Nắm rõ khi nào hợp đồng bảo hiểm vô hiệu là cách bảo vệ quyền lợi cá nhân và duy trì thời hạn tham gia lâu dài. Mặt khác, nếu như hợp đồng bảo hiểm không may bị mất hiệu lực thì có thể được khôi phục như ban đầu không? Điều kiện như thế nào? Hãy cùng Prudential tìm hiểu!
Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu ảnh hưởng thế nào?
Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, giữ vai trò rất quan trọng, bởi đây là cơ sở để công ty bảo hiểm căn cứ, chi trả quyền lợi cho người tham gia.
Khi một hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu thì giá trị pháp lý cũng mất đi. Lúc này, người mua bảo hiểm không thể nhận được quyền lợi tương ứng theo thoả thuận trong hợp đồng, dù cho sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.
Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu được chia thành 2 loại, đó là hợp đồng vô hiệu toàn phần và hợp đồng vô hiệu một phần.
-
Hợp đồng vô hiệu toàn phần xảy ra khi tất cả điều khoản và chính sách đã thỏa thuận trước đó, vi phạm quy định của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Điều này dẫn tới không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia ký kết.
-
Hợp đồng vô hiệu từng phần xảy ra khi một phần nội dung trong hợp đồng bị mất hiệu lực, nhưng không ảnh hưởng tới tính hiệu lực của phần còn lại trong giao dịch.
Hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực trong những trường hợp nào?
Không nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng có thể dẫn đến những vi phạm khiến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Vì vậy người tham gia bảo hiểm cần lưu ý tránh những trường hợp sau:
Không đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn
Khi nhu cầu mua bảo hiểm tăng cao, nhiều công ty đã linh hoạt trong chính sách đóng phí, cho phép người tham gia chi trả định kỳ theo tháng/quý/năm. Tuy nhiên, do chưa thật sự hiểu rõ nghĩa vụ đóng phí nên nhiều người đã không thanh toán phí bảo hiểm đều đặn cho công ty.
Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định, nếu bên mua bảo hiểm không đóng phí đúng hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể gia hạn đóng phí tối đa là 60 ngày, nhằm giúp người tham gia có thời gian chuẩn bị tài chính. Trong quá trình gia hạn, hợp đồng bảo hiểm vẫn duy trì hiệu lực, tức là người mua được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu rủi ro xảy ra.
Tuy nhiên, nếu hết thời gian gia hạn mà người tham gia vẫn chưa đóng phí thì phát sinh hai trường hợp sau:
Một là, hợp đồng bảo hiểm không có giá trị hoàn lại, đồng nghĩa hợp đồng bị vô hiệu và người tham gia không được hoàn phí bảo hiểm đã đóng.
Hai là, khi hết thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm mà người tham gia vẫn chưa đóng phí và cũng không có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ khấu trừ từ các khoản quyền lợi, bảo tức và lãi tích lũy chưa rút (nếu có) của hợp đồng. Từ đây phát sinh ra 3 trường hợp sau:
-
Trường hợp mức phí đóng cho một kỳ lớn hơn giá trị của các khoản quyền lợi, bảo tức và lãi tích lũy chưa rút, khoản phí bảo hiểm còn thiếu sẽ tạm ứng tự động từ giá trị tiền mặt* trừ nợ (nếu có) của hợp đồng, khi đó hợp đồng tiếp tục có hiệu lực.
-
Nếu giá trị tiền mặt trừ nợ vẫn không đủ để thanh toán mức phí một kỳ bảo hiểm, lúc này hợp đồng sẽ tự động chuyển đổi sang định kỳ đóng phí ngắn hơn (nhưng tối thiểu là hàng tháng) để tiếp tục tạm ứng từ giá trị tiền mặt trừ nợ (nếu có).
-
Nếu giá trị tiền mặt trừ nợ (nếu có) không đủ đóng phí bảo hiểm hàng tháng, sau khi hết thời gian gia hạn đóng phí thì hợp đồng chính thức mất hiệu lực.
* Giá trị tiền mặt là giá trị mà bên mua bảo hiểm nhận được khi thực hiện các giao dịch liên quan tới giá trị này, theo điều khoản và điều kiện trong hợp đồng.
Cung cấp thông tin không trung thực
Trong quá trình tham gia bảo hiểm, nghĩa vụ kê khai thông tin chính xác và đầy đủ là vô cùng quan trọng. Đây là điều kiện để công ty bảo hiểm đánh giá rủi ro, chấp nhận bồi thường quyền lợi cho người tham gia.
