Mất ngủ trắng đêm là tình trạng không quá phổ biến nhưng nếu xảy ra có thể khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc, sức khỏe. Căn bệnh này có nguy hiểm không và có cách nào cải thiện hay không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Mất ngủ trắng đêm là gì, có nguy hiểm không?
1.1 Mất ngủ trắng đêm là gì?
Thông thường, người trưởng thành sẽ ngủ 7 – 8 tiếng/đêm với 2 chu kỳ: NREM (giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh) và REM (giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh). Trong đó, chu kỳ NREM chia thành 4 giai đoạn: ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu và ngủ rất sâu. NREM và REM đan xen nhau để tạo nên giấc ngủ trọn vẹn.
Khi bị mất ngủ, thời gian ngủ của người bệnh có thể chỉ còn 3 – 4 tiếng/đêm là do họ không đi đến được giai đoạn ngủ sâu. Thậm chí nhiều người còn không trải qua được những giai đoạn đầu của giấc ngủ. Điều này đồng nghĩa với việc họ hoàn toàn không ngủ được một chút nào hoặc ngủ được rất ít trong cả một đêm. Tình trạng đó được gọi là mất ngủ trắng đêm.
1.2 Mất ngủ trắng đêm có nguy hiểm không?
Mất ngủ cả đêm khiến cơ thể không được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc. Nếu chỉ xảy ra trong 1 – 2 đêm hoặc với tần suất ít thì có thể không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài liên tục sẽ khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi, buồn ngủ, mất tập trung vào ban ngày. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm trạng, năng suất và chất lượng công việc mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Họ dễ gặp tai nạn do không tỉnh táo khi tham gia giao thông hoặc lao động.
Việc mất ngủ thường xuyên còn có thể dẫn tới nhiều bệnh lý như:
– Rối loạn tâm lý
Người bị mất ngủ thường gặp phải tình trạng rối loạn, lo âu, cáu gắt, uể oải, mệt mỏi,… dễ bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần dẫn đến trầm cảm, tự kỷ,…
– Bệnh tim mạch
Khi mất ngủ, hệ thần kinh giao cảm hoạt động nhiều hơn làm tăng áp lực lên tim. Việc ngủ ít cũng ảnh hưởng đến đường huyết, gây tác động xấu tới mạch máu và tim.
– Tăng cân
Khi thiếu ngủ, cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, khiến các cơ quan không đảm trách và thực hiện tốt được chức năng vốn có, khiến lượng calo không thể tiêu hao, tăng tích tụ mỡ thừa gây tăng cân.
– Tăng huyết áp
Các nghiên cứu cho thấy hormone gây căng thẳng có xu hướng gia tăng ở những người bị thiếu ngủ. Điều này có thể khiến huyết áp tăng cấp tính và dần trở thành mạn tính.
– Giảm trí nhớ
Thiếu ngủ dẫn tới suy giảm hoạt động của não bộ, gây giảm trí nhớ, khiến người bệnh nhớ nhớ quên quên.
– Ung thư
Mất ngủ làm ức chế sự sản sinh melatonin – loại hormone chống lại sự tăng trưởng của các tế bào khối u. Vì vậy những người thường xuyên mất ngủ có nguy cơ ung thư cao hơn người bình thường.
Ngoài ra, thiếu ngủ khiến cơ thể sản sinh ra hormone cortisol, một loại hormone gây căng thẳng có thể phá vỡ nhiều collagen trong cơ thể, khiến da dễ viêm mụn, nhăn nheo…
2. Những ai dễ bị mất ngủ cả đêm?
Tình trạng mất ngủ cả đêm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, nhưng phổ biến nhất là các đối tượng sau:
– Người lớn tuổi: Quá trình lão hóa gây ra sự thoái hóa của nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có não bộ và hệ thần kinh. Do vậy, người lớn tuổi dễ bị mất ngủ hơn người trẻ.
– Những người làm việc ca đêm: Do tính chất công việc, nhiều người phải thức trắng đêm không được ngủ. Sau đó, khi trở lại với nhịp sinh hoạt bình, họ thường cảm thấy không quen nên dễ bị mất ngủ.
– Những người thường xuyên đi công tác nước ngoài: Múi giờ khác nhau hoặc thói quen sinh hoạt ở nước ngoài thay đổi có thể khiến bạn bị mất ngủ, thậm chí cả đêm không ngủ được.
– Người mắc các bệnh lý: Tình trạng đau nhức do các bệnh lý như viêm khớp, trào ngược,… có thể khiến người bệnh khó chịu và mất ngủ cả đêm.
3. Mất ngủ trắng đêm có cải thiện được không và bằng cách nào?
3.1 Có nên sử dụng thuốc điều trị mất ngủ không?
Một số loại thuốc ngủ, an thần có thể giúp người bệnh dễ ngủ hơn và kéo dài thời gian ngủ mỗi đêm. Tuy nhiên chúng cũng có những tác dụng phụ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến người bệnh mệt mỏi hơn vào ban ngày.
Để tránh những tác dụng phụ của thuốc, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống và thư giãn phù hợp. Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả, các bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng một số loại thuốc. Tuy nhiên việc dùng thuốc điều trị mất ngủ cần phải thận trọng, có sự tư vấn, chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc dùng thuốc sai chỉ định.
Một số trường hợp nặng, có thể bệnh nhân sẽ cần phải can thiệp, phẫu thuật, nhất là những trường hợp mấy ngủ liên quan đến yếu tố bệnh lý.
3.2 Các biện pháp cải thiện tình trạng mất ngủ không dùng thuốc
– Thư giãn: Nghe nhạc, đọc sách, thiền, ngâm chân, massage trước khi ngủ đều có tác dụng tốt đối với việc cải thiện giấc ngủ.
– Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: Hạn chế ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn khó tiêu hay sử dụng các loại đồ uống chứa nhiều chất kích thích như cafe, nước tăng lực,..trước khi ngủ.
– Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu sẽ tác động vào các nhóm cơ, dây thần kinh, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và giúp điều hòa giấc ngủ.
Tóm lại, mất ngủ trắng đêm gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được điều trị sớm. Khi thấy xuất hiện tình trạng này, bạn cần theo dõi và thăm khám kịp thời với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.