Atiso (tên tiếng anh là artichoke) loài cây được biết đến rất lâu về trước bởi thành phần chất dinh dưỡng và tác dụng có lợi của chúng với sức khỏe. Tuy nhiên cho đến hiện nay, vẫn có nhiều người chưa biết cách ăn atiso sao cho đúng và đành ngậm ngùi bỏ qua loại thực phẩm này. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng và những cách chế biến atiso đơn giản nhé!
Atiso là gì? Bộ phận sử dụng của atiso
Atiso là một loài thảo dược có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, được du nhập về Việt Nam và hiện nay được trồng nhiều ở những vùng có khí hậu mát lạnh như Đà Lạt, Sapa hay Tam Đảo.
Theo y học cổ truyền, hầu hết các bộ phận của atiso đều được dùng để làm thuốc, cụ thể như sau:
- Lá atiso thường có vị đắng, được thu hái để phơi khô rồi dùng làm trà hoặc sắc thuốc uống;
- Lá bắc và đế hoa (bộ phận thường được gọi là bông atiso) được dùng để nấu ăn hoặc dùng làm trà;
- Thân và rễ cây atiso cũng được dùng để làm thuốc theo Đông Y.
Tác dụng của atiso với sức khỏe
Atiso được mệnh danh là một loại siêu thực phẩm, một phần nhờ vào thành phần chất chống oxy hóa dồi dào của chúng. Ngoài ra, atiso cũng được nghiên cứu chứng minh mang lại nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe.
Ổn định huyết áp
Tăng huyết áp (hay huyết áp cao) có nguy cơ gây bệnh lý về tim mạch và đột quỵ. Một nghiên cứu đã chứng minh dịch chiết từ lá atiso có khả năng làm giảm huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp trung bình cao. Mặc dù chưa xác định chính xác nguyên nhân nhưng hàm lượng kali cao trong atiso cũng xem là yếu tố tích cực để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Giảm hàm lượng cholesterol máu
Một nghiên cứu đã chứng minh rằng atiso có tác dụng làm giảm lượng cholesterol máu. Tuy nhiên nghiên cứu này chỉ được thực hiện trên một quy mô nhỏ nên atiso chưa được đưa vào phương pháp điều trị rối loạn mỡ máu chính thức.
Tăng cường sức khỏe gan, mật
Thành phần chống oxy hóa trong gan mà điển hình là cynarin và silymarin có tác dung giúp loại bỏ độc tố và cải thiện, bảo vệ sức năng gan.
Một nghiên cứu đã cho thấy atiso có tác dụng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển tế bào gan, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu.
Thành phần dinh dưỡng dồi dào
Atiso được gọi là loại siêu thực phẩm vì chứa nhiều thành phần dưỡng chất đáng quý, đồng thời không chứa chất béo và ít natri, rất phù hợp để bổ sung vào chế độ ăn kiêng của nhiều người.
Thành phần dinh dưỡng trong mỗi bông atiso trung bình khoảng:
- 60 calo;
- > 1 g chất béo;
- 120 mg natri;
- 13 g carbs;
- 14 g protein;
- Chất xơ, vitamin C, folate, magie và nhiều chất chống oxy hóa khác.
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Vì giàu chất xơ, ít carb và chất béo nên atiso thường được dùng trong chế độ ăn kiêng của người bệnh tiểu đường. Bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp chế biến để có những cách ăn atiso khác nhau, như nấu canh, xào hay luộc,…
Cách ăn atiso đơn giản hơn với 4 cách chế biến khác nhau
Nhiều người khi mua bông atiso hoặc nhận được quà biếu là atiso thường hoang mang không biết cách ăn atiso như thế nào. Dưới đây là 4 cách chế biến bông atiso đơn giản mà bạn có thể áp dụng:
Cách nấu trà atiso thanh lọc, giải nhiệt
Để pha trà atiso thì bạn cần chuẩn bị một ít atiso khô và một chiếc ấm trà. Đầu tiên cho hoa atiso khô vào ấm và cho nước ngập mặt hoa để tráng trà, sau đó đổ bỏ phần nước tráng này đi. Sau vài lần tráng trà, bạn cho nước sôi vừa vào ngập mặt hoa để hãm trà, khoảng 3 – 5 phút là có thể có ngay ấm trà atiso để giải nhiệt, thanh lọc cơ thể.
Cách nấu canh bông atiso với giò heo
Nguyên liệu cần chuẩn bị: nửa ký giò heo, 100 g atiso tươi, hành ngò và gia vị các loại.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Giò heo mua về bạn cạo lông rồi rửa sạch, chặt thành từng khúc;
- Bước 2: Hoa atiso thì thì cắt thành 6 phần và loại bỏ phần nhuỵ hoa, rửa sạch;
- Bước 3: Hầm giò heo trong khoảng 20 phút đến khi thịt mềm thì cho atiso vào;
- Bước 4: Tiếp tục đun đến khi hoa atiso chín thì nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Lưu ý trong quá trình nấu canh, liên tục vớt bọt để nước canh được trong và ngon hơn. Cuối cùng trang trí thêm hành, ngò và một ít tiêu là có thể thưởng thức món canh atiso hầm với giò heo thơm ngon, bổ dưỡng.
Hấp: Cách ăn atiso đơn giản nhất
Nếu bạn không muốn mất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị thì cách ăn atiso đơn giản nhất là hấp.
Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm: Hoa atiso tươi, chanh tươi, đinh hương và gia vị.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch phần hoa atiso cho sạch và lưu ý nên nhẹ tay để tránh làm dập hoa;
- Bước 2: Cắt bỏ phần cuống hoa thì bộ phần này thường có vị đắng, khó ăn;
- Bước 3: Sau khi sơ chế sạch thì cho hoa atiso vào hấp cùng với các loại gia vị, đinh hương và một ít chanh tươi;
- Bước 4: Hấp trong khoảng 30 phút để atiso chín mềm thì tắt bếp. Món ăn này ăn cùng với nước tương, nước mắm ngon hoặc tương ớt đều rất ngon.
Cách nướng bông atiso đổi vị cho bữa ăn hàng ngày
Nếu đã ngán những cách ăn atiso thanh đạm như hấp hay nấu canh, bạn cũng có thể thử công thức nướng atiso sau đây:
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: hoa atiso, dầu oliu, 2 tép tỏi, một số loại thảo mộc như hương thảo, húng tây, lá nguyệt quế và một ít nước cốt chanh.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Cho các loại thảo mộc gồm hương thảo, húng tây vào một bát đựng dầu oliu. Sau đó cho bát nguyên liệu dầu thảo mộc này vào lò vi sóng, nhiệt độ cao trong 30 giây để làm ấm;
- Bước 2: Cắt đôi hoa atiso và chà các bề mặt của hoa với một ít chanh để hoa atiso không bị thâm do oxy hoá nếu để ngoài không khí lâu. Lưu ý bạn nên dùng muỗng để cạo sạch những sợi vụn và lá atiso nhỏ bên trong;
- Bước 3: Sau khi sơ chế thì bạn đem atiso đi hấp chín vừa, trong khoảng 15 phút;
- Bước 4: Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ cao. Sau đó dùng bàn chải để quét phần dầu thảo mộc lên toàn bộ hoa atiso. Cho hoa atiso đã tẩm qua dầu thảo mộc cùng với 2 tép tỏi vào lò nướng ở nhiệt độ cao trong khoảng 5 – 10 phút. Lưu ý lật trở đều để các mặt atiso được chín vàng.
Trên đây là những thông tin về dinh dưỡng của atiso mà nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến độc giả. Đồng thời cũng giúp bạn “bỏ túi” thêm những cách ăn atiso đơn giản mà lại bổ dưỡng, tăng cường sức khoẻ nhé!
Quỳnh Vi
Nguồn tham khảo: webmd.com