TạiKỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, cử tri TP. Hà Nội phản ánh, trong thời gian gần đây tại một số tỉnh, thành phố việc chi mua quà tặng nhân dịp lễ, dịp kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, thành phố với số tiền lớn gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Đề nghị Chính phủ có biện pháp chỉ đạo mạnh hơn để tránh tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này tại Công văn số 10321/BTC-HCSN, Bộ Tài chính cho biết, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó, tại Điều 4 Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg quy định: Nghiêm cấm việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để làm quà tặng không đúng quy định dưới mọi hình thức.
Đồng thời, tại Điều 19 Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg đã quy định:Cơ quan, đơn vị tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho công quỹ. Cá nhân tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định, tặng quà nhằm mục đích liên quan đến các hành vi tham nhũng quy định tại Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tuy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà không đúng quy định nhưng không báo cáo hoặc báo cáo không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người quyết định việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để làm quà tặng sai quy định, qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện thì phải bồi hoàn từ tiền của cá nhân cho công quỹ toàn bộ số tiền, giá trị hiện vật đã sử dụng làm quà tặng.
Các trường hợp đã tặng quà, nhận quà tặng sai quy định mà chủ động báo cáo, bồi hoàn, nộp lại trước khi bị phát hiện thì được xem xét miễn, giảm hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Không xét thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định tại Quy chế này.
Về thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn.
Cụ thể như: Quyết định số 365/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015; Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 17/2/2016 ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016; Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 398/QĐ-TTg ngày 31/3/2017 ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Trong các Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ đều xác định rõ: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi.
Thêm vào đó, tại các Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phù hợp với từng năm. Cùng với đó, Chính phủ đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Luật Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tại các Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi quản lý.
Trước đó, ngày 01/01/2017, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong đó, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ dự toán chi ngân sách nhà nước, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, lễ hội, mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền.
Bộ Tài chính cho biết, nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phì, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số trường hợp chưa thực sự quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm trong chi tổ chức lễ kỷ niệm, mua quà tặng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 4494/BTC-HCSN ngày 04/04/2017 trong đó có đề nghị cắt giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổ chức các lễ kỷ niệm, lễ khởi công, lễ khánh thành; không tổ chức các hội nghị, hội thảo có nội dung không thiết thực; chỉ đạo cơ quan tài chính và kho bạc nhà nước tăng cường công tác kiểm soát chi, rà soát quyết toán của các đơn vị để có biện pháp xử lý nếu có sai phạm.
Như vậy, các quy định pháp luật cũng như công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được đề cao, trong đó bao gồm cả việc quán triệt tinh thần tiết kiệm trong mua quà tặng, tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước. Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đề ra phụ thuộc rất lớn vào công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.