Về chủ thể khiếu nại (người khiếu nại), theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 thì người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại. Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân. Theo quy định này, có một số điểm cần lưu ý:
Đối với chủ thể khiếu nại là công dân: Quyền khiếu nại của công dân đều được quy định tại các bản Hiến pháp qua các thời kỳ, đặc biệt Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Có thể thấy, quy định tại Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng chủ thể khiếu nại từ “công dân” ở những bản Hiến pháp trước đây thành “mọi người”, từ quy định này và quy định về người khiếu nại tại Luật Khiếu nại năm 2011 cho thấy không chỉ riêng công dân Việt Nam mà người nước ngoài cũng có quyền được bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình khi sống và làm việc tại Việt Nam. Theo đó, khi có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì công dân Việt Nam và người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng đều có quyền khiếu nại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết. Như vậy, chủ thể khiếu nại theo quy định của pháp luật bao gồm công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với chủ thể khiếu nại là cơ quan, tổ chức: Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân. Việc quy định cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại xuất phát từ thực tiễn qua công tác quản lý nhà nước cho thấy các cơ quan, tổ chức cũng bị tác động, bị ảnh hưởng bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; do đó, nếu có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức mình bị xâm phạm thì cơ quan, tổ chức đó cũng có quyền khiếu nại. Việc khiếu nại của cơ quan, tổ chức được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó.
Đối với chủ thể khiếu nại là cán bộ, công chức: Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 thì cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Về chủ thể tố cáo (người tố cáo): Luật Tố cáo năm 2018 quy định người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo. Không giống với quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, chủ thể tố cáo chỉ có thể là cá nhân (không có cơ quan, tổ chức), bao gồm công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam (như đã phân tích ở trên). Bên cạnh đó, Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Như vậy, chủ thể tố cáo có thể là bất kỳ ai tố cáo về việc bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không nhất thiết phải tố cáo việc liên quan tới mình hoặc gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khác với Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 không quy định việc ủy quyền trong tố cáo mà người tố cáo phải tự mình thực hiện quyền tố cáo, không được ủy quyền cho bất cứ cá nhân nào khác thực hiện việc tố cáo thay cho mình.
Vũ Thị Minh Ngân
(Sở Tư pháp)