1. Công ty có được giữ bằng gốc của người lao động?
Các chứng chỉ nghề, bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ,… là những giấy tờ quan trọng thể hiện trình độ chuyên môn, học vấn của người lao động. Đối với một số vị trí, việc người lao động sở hữu bằng cao đẳng, đại học,… còn là yêu cầu bắt buộc.
Vì vậy, ngay từ khi nộp hồ sơ ứng tuyển, các nhà tuyển dụng đã yêu cầu nộp bản sao của các loại bằng cấp trên. Đây là yêu cầu hợp lý để có bằng chứng xác minh cho trình độ chuyên môn của người lao động.
Tuy nhiên, nếu nhận người lao động vào làm việc mà lại yêu cầu giữ bằng gốc của người đó thì phía công ty đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể:
Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Theo quy định này, việc giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động là hành vi trái pháp luật. Do đó, công ty không có quyền giữ bằng gốc của người lao động.
2. Bắt nhân viên nộp bằng gốc đại học, công ty bị phạt ra sao?
Như đã đề cập, người sử dụng lao động không được phép giữ bằng gốc đại học của nhân viên. Nếu cố tình đòi hỏi, ép nhân viên giao nộp bằng gốc, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
Theo đó, người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng. Trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi với số tiền từ 40 – 50 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Ngoài việc bị phạt tiền, người lao động còn buộc phải trả lại bằng gốc đã giữ của người lao động.
3. Lỡ giao bằng gốc cho công ty giữ, đòi lại thế nào?
Trường hợp lỡ giao bằng gốc cho công ty cất giữ rồi sau đó bị làm khó khi nghỉ việc, người lao động động có thể đòi lại văn bằng, chứng chỉ của mình theo một trong 02 cách sau:
Cách 1. Tố cáo.
Việc giữ bằng gốc của người lao động là hành vi trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Do đó, người lao động hoàn toàn có quyền gửi đơn hoặc tố cáo trực tiếp tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Nếu xác minh có vi phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt công ty theo quy định, đồng thời yêu cầu trả lại bằng gốc cho người lao động.
Cách 2. Khiếu nại.
Theo hướng dẫn tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP, đầu tiên, người lao động phải khiếu nại đến người sử dụng lao động. Việc khiếu nại có thể thực hiện bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp.
Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 24, thời gian giải quyết khiếu nại lần đầu là không quá 30 ngày hoặc 40 ngày đối với vụ việc phức tạp, tình từ ngày thụ lý.
Nếu quá thời hạn trên mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại của công ty, người lao động được quyền khiếu nại lần hai đến Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính để yêu cầu đòi bằng gốc.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu phát hiện vi phạm, thanh tra lao động sẽ xử phạt vi phạm và yêu cầu công ty trả lại bằng gốc cho người lao động.
Trên đây là những thông tin liên quan đến trường hợp công ty giữ bằng gốc của nhân viên. Mọi vướng mắc liên quan đến vấn đề này sẽ được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam giải đáp qua tổng đài 1900.6192 .
>> Có những văn bằng, chứng chỉ này sẽ được hưởng lương cao hơn