Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của việc không kiểm soát được cảm xúc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) báo cáo những người mắc bệnh tiểu đường có khả năng trải qua các triệu chứng trầm cảm cao gấp 2 đến 3 lần, bao gồm thay đổi tâm trạng và cáu kỉnh thường liên quan đến lượng đường trong máu. Hạ đường huyết cũng có thể làm mất kiểm soát cảm xúc. Lượng đường trong máu thấp có thể được điều chỉnh bằng viên glucose, kẹo ngậm, nước ép, các chất có đường khác. Những người thường xuyên có lượng đường trong máu thấp có thể cần phải thay đổi chế độ ăn uống.
Các phương pháp điều trị mất kiểm soát cảm xúc bao gồm dùng thuốc và liệu pháp tâm lý. Đôi khi cần đến các chuyên viên tư vấn tâm lý để hướng dẫn người bệnh các kỹ năng kiểm soát cảm xúc, cách kiềm chế cơn giận và điều chỉnh cảm xúc cho phù hợp. Những tình trạng này thường đòi hỏi can thiệp lâu dài để giúp kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Ngoài thuốc và liệu pháp tâm lý, người bệnh cần được hướng dẫn cách tự chăm sóc bản thân cũng như nhận được nhiều sự quan tâm từ những người xung quanh. Người bệnh có thể ghi nhật ký tâm trạng. Đây là một công cụ tuyệt vời có thể giúp người bệnh nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn, cũng như xác định các giải pháp, từ đó giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
Tóm lại, không kiểm soát được cảm xúc là một vấn đề thần kinh gây ra tình trạng cười hoặc khóc không kiểm soát được, thường xảy ra vào những thời điểm không thích hợp. Nó có xu hướng ảnh hưởng đến những người có tình trạng rối loạn tâm thần, rối loạn nhận thức hoặc chấn thương thần kinh từ trước. Có nhiều lý do dẫn đến không kiểm soát được cảm xúc. Việc tìm ra nguyên nhân của sự mất kiểm soát cảm xúc sẽ giúp có được chẩn đoán và các lựa chọn điều trị thích hợp cũng như xây dựng cho người bệnh kỹ năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn.