Sắn là cây trồng phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên người trồng sắn thường chủ yếu mới sử dụng củ sắn để ăn, tinh bột sắn để làm bánh kẹo, mì chính, . . .. Lá sắn thường được để gìà, khô rụng xuống đất, bỏ phí. Trong khi chúng là một nguồn thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thê sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi (trâu bò, dê, lợn, gà vịt, . . .) rất tốt.
Lá sắn có hàm lượng đạm khá cao (20-25% trong vật chất khô) với nhiều chất bột, chất khoáng và vitamin. Chất đạm của lá sắn có khá đầy đủ các acid amin cần thiết, giàu lysin nhưng thiếu methionin. Trong lá sắn ngoài các chất dinh dưỡng, cũng chứa một lượng độc tố [HCN] đáng kể. Các giống sắn ngọt có 80-110 mg HCN/1 kg lá tươi. Các giống sắn đắng chứa 160-240 mg HCN/1 kg lá tươi. Lá sắn ngọt là một loại rau bổ dưỡng có chứa nhiều chất đạm, canxi, caroten, vitamin B1, C. Acid cyanhydric (HCN) rất độc, vì vậy, nếu cho vật nuôi ăn trực tiếp lá sắn tươi chúng có thể bị ngộ độc, thậm chí gây chết.
Ủ chua lá sắn là một biện pháp chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn thô xanh thông qua quá trình lên men yếm khí. Nhờ sự lên men của các vi sinh vật, tạo ra axít lactic và một lượng nhất định các a xít hữu cơ khác và qua quá trình ủ chua hàm lượng độc tố acid cyanhydric (HCN) có trong lá sắn giảm xuống chỉ còn 32-34 mg/kg (theo tiêu chuẩn quốc tế giới hạn cho phép không được quá 57 mg/kg), như vậy hàm lượng độc tố acid cyanhydric đã giảm xuống dưới mức cho phép nên không còn gây nguy hiểm cho vật nuôi nữa. Do vậy khi cho vật nuôi ăn sẽ rất an toàn. Không những thế mà lá sắn ủ chua còn kích thích cho hệ thống tiêu hoá của vật nuôi tốt hơn.
Để ủ chua lá sắn thành công chúng ta cần chú ý những vấn đề sau:
1. Chuẩn bị nguyên liêu dùng để ủ chua lá sắn:
– Lá sắn tươi: 100 kg.
– Cám gạo hoặc bột sắn, bột khoai: 5 kg.
– Muối ăn: 0,5 kg.
2. Vật liệu dùng để ủ:
Có thể dùng túi Nilon, bể xây, đào hố trong đất, thùng phi để ủ. Hố ủ có thể hình vuông, chữ nhật, hoặc hình tròn (tốt nhất nên dùng hố ủ hình tròn để tránh các góc cạnh khi ủ sẽ nén được chặt thức ăn), có thể xây nổi hoặc đào chìm.
Hố ủ hoặc bể ủ cần phải sạch sẽ, chắc chắn ở nơi cao ráo, thoát nước đảm bảo không cho nước, không khí ngấm, lọt vào hố ủ sẽ làm hỏng thức ăn ủ chua.
3. Cách tiến hành:
Lá sắn thu hoạch về phơi nhẹ trong bóng râm (cứ 2 giờ cần đảo 1 lần để lá héo đều), dùng máy phay hoặc dao băm thành đoạn dài 10-15 cm. Sau đó trộn đều với cám/bột sắn/bột khoai và muối ăn. Sau khi trộn xong ta tiến hành ủ chua.
– Ủ lá sắn trong hố ủ: Dưới đáy hố ủ rải một lớp rơm dày khoảng 10-15 cm, lót một lớp lá chuối và cuối cùng là tấm nilon hoặc vải bạt tránh cho đất, cát lẫn vào thức ăn và để cho quá trình lên men yếm khí được tốt hơn.
Sau khi đã chuẩn bị xong hố ủ ta bắt đầu cho thức ăn ủ chua vào trong hố thành từng lớp dày 10-15 cm, cho thức ăn đến đâu dậm nén chặt đến đó và rắc đều lên trên mỗi lớp một lượt cám/bột sắn/bột khoai và muối ăn. Cứ làm như vậy cho đến khi thức ăn đầy hố ủ. Rắc một lớp cám và muối lên trên cùng của khối ủ để tạo cho quá trình nên men được tốt nhất. Sau đó rải một lớp rơm 10-15 cm trên bề mặt, lấp đất kín hố ủ hoặc tủ kín khối ủ lại và che đậy tránh không cho nước mưa vào trong hố ủ.
– Ủ lá sắn trong túi Nilon: Sau khi thức ăn đã được chuẩn bị xong cho thức ăn vào trong túi ủ, vừa cho vừa nén cho thật chặt giống như cho thức ăn vào hố ủ, tránh làm rách túi Nilon. Nếu túi bị rách quá trình lên men Lactic sẽ bị trở ngại quá trình ủ chua sẽ không thành công. Sau khi thức ăn ủ chua đầy túi ủ ta cũng rắc một lớp cám mỏng và muối trên cùng, buộc chặt miệng túi lại và cất thức ăn ủ chua vào trong chỗ râm mát. Tránh làm rách túi Nilon. Nếu túi bị rách quá trình lên men Lactic sẽ bị trở ngại quá trình ủ chua sẽ không thành công.
Phải tạo cho khối ủ luôn trong điều kiện yếm khí, vì khi trong khối ủ có nhiều không khí, quá trình lên men thối xuất hiện và tăng cường, sẽ làm hỏng thức ăn. Điều đó giải thích tại sao chúng ta cần phải nén khối thức ăn chăn nuôi cẩn thận để loại hết không khí tồn tại trong các khe giữa các mẩu thức ăn ủ
4. Thời gian ủ:
Khoảng 72 giờ sau khi đóng khối ủ, quá trình lên men yếm khí sẽ dừng lại. Mùa hè: Sau khi ủ 7-10 ngày, mùa đông 10-15 ngày có thể lấy thức ăn ủ chua ra cho trâu bò ăn. Thức ăn ủ chua thành công sẽ có màu vàng và thơm như dưa cải muối.
5. Cách sử dụng lá sắn ủ chua:
Ban đầu phải cho vật nuôi tập ăn ít một rồi mới tăng dần lên. Lấy lượng vừa phải theo nhu cầu từng bữa, sau đó lại buộc chặt miệng túi lại hoặc tủ kín hố/khối lá sắn ủ lại như cũ tránh để cho không khí lọt vào làm thức ăn bị hỏng.
Kết luận
Lá sắn có hàm lượng các chất dinh dưỡng khá cao (hàm lượng đạm lên tới 20-25% khối lượng chất khô), nếu vứt đi thì thật lãng phí, tuy nhiên nếu cho vật nuôi ăn trực tiếp lá sắn tươi chúng có thể bị ngộ độc, thậm chí gây chết. Ủ chua lá sắn để sử dụng làm thức vật nuôi sẽ tận dụng được nguồn thức ăn này mà vẫn an toàn cho chúng.Lá sắn ủ chua có thể bảo quản trong thời gian 5-6 tháng, dự trữ làm thức ăn bổ sung protein cho vật nuôi rất tốt.
Nguồn tin: Sở Nông nghiệp và PTNT