Chia sẻ tại tọa đàm “Góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế” do VCCI và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 23/9, nhiều doanh nghiệp đồng nhất ý kiến đề xuất bỏ giới hạn diện tích tối đa khu công nghiệp được chấp thuận đầu tư trong mỗi giai đoạn.
ĐỀ XUẤT BỎ GIỚI HẠN DIỆN TÍCH ĐẤT
Bà Nguyễn Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An chia sẻ, quy định này chưa phù hợp với pháp luật hiện nay và tình hình thực tế, không có sự thống nhất với Luật Đầu tư 2020.
Cụ thể, theo bà Liên, hiện tại Luật Đầu tư không đặt ra giới hạn diện tích từng giai đoạn của bất kỳ dự án đầu tư nào. Bên cạnh đó, việc giới hạn diện tích khu công nghiệp không thuộc danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật đầu tư.
Mặt khác, tham khảo các quốc gia trong khu vực, năm 2020 Indonesia lập khu công nghiệp quy mô 4.000ha để thu hút đầu tư của các công ty Mỹ di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay chưa có khu công nghiệp tập trung nào có quy mô tương đương như trường hợp của Indonesia để cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Bà Liên cho rằng, Dự thảo cần tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp có quy mô diện tích đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp FDI trong việc xây dựng khu liên hợp sản xuất có diện tích từ 1.000 ha trở lên.
Đồng quan điểm, chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Hồng Điệp – TGĐ KCN Nam Cầu Kiền cũng cho biết, không nên quy định giới hạn đầu tư khu công nghiệp với diện tích dưới 500ha, với những địa phương có quỹ đất lớn và điều kiện hạ tầng tốt, nên cho phép phát triển các khu công nghiệp quy mô trên 1.000 ha để thu hút các liên hiệp nhà máy đầu tư sản xuất lớn.
Trong khi đó, góp ý tới dự thảo Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Becamex cũng cho rằng, lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư nên nếu đưa nội dung giới hạn về quy mô là không phù hợp.
“Việc xem xét, đánh giá phải tùy thuộc điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương và theo nhu cầu thực tiễn của địa phương theo từng giai đoạn” – đại diện Becamex chia sẻ.
Vị đại diện lấy dẫn chứng, các khu công nghiệp mà Samsung đầu tư tại Bắc Giang, Thái Nguyên đều trên 500ha. Bên cạnh đó, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp ngày càng nhiều và đòi hỏi quy mô ngày càng lớn như trường hợp các nhà máy Giga của Tesla.
CHỈ NÊN GIỚI HẠN DIỆN TÍCH ĐẤT NÔNG NGHIỆP ĐƯỢC CHUYỂN ĐỔI
Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, ông Lương Duy Hanh – Đại diện Vụ pháp chế Bộ TN&MT cho biết, Bộ đã có kiến nghị tháo gỡ tuy nhiên hiện quy định này đang gặp một số vướng mắc. Đơn cử như khu công nghiệp chuyển đổi quyền sử dụng đất từ 500ha đất nông nghiệp thì thẩm quyền thuộc Quốc hội.
Theo ông Hanh, hiện nay để có một dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã cần có danh mục khu công nghiệp rồi. Và trong đó quy định rõ về diện tích, nhiều dự án có diện tích lớn hơn 500ha, nếu theo giới hạn như đề xuất trong Nghị định 82 sửa đổi, bắt buộc phải phải tách làm 2 dự án để đầu tư.
“Bộ KH&ĐT đã có lý giải về việc mỗi khi chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp, giới hạn 200ha/lần để tránh các nhà đầu tư kém năng lực. Điều này sẽ làm gia tăng cơ chế “xin – cho”. Bộ TN&MT cũng đã có kiến nghị cấp chủ trương đầu tư một lần với dự án có diện tích trên 500ha, nhưng chuyển mục đích sử dụng đất có thể quy định giới hạn như trên” – ông Lương Duy Hanh cho biết.
Cũng theo ông Hanh, đại dịch COVID – 19 đã cho thấy mô hình khu công nghiệp sinh thái và khu công nghiệp đô thị – dịch vụ với diện tích lớn đã phát huy những ưu việt, mô hình này phù hợp với cả những mô hình trên thế giới.
“Bộ TN&MT cũng đã có đề nghị 2 loại hình trên được bổ sung vào danh mục có thời hạn đầu tư dài hơn trong quy định của Nghị định 82” – ông Hanh khẳng định.