Quy định thành lập doanh nghiệp có quá dễ dãi hay không? Có nên có chương riêng về doanh nghiệp nhà nước? Đó là hai vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm khi Quốc hội thảo luận ở tổ sáng 28-5 về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Tạo thuận lợi nhưng phải tăng hậu kiểm
Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp, điều kiện để đăng ký thành lập doanh nghiệp của doanh nghiệp cá thể là có bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác. Nhiều ĐB đều cho rằng, sự thông thoáng, đơn giản là cần thiết để người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm từ đó làm giàu cho bản thân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế. Tán đồng những quy định này, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị Chính phủ phải quy định rõ danh mục kinh doanh bị cấm và danh mục ngành kinh doanh có điều kiện. Về việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh, theo ĐB Trần Du Lịch, không ghi là hợp lý, vì “cấp giấy đăng ký kinh doanh cũng giống như làm khai sinh cho con, trong tương lai nếu nó ăn trộm, cướp là chuyện khác” còn nếu vì vi phạm mà “truy tố người cấp giấy khai sinh, giấy đăng ký doanh nghiệp thì không ai dám cấp cả”. Các ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM), ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM), cũng ủng hộ quan điểm của ĐB Trần Du Lịch vì điều đó thể hiện quyền tự do kinh doanh.
Các ĐB Đỗ Văn Đương, Võ Thị Dung, Trần Thanh Hải, Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lại lo ngại về sự thông thoáng, dễ dãi này bởi nhiều doanh nghiệp được lập nên không làm ăn chân chính, chụp giật nhiều, vi phạm pháp luật.
ĐB Võ Thị Dung đề nghị cần chặt chẽ trong việc cho phép thành lập doanh nghiệp, ví dụ như cần phải tìm hiểu, thẩm định một số bước trước khi doanh nghiệp được thẩm định để góp phần tránh rủi ro về sau.
Để vừa tạo sự thông thoáng trong lập doanh nghiệp nhưng ngăn ngừa được doanh nghiệp vi phạm, đa số ĐB đều đồng tình với việc cần tăng cường công tác hậu kiểm của các cơ quan cấp giấy phép, thuế, môi trường. Giám đốc Công an TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần quy định rõ việc hậu kiểm và trách nhiệm đối với việc hậu kiểm của các cơ quan thì mới tránh được tình trạng này. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, các cơ quan thuế, tài nguyên môi trường, lao động… đóng vai trò quan trọng trong hậu kiểm nhưng việc này lâu nay “chúng ta phân tán trách nhiệm”. Thành lập dễ nhưng hậu kiểm đang lúng túng, do vậy cần phải nhấn mạnh nội dung hậu kiểm trong dự luật.
DNNN có nên có chương riêng?
Một điểm gây nhiều tranh luận khác nhau là việc nên hay không có chương riêng về DNNN trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Theo ĐB Trần Du Lịch, điều này là không cần thiết vì nó thể hiện ngược quan điểm là tạo môi trường kinh doanh sòng phẳng, bình đẳng. Chẳng hạn, với doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước khi kinh doanh trên thị trường thì phải tuân thủ quy định như mọi tổ chức khác để tạo sự bình đẳng. Việc bổ sung một chương, mục riêng quy định về DNNN có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là luật chung về thành lập, tổ chức và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. ĐB Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng không nên có chương mới về DNNN trong luật để tránh đối xử, phân biệt.
Còn nhiều băn khoăn
Cũng trong buổi sáng, Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Theo ĐB Trần Du Lịch, dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, cần phải giải quyết được 3 việc. Thứ nhất là phải quy định Nhà nước được kinh doanh lĩnh vực gì, bởi tư nhân được làm những gì pháp luật không cấm nhưng Nhà nước chỉ kinh doanh lĩnh vực được cho phép. Tiếp đến giải quyết vấn đề đang tồn tại là lực lượng DNNN đang tái cấu trúc và luật này phải chế định xử lý tồn tại này cũng như thể hiện quan điểm phải chế định mô hình quản trị DNNN trong lâu dài. Cuối cùng là dự luật phải giải quyết vấn đề về bộ chủ quản vì đang bị biến dạng. Các nghị quyết trung ương đã đề cập nhiều nhưng không làm được và dường như không ai muốn DNNN tách khỏi các bộ.
Từ thực tế này, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, nếu điều hành doanh nghiệp tư nhân không có vốn là làm thuê còn hiện nay việc bổ nhiệm, ví dụ như tổng giám đốc, hiện nay là viên chức. Và chức danh này thực tế làm thuê hay làm chủ cũng chưa rõ.
Chia sẻ về vấn đề này, theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM), dự luật chưa rõ đối tượng quản lý là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hay doanh nghiệp mà Nhà nước nắm chi phối. Trong khi Việt Nam đang tiến hành cổ phần hóa và có chia các tỷ lệ nắm giữ khác nhau, do vậy cần phân định cách thức quản lý với những doanh nghiệp mà Nhà nước đầu tư 51% trở lên, còn dưới 51% thì cần có cách thức quản lý khác. Bên cạnh đó, luật cũng cần có quy định sao cho nâng tính tự chủ của DNNN.
Dù đồng tình với sự cần thiết ban hành luật này nhưng ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cũng cho rằng dự luật chưa làm rõ khái niệm về quyền trách nhiệm đại diện chủ sở hữu và việc giám sát hoạt động đầu tư mới dừng ở giám sát quá trình mà chưa giám sát hiệu quả đầu tư.
NGỌC QUANG – BẢO VÂN