II. PROTEIN:
– Protein hay còn gọi là chất đạm là chất cần thiết nhất trong mọi sinh vật và thực vật với vai trò tham gia vào thành phần của nguyên sinh chất trong tế bào sống. Ngoài cấu trúc cơ thể, protein còn tham gia vào các nhóm chất có hoạt tính sinh học cao như enzym, hoocmon để điều khiển quá trình trao đổi chất và quá trình sống, đồng thời tham gia vào hệ thống bảo vệ cơ thể như tế bào bạch huyết, kháng thể… Protein còn đóng vai trò quan trọng trong sinh sản, tạo tinh trùng và trứng.
– Các nguyên liệu chứa nhiều protein như: Đạm động vật (bột cá, bột thịt, bột huyết, bột sữa, bột tôm tép,…), đạm thực vật (các loại khô đậu nành, xanh, phộng,…). Không nên sử dụng nhiều đạm động vật trong khẩu phần thức ăn cho gà vì giá thành cao, đạm thực vật có giá thành rẻ hơn và cho sản phẩm thơm hơn nhưng cần phải chú ý đến hiện tượng nấm mốc vì sẽ gây những hậu quả ngộ độc, hủy hoại gan, chậm lớn, giảm năng suất nuôi,… bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến vấn đề loại bỏ chất đối kháng dinh dưỡng có trong khô đậu nành bằng cách xử lý qua nhiệt độ cao.
– Tỷ lệ protein chiếm 15 – 35% trong khẩu phần. Sử dụng thức ăn để cung cấp protein thực chất là cung cấp axit amin cho cơ thể theo nhu cầu duy trì và thay thế những tế bào thoái hóa, nhu cầu cho sự tăng trưởng, sự sinh sản, đẻ trứng (trong đó nhu cầu cho tăng trọng ở gia cầm non là nhiều hơn cả, tiếp theo là tạo trứng và đẻ trứng). Đối với gia cầm, trong số các axit amin thiết yếu có một số axit amin giới hạn thường chứa ít trong nguyên liệu như Methionin, Lysin, Tryptophan, Threonin, Arginin,… thường được bổ sung vào thức ăn vừa đủ (khoảng 0,1 – 0,2%) để thay thế cho các đạm động vật và đạm thực vật để giảm giá thành sản xuất thịt và trứng mà vẫn đảm bảo sự phát triển của gia cầm.