các tinh dầu có tính chất làm kích thích cho say.
α-thuyon có tác dụng hưng phấn, nhưng dùng nhiều quá có thể gây điên cuồng. Nói chung tác dụng dược lý của ngải cứu ít thấy tài liệu nghiên cứu mặc dù ngải cứu được đưa vào Dược điển của nhiều nước trên thế giới, chủ yếu làm thuốc điều kinh.
Đông y coi ngải cứu là một vị thuốc có tính hơi ôn, vị cay, dùng làm thuốc ôn khí huyết, trục hàn thấp, điều kinh, an thai, dùng chữa đau bụng do hàn, kinh nguyệt không đều, thai động không yên, thổ huyết, máu cam.
Ngải cứu được dùng làm thuốc điều kinh: Một tuần lễ trước dự kỳ có kinh, uống mỗi ngày từ 6 đến 12g (tối đa 20g), sắc với nước hay hãm với nước sôi như hãm chè, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng thuốc bột (5-10g) hay dưới dạng thuốc cao đặc 1-4g.
Ngoài công dụng chữa bệnh tuyệt vời, ngải cứu còn là một loại cây chế biến thành những món ăn ngon hàng ngày điền hình như trứng. Vừa có tác dụng bổ dưỡng vừa chữa được chứng bệnh cảm, đau đầu.
Đặc biệt, nhấn mạnh nếu có thai thuốc không gây sảy thai vì không có tác dụng kích thích đối với tử cung có thai.
Xin giới thiệu với bạn đọc bài thuốc an thai (chữa đang có thai, đau bụng, chảy máu) có ngải cứu như sau:
Lá ngải cứu 16g, tía tô 16g, nước 600ml, sắc đặc còn 100ml. Thêm ít đường vào cho dễ uống. Chia làm 3-4 lần uống trong ngày.
Những điều mẹ bầu cần lưu ý khi ăn ngải cứu
Sau khi tham khảo những tư vấn của bác sĩ, mẹ bầu có thể dùng ngải cứu như hướng dẫn:
– Số lượng ngải cứu cần dùng khoảng 3-5 ngọn mỗi lần và chỉ nên ăn 3 lần/tuần.
– Nếu bạn có tiền sử bị sảy thai, sinh non thì hạn chế sử dụng ngải cứu
– Ngoài ra ngải cứu có thể dùng món trứng gà ngải cứu vì đây là món ăn rất bổ dưỡng cho sức khỏe mang thai
Ngải cứu sẽ vẫn là vị thuốc tốt cho sức khỏe bà bầu nếu sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Hãy tham khảo thông tin vị thuốc này từ các bác sĩ để con bạn luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.