Dân gian Việt Nam có câu: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” với hàm ý chỉ tình cảm sâu sắc của đôi nam nữ, bất chấp mọi rào cản, mọi thử thách đến với nhau để kết duyên vợ chồng. Nhưng ai cũng từng bùi ngùi, xúc động khi đọc những câu thơ sau trong Truyện Kiều: “Trăm năm gửi lạy tình quân/Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi/Phận sao phận bạc như vôi/Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Lời thề sâu nặng, son sắt giữa Kiều và Kim Trọng có thiêng liêng đến chừng nào cũng không thể vượt qua chữ “phận”. Bạc bẽo thay một mối nhân duyên bị vùi dập trước bão gió cuộc đời! Từ chuyện xưa bàn tới chuyện nay… câu chuyện tình đẫm nước mắt như Kiều và Kim Trọng ngỡ chỉ có trong những trang văn, ấy vậy mà, nhiều đôi trai gái ngày nay cũng phải chịu cảnh “Đôi ta duyên nợ không thành/ Cũng do Nguyệt Lão chỉ mành se tơ”.
Kết hôn với công an
Ngoài những nguyên nhân chủ quan đến từ hai phía nam, nữ; nguyên nhân quan trọng khác nữa là do một trong hai bên không tìm hiểu rõ ràng điều kiện khách quan để được kết hôn với đối phương. Nghe có vẻ nực cười khi: đủ tuổi kết hôn; tự nguyện đến với nhau; không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng… tại sao lại không được kết hôn với nhau? Sẽ không nực cười đâu, khi đối tượng kết hôn của bạn làm trong ngành công an, và bạn hoặc gia đình bạn thuộc đối tượng không được kết hôn với công an.
Luật Quang Phong xin đưa ra bài viết để làm rõ vấn đề này:
1. Những điều kiện cơ bản để kết hôn với công an
Cũng tương tự như việc kết hôn với công dân bình thường khác, hai bên nam nữ phải đáp ứng được điều kiện kết hôn theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể như sau:
-
Điều kiện về tuổi: Công dân nam từ đủ 20 tuổi trở lên, công dân nữ từ đủ 18 tuổi trở lên
-
Điều kiện về ý chí tự nguyện: Hai bên nam nữ phải tự nguyện đến với nhau, không có sự ép buộc, xúi giục của bên thứ ba và việc quyết định đi đến hôn nhân phải do ý chí chủ quan của họ.
-
Điều kiện về năng lực hành vi dân sự: Hai bên nam, nữ không mất năng lực hành vi dân sự
-
Điều kiện khác: Việc kết hôn không được trái với những trường hợp cấm kết hôn đã được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình.
* Những trường hợp cấm kết hôn với công an
Căn cứ theo các Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu đối tượng bạn định kết hôn thuộc một trong những trường hợp dưới đây, sẽ cấm không được kết hôn:
-
Không được kết hôn giả tạo
-
Không được kết hôn khi chưa đủ tuổi (tảo hôn), không được kết hôn khi có sự cưỡng ép, lừa dối
-
Không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, chồng (vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng).
-
Không được kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng khi có cùng dòng máu trực hệ; có họ trong phạm vi ba đời
-
Không được kết hôn giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi; với những người từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi
-
Không được kết hôn giữa con rể và mẹ vợ; giữa cha chồng và con dâu; giữa cha dượng và con riêng; giữa mẹ kế và con chồng
Như vậy, nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên, các chiến sĩ công an cũng không được phép kết hôn.
2. Quy định kết hôn với công an
Những điều kiện riêng để kết hôn với công an được điều chỉnh bởi quy định tại Quyết định số 1275/2007/QĐ-BCA ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Ngoài việc đáp ứng những điều kiện chung đã nêu trên, bạn còn phải đáp ứng những điều kiện sau:
Thứ nhất: Gia đình của đối tượng muốn kết hôn với chiến sĩ công an không làm tay sai cho chế độ phong kiến, Ngụy quân, Ngụy quyền.
Có thể hiểu việc làm tay sai cho chế độ phong kiến, Ngụy quân, Ngụy quyền trên một số khía cạnh như sau:
-
Đã có người từng làm tình báo, gián điệp, làm chỉ điểm, mật báo viên hay cộng tác viên hoặc làm việc cho các cơ quan an ninh/tình báo/cảnh sát đặc biệt của quân địch, của các thế lực thù địch khác dưới mọi hình thức.
-
Đã có người từng tham gia bộ máy chính quyền, lực lượng vũ trang, bán vũ trang của địch có tội ác với cách mạng, với nhân dân, giữ chức vụ ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thư ký hoặc tương đương trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động, đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội do địch lập ra từ cấp xã và tương đương trở lên.
-
Có hành vi chống Đảng và Nhà nước Việt Nam
Thứ hai: Đối tượng muốn kết hôn với công an hoặc gia đình của đối tượng ấy không có người có tiền án (trong phạm vi ba đời) hoặc đang chấp hành hình phạt tù.