Nếu người mua cung cấp thông tin trung thực về tuổi tác, tình trạng sức khỏe và nghề nghiệp, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, công ty bảo hiểm tiến hành chi trả quyền lợi theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
Nếu người mua cố ý khai báo sai sự thật nhằm trục lợi, khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền không bồi thường cho người tham gia, đồng thời vô hiệu hóa hợp đồng.
Khoản tiền tạm ứng và nợ lãi tương ứng lớn hơn giá trị hợp đồng
Nếu hợp đồng bảo hiểm có giá trị tiền mặt thì người tham gia có thể yêu cầu công ty bảo hiểm tạm ứng tối đa 80% (sau khi trừ đi các khoản nợ nếu có).
Nếu rủi ro bất ngờ xảy ra thì người mua bảo hiểm được công ty chi trả quyền lợi theo đúng thỏa thuận, nhưng trước đó, công ty sẽ trừ đi phí tạm ứng và lãi suất cho khoản tạm ứng đó.
Trường hợp tổng khoản tạm ứng và nợ lãi tương ứng lớn hơn giá trị tiền mặt thì hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu. Lúc này, không có khoản phí nào phát sinh, cũng như không có quyền lợi bảo hiểm nào được bồi thường.
Nhờ người ký tên thay nhưng không có văn bản ủy quyền
Về cơ bản, người tham gia bảo hiểm/người được bảo hiểm phải trực tiếp ký tên vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Nếu bạn được người tham gia bảo hiểm ủy quyền để điền thông tin và ký tên trên hợp đồng bảo hiểm thì bắt buộc trước đó, bạn phải nhận được ủy quyền bằng văn bản theo đúng quy định pháp luật.
Trường hợp không có văn bản ủy quyền thì hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Người tham gia không thể nhận được quyền lợi bảo hiểm nếu chẳng may rủi ro xảy ra.
Đại lý bảo hiểm không nộp phí cho doanh nghiệp bảo hiểm
Hiện nay, có tình trạng đại lý bảo hiểm thu phí bảo hiểm đầy đủ của khách hàng nhưng không nộp lại cho công ty bảo hiểm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hiệu lực của hợp đồng, gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của người tham gia, mà còn tổn hại đến uy tín và hình ảnh của công ty bảo hiểm.
Để tránh trường hợp này xảy ra, người tham gia nên đọc kỹ toàn bộ điều khoản trong hợp đồng. Đồng thời, không nên ủy thác mọi việc cho tư vấn viên mà hãy tự kiểm tra phí đóng, nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân.
Đặc biệt, nhiều công ty bảo hiểm đã triển khai phương thức đóng phí bảo hiểm trực tuyến giúp khách hàng chủ động và kiểm tra mọi lúc, mọi nơi.
Đối với khách hàng của Prudential, thật dễ dàng khi lựa chọn nộp phí bảo hiểm trực tuyến qua Zalo, tra cứu và cập nhật thông tin mỗi ngày. Xem thêm tại đây.
Hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu có thể khôi phục lại được không?
Theo luật Kinh doanh Bảo Hiểm, người mua bảo hiểm có quyền yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày hợp đồng bị vô hiệu hóa. Điều này nhằm duy trì quyền lợi bảo vệ cho người tham gia, cho đến khi đáo hạn hợp đồng.
Điều kiện khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Bản Quy tắc và Điều khoản của hợp đồng, bao gồm:
-
Người tham gia/người được bảo hiểm phải gửi yêu cầu khôi phục tính hiệu lực của hợp đồng bằng văn bản mẫu và chờ công ty bảo hiểm xem xét.
-
Thời điểm khôi phục hiệu lực hợp đồng phải trước ngày kết thúc hợp đồng.
-
Người được bảo hiểm phải cung cấp bằng chứng về tình trạng sức khỏe và đáp ứng điều kiện được bảo hiểm theo quy định của công ty.
-
Thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm quá hạn (tính đến ngày công ty chấp thuận khôi phục hợp đồng), nợ chưa trả và mức lãi suất do doanh nghiệp bảo hiểm công bố.
Trên đây là 5 trường hợp khiến hợp đồng bảo hiểm vô hiệu mà bạn nhất định phải biết khi tham gia bảo hiểm nhân thọ. Cách tốt nhất để hợp đồng không bị mất hiệu lực, đó là người tham gia nên đọc kỹ toàn bộ điều khoản, đồng thời khai báo rõ ràng các thông tin cá nhân có liên quan. Điều này góp phần bảo vệ quyền lợi tối đa cũng như đảm bảo an tâm trong quá trình tham gia.
Bài viết cùng chủ đề:
-
Có nên dừng hợp đồng bảo hiểm giữa chừng không?
-
Tổng hợp các thuật ngữ bảo hiểm cho người mới tìm hiểu