Theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới nhất (Luật Doanh nghiệp 2020), cán bộ, công chức là một trong những đối tượng không được thành lập doanh nghiệp. Như vậy, các bộ, công chức có được đầu tư chứng khoán không? Sau đây, A&S Law xin thông tin đến khách hàng những vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này.
1. Cán bộ, công chức là những đối tượng nào?
Theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, cán bộ, công chức và viên chức được hiểu như sau:
Cán bộ là những công dân Việt Nam giữ chức vụ, chức danh trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thược trung ương, huyện, thị xã, quận, thành phố trực thuộc trung ướng , trong biên chế theo nhiệm kỳ thông qua hình thức bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Công chức là những công dân Việt Nam làm việc trong cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện, Nhà nước, làm việc trong các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân (không phải hạ sỹ quan, sỹ quan chuyên nghiệp) trong biên chế được tuyển dụng và bổ nhiệm và được hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước.
2. Chứng khoán và Đầu tư chứng khoán là gì
Theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019, Chứng khoán và đầu tư chứng khoán được hiểu như sau:
Theo quy định tại khoản 1 điều 4: Chứng khoán là một loại tài sản có thể giao dịch. Bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng chỉ quyền, quyền mua cổ phẩm, chứng chỉ quyền có đảm bảo, chứng chỉ lưu ký; chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác được quy định bởi Chính phủ.
Cũng tại Điều 4 Luật chứng khoán 2019, tại Khoản 15 quy định Đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, năm giữ chứng khoán của nhà đầu tư (các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán – Khoản 16).
3. Cán bộ công chức có được đầu tư chứng khoán không?
Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định về những việc không được phép làm của cán bộ, công chức, viên chức như sau:
Điều 37. Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm
- Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:
- a) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;
- b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;
- d) Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
đ) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị vì vụ lợi.
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
- Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
Như vậy, Pháp luật Việt Nam hiện hành không hạn chế việc cán bộ, công chức, viên chức đầu tư chứng khoán, mua cổ phần, cổ phiếu. Các đối tượng này được phép tham gia các công ty cổ phần với tư cách là cổ đông góp vốn.
Trên đây là những tư vấn của A&S Law về vấn đề đầu tư chứng khoán đối với cán bộ, công chức. Nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề pháp luật doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu hoặc các vấn đề về sở hữu trí tuệ, vui lòng liên hệ với chúng tôi!