Có thể hiểu như sau:
-
Đối tượng muốn kết hôn đã từng có tiền án, chưa được xóa án tích hoặc trong gia đình có người có tiền án
-
Đối tượng muốn kết hôn hoặc thành viên trong gia đình đang bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, phạt tù
Thứ ba: Gia đình hoặc đối tượng kết hôn với công an không theo đạo Thiên chúa, đạo Tin lành, đạo Cơ đốc…
3. Thủ tục kết hôn với công an
Sau khi trải qua giai đoạn tìm hiểu và yêu thương nhau, biết chắc chắn rằng có thể đến với nhau để xây dựng hạnh phúc lâu dài, chiến sĩ công an và người yêu cần phải tiến hành những thủ tục sau:
Bước 1: Làm đơn tìm hiểu để kết hôn
Chiến sĩ công an chủ động viết đơn xin tìm hiểu để kết hôn. Mức thời gian dao động từ ba đến sáu tháng tùy thuộc vào tình cảm của cả hai bên đã đến mức độ nào.
Bước 2: Làm đơn xin kết hôn
Chiến sĩ công an sẽ phải viết hai (02) đơn xin kết hôn. Một đơn gửi tới Phòng tổ chức cán bộ, một đơn gửi tới Thủ trưởng của đơn vị nơi chiến sĩ công tác.
Bước 3: Làm thủ tục kê khai lý lịch
Người dự định sẽ kết hôn với chiến sĩ công an phải làm bản kê khai lý lịch trong vòng ba (03) đời của gia đình mình.
Bước 4: Thẩm tra lý lịch
Phòng Tổ chức cán bộ sau khi nhận được đơn xin kết hôn và bản lý lịch tự khai sẽ tiến hành thẩm tra lý lịch, xác minh tính xác thực cũng như tìm hiểu về đối tượng mà chiến sĩ công an dự định sẽ kết hôn tại nơi làm việc cũng như nơi sinh sống của người đó.
Thời gian xác minh sẽ diễn ra trong khoảng từ hai (02) đến bốn (04) tháng.
Bước 5: Đưa ra quyết định
Sau khi kết thúc quá trình thẩm tra lý lịch, nếu đủ điều kiện, chiến sĩ công an được phép kết hôn.
Nếu trong trường hợp, lý lịch không phù hợp, như ông bà ta cũng có câu “Có duyên ngàn dặm cũng gần/Vô duyên dầu gặp mấy lần cũng xa”, lúc này chiến sĩ công an đứng trước hai lựa chọn có thể gọi là khó khăn của cuộc đời: hoặc là tiếp tục sự nghiệp hoặc là kiên quyết bảo vệ tình yêu?
Như vậy, “Yêu nhau định bởi chữ duyên/Bên nhau hạnh phúc tựa thuyền lênh đênh”. Trước khi đến với tình yêu cùng với chiến sĩ công an, mỗi bạn nên tham khảo về những điều kiện kết hôn trong bài viết này, để tránh trường hợp khi tình cảm quá sâu nặng lại không thể đến với nhau thì chỉ gây nên những vết thương lòng không đáng có.
Tự hỏi liệu có chiến sĩ công an nào sẽ dũng cảm từ bỏ sự nghiệp mà: “Lênh đênh một chiếc thuyền tình/ Ngược xuôi, xuôi ngược có mình có ta/ Phòng khi gió táp mưa sa/ Mình ra giữ lái, ta ra giữ sào”.
Giữa một bên là sự nghiệp bảo về tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ cao cả của công dân và một bên là bảo vệ người phụ nữ sẽ đồng hành cùng mình đến suốt cuộc đời, các chiến sĩ công an của chúng ta sẽ hành động như thế nào?
Trân Trọng!
Ex: Trang Nguyễn
KHÁCH HÀNG VUI LÒNG LIÊN HỆ:
Gửi email: luatquangphong@gmail.com
Hoặc chat trực tiếp trên website
ĐỂ ĐƯỢC MIỄN PHÍ TƯ VẤN MỌI VẤN ĐỀ LIÊN QUAN
Lưu ý: Những thông tin pháp lý đăng tải được trả lời bởi các luật sư, chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên các thông tin, trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo do các văn bản pháp luật dẫn chiếu luôn cập nhật và thay đổi nên có thể hết hiệu lực hoặc được thay thế tại thời điểm hiện tại. Khách hàng khi đọc bài viết mà không để ý hiệu lực của điều luật thì có thể dẫn tới sai sót nếu áp dụng ngay vào thực tiễn.
Để chắc chắn và cẩn trọng nhất, khách hàng có thể Liên hệ để được tư vấn chính xác nhất về nội dung này.
LUẬT QUANG PHONG
Văn phòng tại Hà Nội: Số 16 Trần Quốc Vượng, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Văn phòng tại Quảng Ninh: Số 67 Giếng Đồn, Phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam
Hotline: 0984.560.266 – 0978.412.600
Email: luatquangphong.hoai@gmail.com
Website: luatquangphong.com
LUẬT QUANG PHONG
– Tư vấn mọi vấn đề liên quan để khách hàng có lựa chọn tối ưu nhất cho vụ, việc trên;
– Soạn hồ sơ cho khách hàng;
– Đại diện đến cơ quan nhà nước làm thủ tục nộp hồ sơ, theo dõi tình trạng hồ sơ, nhận kết quả;
– Bàn giao giấy tờ (kết quả) cho khách hàng;
– Chuyển hồ sơ lưu cho khách hàng