Công việc thời vụ dù ngắn hạn nhưng lại thu hút rất nhiều lao động do không đòi hỏi trình độ cao mà lại linh hoạt về thời gian. Tuy nhiên, ký trước khi đặt bút ký hợp đồng, cả người lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý những vấn đề sau.
1. Từ 2021, không còn hợp đồng mùa vụ thì ký loại hợp đồng nào?
Trước đây, khi có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, người sử dụng lao động và người lao động có thể ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021), loại hợp đồng này đã bị loại bỏ. Thay vào đó, tại Điều 20 Bộ luật Lao động chỉ ghi nhận 02 loại hợp đồng:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, nếu cần sử dụng lao động làm công việc thời vụ, các bên phải tiến hành ký hợp đồng lao động có thời hạn. Thời hạn cụ thể của hợp đồng này vẫn do người lao động và người sử dụng tự thỏa thuận: 01 tháng, 03 tháng, 06 tháng,… nhưng không quá 36 tháng.
2. Hợp đồng thời vụ có phải buộc lập thành văn bản?
Căn cứ Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019, hợp đồng lao động có thể được giao kết bằng một trong các hình thức sau:
– Bằng văn bản.
– Bằng thông điệp dữ liệu.
– Bằng lời nói.
Trong đó, hợp đồng lao động bằng văn bản hoặc thông điệp dữ liệu có thể áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng.
Còn hợp đồng lao động bằng lời nói chỉ được sử dụng cho hợp đồng dưới 01 tháng, trừ trường hợp giao kết hợp đồng với người giúp việc, người dưới 15 tuổi, nhóm người lao động thông qua người được ủy quyền để làm công việc dưới 12 tháng.
Do đó, khi ký hợp đồng lao động để làm công việc thời vụ, các bên phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản trong các trường hợp sau:
– Thuê người lao động làm từ đủ 01 tháng trở lên.
– Thuê người lao động dưới 15 tuổi (điểm a khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động năm 2019).
– Ký hợp đồng với người lao động làm giúp việc gia đình (khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động năm 2019).
– Ký hợp đồng với nhóm người lao động thông qua một người được ủy quyền (khoản 2 Điều 18 Bộ luật Lao động năm 2019).
Còn các trường hợp còn lại, các bên có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói.
3. Mẫu hợp đồng dùng cho công việc thời vụ mới nhất
Hợp đồng thời vụ cũng là hợp đồng lao động nên bắt buộc phải có đủ các nội dung chủ yếu được nêu tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động gồm:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Để tiện cho việc soạn thảo hợp đồng, bạn đọc có thể tham khảo mẫu hợp đồng thời vụ sau đây: Tải về
4. Có đóng bảo hiểm cho người lao động thời vụ không?
Theo quy định hiện hành, để biết được người lao động có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hay không thì cần căn cứ vào loại hợp đồng lao động mà người đó đã ký với người sử dụng lao động. Cụ thể:
* Bảo hiểm xã hội:
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Hằng tháng, cả người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng BHXH: Người lao động đóng 8%; người sử dụng lao động đóng 17,5%, bao gồm 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
* Bảo hiểm y tế:
Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì bắt buộc phải tham BHYT.
Hằng tháng, người lao động sẽ đóng 1,5% tiền lương tháng đóng BHXH, còn người lao động phải đóng 3% vào quỹ BHYT.
* Bảo hiểm thất nghiệp:
Căn cứ khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Mỗi tháng, người lao động và người sử dụng lao động đều phải đóng 1% tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ BHTN.
Như vậy, có thể thấy, nếu làm thời vụ mà ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên, người lao động sẽ được đóng đủ các loại bảo hiểm. Còn nếu chỉ ký hợp đồng từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì người lao động chỉ được đóng BHXH bắt buộc.
5. Đã ký hợp đồng thời vụ, nghỉ việc có dễ dàng?
Hợp đồng thời vụ thường mang tính chất ngắn hạn nên người lao động và người sử dụng lao động thường chỉ ký hợp đồng ngắn hạn từ 01 – 06 tháng.
Với những hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng, người lao động hay người sử dụng lao động đều có thể chấm dứt hợp đồng trước hạn khá dễ dàng. Cụ thể:
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng: Chỉ cần báo trước cho doanh nghiệp trước 03 ngày làm việc.
– Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng:
+ Phải có lý do mà luật quy định và báo trước cho người lao động biết trước 03 ngày làm việc.
+ Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc liên tục hoặc không trở lại sau thời hạn tạm hoãn hợp đồng: Được chấm dứt hợp đồng luôn không cần báo trước.
Căn cứ: Điều 35, Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.
–