Theo quy định tại khoản 2, điều 141 Luật Doanh nghiệp 2015: “Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào”.
Tuy nhiên, khi luật doanh nghiệp sửa đổi 2020 có hiệu lực ngày 01/01/2021 thì doanh nghiệp tư nhân có thể phát hành chứng khoán khi được chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Đây là một trong số các nội dung quan trọng vừa được thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV.
Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty CP hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định hiện hành việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Điều 199 Luật doanh nghiệp 2014, theo đó là doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp chuyển đổi không bị cấm đầu tư kinh doanh;
– Tên của doanh nghiệp chuyển đổi được đặt theo đúng quy định của pháp luật;
– Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp khi đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi hợp lệ;
– Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp khi đăng ký doanh nghiệp chuyển đổi theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.
– Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu) hoặc thành viên (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên);
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Như vậy, doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể được chuyển đổi thành công ty TNHH mà không thể chuyển đổi thành các loại hình như cổ phần hay hợp danh.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu huy động vốn hoặc tham gia giao dịch chứng khoán thì doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi gián tiếp lên công ty cổ phần qua công ty trách nhiệm hữu hạn, điều này gây không ít phiền hà, tốn kém và mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp. /.