1. Khái quát về bệnh herpes sinh dục
Bệnh herpes sinh dục thuộc nhóm lây truyền qua đường tình dục do 2 chủng của virus HSV gây ra là HSV-1 và HSV-2. Bệnh gồm 2 giai đoạn: sơ nhiễm và tái phát.
Ở giai đoạn sơ nhiễm, người bệnh ít khi có triệu chứng, nếu xuất hiện triệu chứng thường bị sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi mụn nước ở vùng sinh dục, mụn nước vỡ tạo thành các vết loét chứa dịch hôi gây đau đớn cho người bệnh. Giai đoạn này thường kéo dài 2 – 6 tuần.
Người bị herpes sinh dục dễ bị nổi mụn rộp thành từng đám có chứa nước hoặc mủ bên trong
Giai đoạn tái phát, người bệnh sẽ bị ngứa rát và đau nhức ở vị trí nổi mụn nước rõ ràng hơn nhưng thời gian kéo dài của các triệu chứng bệnh ngắn hơn. Yếu tố kích thích bệnh tái phát gồm: thường xuyên quan hệ, bị chấn thương, sốt,…
Trẻ sơ sinh có thể lây nhiễm herpes sinh dục từ mẹ qua nhau thai (hiếm gặp) hoặc lây qua tiếp xúc với dịch tiết âm đạo của mẹ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự sống của trẻ.
2. Cách chăm sóc sức khỏe khi mắc herpes sinh dục
2.1. Chăm sóc y tế
Ngay khi có triệu chứng nghi ngờ herpes sinh dục người bệnh nên chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám, chẩn đoán xác định bệnh. Bác sĩ sẽ căn cứ trên các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, chỉ định các xét nghiệm cần thiết để có kết quả đưa ra phác đồ điều trị cho người bệnh và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe khi mắc herpes.
Bệnh herpes sinh dục không thể điều trị triệt để mà chỉ điều trị khỏi bệnh theo từng giai đoạn. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh nên các biện pháp điều trị chính là dùng thuốc kháng virus để vết loét nhanh lành, các triệu chứng nhanh kết thúc và giảm thiểu tần suất tái phát bệnh.
Các loại thuốc bôi kháng virus được dùng để điều trị herpes sinh dục giúp giảm triệu chứng, giảm thiểu lây lan, có thể dùng ngay khi mụn rộp xuất hiện nhưng ít dùng hơn so với thuốc kháng virus đường uống.
Thai phụ bị herpes sinh dục có thể sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc kháng virus ở giai đoạn cuối của thai kỳ để ngăn chặn tái phát đợt kế tiếp. Nếu bệnh có thể gây ảnh hưởng cho thai nhi và đã gần cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ đề nghị mổ lấy thai để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Nếu có triệu chứng nghi ngờ bị herpes sinh dục cần khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị
2.2. Chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì người bệnh cũng cần thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc tổn thương trên da. Đặc trưng của mụn nước do herpes sinh dục là dễ vỡ nên nhiễm trùng có cơ hội xâm lấn các vùng da lành. Vì thế, việc sát khuẩn vết thương là không thể bỏ qua. Các dung dịch thường được dùng để sát khuẩn là: povidon-iod, xanh methylen,…
Các biện pháp chăm sóc sức khỏe khi mắc herpes cũng góp phần cải thiện sức đề kháng, hỗ trợ quá trình điều trị sớm đạt hiệu quả tối ưu. Vì thế, trong quá trình điều trị bệnh, người bệnh nên:
– Vệ sinh cơ thể
+ Tắm bằng nước ấm và dùng chất tẩy rửa dịu nhẹ, tránh kích ứng.
+ Mặc quần áo rộng rãi và hút ẩm tốt.
+ Giữ khu vực bị tổn thương luôn trong trạng thái khô ráo, được vệ sinh sạch.
+ Không đụng chạm vào vết loét, nếu có tiếp xúc với vết loét thì ngay sau đó cần rửa tay thật kỹ.
– Chế độ dinh dưỡng
+ Bổ sung thực phẩm giàu vitamin, chất dinh dưỡng để cải thiện hệ miễn dịch và sức đề kháng để cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây hại và ức chế virus phát triển như: sữa, thịt, đậu, trứng, rau xanh, trái cây tươi,…
+ Bổ sung mỗi ngày 2 – 3 lít nước để đảm bảo chức năng đào thải độc tố của cơ thể hoạt động tốt.
+ Hạn chế ăn thực phẩm có tính nóng để tránh kích thích mụn rộp phát triển, vết lở loét trở nên nghiêm trọng.
+ Tránh dùng chất kích thích, đồ uống có cồn,… vì chúng khiến hệ miễn dịch không hoạt động hiệu quả, việc điều trị gặp khó khăn hơn.
Trong quá trình chăm sóc sức khỏe khi mắc herpes sinh dục cần nhớ vệ sinh sạch vùng tổn thương do virus gây ra
– Chăm sóc tinh thần
+ Ngủ đủ giấc: giai đoạn mắc herpes cơ thể thường rất mệt mỏi nên người bệnh cần duy trì ngủ đủ giấc theo nhu cầu của cơ thể để tránh rơi vào trạng thái tinh thần khó chịu do thiếu ngủ.
+ Luyện tập thể thao bằng hoạt động yêu thích và vừa sức để cải thiện thể trạng.
+ Thư giãn bằng cách giao tiếp, tâm sự với bạn bè để quên đi những khó chịu mà mình đang vướng phải trong giai đoạn mắc bệnh. Ngoài ra, lựa chọn những việc làm ưa thích như: nghe nhạc, uống trà,… cũng sẽ cải thiện tâm trạng để giảm thiểu sự khó chịu với herpes sinh dục.
Để việc chăm sóc sức khỏe tại nhà trong quá trình bị herpes diễn ra thuận lợi, người bệnh cũng nên nói chuyện với bạn tình về hiện trạng mà mình đang gặp phải. Trò chuyện cởi mở, chia sẻ để đối phương biết về cảm giác của mình trong giai đoạn này cũng là cách để có được tinh thần thoải mái, cùng nhau vượt qua những ảnh hưởng của herpes.
– Đối với đời sống chăn gối
Tốt nhất không nên quan hệ tình dục trong giai đoạn các triệu chứng của bệnh herpes sinh dục đang bùng phát. Đây là bệnh lý rất dễ lây lan dù không có bất cứ triệu chứng nào. Vì thế, khi đã được chẩn đoán mắc bệnh, hãy cố gắng đợi đến khi điều trị kiểm soát tốt virus thì mới quan trở lại đời sống chăn gối và cần dùng bao cao su để bảo vệ cho chính mình cũng như bạn tình.
Chăm sóc sức khỏe khi mắc herpes từ khâu tinh thần, thể chất cho đến điều trị đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa nếu được kết hợp tốt sẽ giúp người bệnh sớm thoát khỏi các triệu chứng khó chịu do bệnh herpes sinh dục gây ra. Khả năng lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh nhờ đó cũng được giảm thiểu ở mức tốt nhất.
Thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đây hy vọng sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích với bạn đọc trong quá trình xử trí với herpes sinh dục. Mức độ bệnh của mỗi người không giống nhau nên để biết cách chăm sóc sức khỏe khi mắc herpes phù hợp, sớm có hiệu quả, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có được những tư vấn chính xác.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám để chẩn đoán chính xác herpes sinh dục có thể đến khám phụ khoa tại Chuyên khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Trước khi đến, quý khách có thể đặt trước lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56, chủ động sắp xếp khung thời gian phù hợp, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi để quá trình thăm khám diễn ra nhanh chóng hơn.