Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 (không quá 3 hecta đối với tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, không quá 2 hecta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố khác) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và phải có phương án sử dụng đất trồng lúa trừ trường hợp người nhận, tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
Các đại biểu cho rằng, hiện nay, việc khuyến khích đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, tạo điều kiện để phát triển Cánh đồng lớn. Việc làm đất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đã cơ giới hóa gần 100%, sử dụng phương tiện bay để bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khá phổ biến…
Vì vậy, quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với xu thế phát triển cơ giới hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, canh tác cây lúa hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân được chuyển nhượng thuận tiện hơn hoặc chuyển đổi nghề bảo đảm cuộc sống.
Tán thành quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là một là quy định rất nhân văn và hợp lý. Bởi, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều bất cập liên quan tới vấn đề này.
“Đối với trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế, hợp tác xã là phù hợp. Còn trong hạn mức thì trao quyền cho người ta mua bán, trao đổi, tặng hoặc thuê mướn mà vẫn thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước thì đều được. Vấn đề này được đông đảo nhân dân, cử tri ủng hộ”, đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định.
Đa số các đại biểu đều cho rằng, quy định này phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay, đồng thời, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới, nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp nói chung của đất nước.
Đồng tình với quan điểm quy định vừa bảo đảm công tác kiểm soát để tránh việc lợi dụng chính sách đầu cơ đất nông nghiệp, một mặt vẫn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chủ trương tại Nghị quyết 18-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương, tuy nhiên, đại biểu chị Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ băn khoăn, việc yêu cầu phải thành lập tổ chức kinh tế có thể sẽ gây khó khăn cho người dân trong thực hiện theo quy định. Mặt khác, pháp luật doanh nghiệp cho phép cá nhân thành lập tổ chức kinh tế hoặc hoạt động theo hình thức đăng ký hộ kinh doanh.
Do vậy, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị xem xét quy định đối với cá nhân thì quy định có phương án sử dụng đất trồng lúa là phù hợp, không bắt buộc phải thành lập tổ chức kinh tế để thuận lợi cho người dân và phù hợp với pháp luật doanh nghiệp.
Đồng thời bổ sung quy định cụ thể trường hợp cá nhân nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa từ người thuộc hàng thừa kế thì không phải xây dựng phương án sử dụng đất trồng lúa không, để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội kiến nghị, cần đánh giá thật kỹ những tác động của quy định này. Cùng với đó, mở rộng đối tượng, hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đại biểu Trúc Anh nói: “Tôi nghĩ là chúng ta nên mở rộng hình thức mua chuyển nhượng đất nông nghiệp và khi phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì chúng ta nên cho nhà đầu tư được quyền phát triển dự án”.
Đa số đại biểu đều nhận định, dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải quyết được nhiều các vấn đề lớn có ý kiến khác nhau tại Kỳ họp 6, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích các bên trong quan hệ đất đai, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm rõ nét. Nhiều chế định mới khắc phục được các vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đặc biệt đối với quy định nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cần quy định theo hướng bảo đảm cho công tác quản lý đất trồng lúa chặt chẽ mà vẫn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đồng thời tránh lợi dụng chính sách làm ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế – xã hội.