Một giấc ngủ trưa ngắn không chiếm quá nhiều thời gian nhưng lại là một trong những yếu tố giúp hỗ trợ sức khỏe tinh thần cũng như thể chất. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân khiến nhiều người bị khó ngủ hoặc không ngủ trưa được. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này và cung cấp cho bạn một số phương pháp giúp cải thiện giấc ngủ hiệu quả.
Lợi ích của việc ngủ trưa
Bên cạnh giấc ngủ tối thì ngủ trưa là một thói quen giúp mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Giấc ngủ trưa sẽ mang lại một số lợi ích về sức khỏe như sau:
Đầu óc tỉnh táo, tăng hiệu quả làm việc
Theo một số nghiên cứu, việc ngủ một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa sẽ giúp tăng sự tỉnh táo bởi não bộ của chúng ta chỉ tập trung với nguồn năng lượng hiệu quả từ 3 – 4 tiếng. Vì vậy, giấc ngủ trưa sẽ giúp chúng ta thêm năng lượng hoạt động buổi chiều.
Ngoài ra, năng suất làm việc có mối liên hệ trực tiếp với sự tỉnh táo. Nhiều nghiên cứu cho thấy, một người làm việc liên tục từ sáng đến tối sẽ không tạo ra năng suất cao bằng người có nghỉ ngơi giữa ngày, cụ thể là một giấc ngủ trưa.
Ngăn chặn kiệt sức, cải thiện khả năng sáng tạo
Tập trung làm việc trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi sẽ giảm khả năng sáng tạo, thậm chí khiến cơ thể rơi vào tình trạng kiệt sức. Giấc ngủ trưa sẽ giúp cơ thể thư giãn, não bộ được nghỉ ngơi từ đó giúp cho chúng ta cải thiện khả năng sáng tạo cũng như giúp cơ thể lấy lại năng lượng, ngăn chặn mệt mỏi, không tỉnh táo.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Tim là bộ phận hoạt động xuyên suốt kể cả khi chúng ta ngủ. Tuy nhiên, tim phải làm việc liên tục khi chúng ta hoạt động như học tập, làm việc hoặc là vận động. Chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp tim thư giãn, cụ thể khi chúng ta ngủ thì tim chỉ cần vận động vừa phải để duy trì quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Một giấc ngủ trưa giúp tim vận động chậm lại, giảm nhịp co bóp của tim để tái tạo năng lượng giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Các nghiên cứu cho thấy, những người có thói quen ngủ trưa có khả năng hạn chế đến 60% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Giảm áp lực cho mắt
Bên cạnh não bộ thì hệ thần kinh cũng là cơ quan phải hoạt động liên tục khi chúng ta làm việc, học tập. Cụ thể, mắt phải điều tiết thường xuyên trong lúc chúng ta tập trung vào việc gì đó hoặc sử dụng máy tính trong thời gian dài, chính vì vậy nếu không nghỉ ngơi đúng cách sẽ khiến mắt mệt mỏi và xuất hiện các bệnh về mắt như đau mắt, suy giảm thị lực,… và các tật khúc xạ. Ngủ trưa là một trong những cách giúp mắt được thả lỏng, nghỉ ngơi và thư giãn sau những giờ làm việc buổi sáng.
Tại sao không ngủ trưa được?
Ngủ trưa là một thói quen nghỉ ngơi mang lại nhiều tác dụng cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, vì một số lý do mà nhiều người trong chúng ta không ngủ trưa được như:
- Do thói quen: Nhiều người trong chúng ta không ngủ trưa thường xuyên là nguyên nhân chính dẫn đến không ngủ trưa được. Việc không ngủ trưa liên tục sẽ khiến ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Vì vậy, bạn nên dành 15 – 20 phút mỗi ngày để tập thói quen ngủ trưa.
- Do tâm lý: Tâm lý không thoải mái, áp lực về công việc hoặc học tập sẽ khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa mà thậm chí còn ảnh hưởng đến giấc ngủ tối.
- Ảnh hưởng bệnh lý: Một số người mắc các bệnh liên quan tới viêm xoang, viêm mũi dị ứng, trầm cảm, viêm loét dạ dày,… Người thường xuyên sử dụng thuốc đau đầu, thuốc lợi tiểu, kháng viêm steroid cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ khiến khó ngủ hoặc không ngủ trưa được.
- Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh: Sử dụng các chất kích thích quá nhiều vào buổi sáng như trà, cà phê, thuốc lá,… Bạn ngủ quá nhiều, thức dậy muộn, ăn trưa quá no hoặc bạn phải di chuyển đến nơi bị lệch múi giờ nơi bạn ở là những nguyên nhân gây giảm vận động hệ vi mạch, cản trở quá trình lưu thông máu và oxy lên não từ đó khiến bạn không ngủ trưa được.
- Do không gian nơi bạn ngủ: Yếu tố không gian cũng là một trong những điều quan trọng ảnh hưởng đến giấc ngủ trưa của bạn. Bạn sẽ khó đi vào giấc ngủ nếu phòng quá sáng hoặc quá ồn ào. Ngoài ra, phòng không sạch hoặc nhiệt độ phòng không thích hợp cũng là nguyên nhân khiến bạn không ngủ trưa được.
Cách cải thiện giấc ngủ trưa
Việc không ngủ trưa được thường xuyên sẽ khiến ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. Một số biện pháp để cải thiện giấc ngủ trưa như:
- Tạo không gian ngủ thoải mái: Một không gian sạch sẽ, thoáng đãng, hạn chế tối đa ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng và không gian yên tĩnh sẽ giúp bạn dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Nếu không ngủ trưa được nữa thì bạn hãy thử nghe một bài nhạc nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp đầu óc bạn thư giãn và dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
- Ngủ trưa vào khoảng thời gian hợp lý: Theo ý kiến của các chuyên gia, thời gian thích hợp để ngủ trưa là sau bữa ăn trưa khoảng 30 phút. Việc này sẽ giúp bạn hạn chế các nguy cơ mắc bệnh dạ dày và bệnh về tiêu hóa. Nếu bạn không có thói quen ngủ trưa, hãy tập nghỉ ngơi và ngủ trưa khoảng từ 15 – 20 phút mỗi ngày để tạo thói quen, giúp tinh thần tỉnh táo, cơ thể nạp năng lượng.
- Uống cà phê trước khi ngủ trưa: Cà phê có công dụng sau 40 phút kể từ thời điểm bạn uống. Vì vậy, uống một ít cà phê trong khoảng 10 – 15 trước khi ngủ sẽ giúp tăng sự tỉnh táo sau khi chúng ta thức dậy.
- Đặt đồng hồ báo thức: Ngủ trưa là một giấc ngủ ngắn vì vậy đối với một số nhân viên văn phòng sẽ bị áp lực thời gian ngủ vì sợ ngủ quên. Đặt đồng hồ báo thức là giải pháp giúp bạn yên tâm và ngủ ngon hơn đấy.
- Thư giãn đầu óc: Một số người không ngủ trưa được là do gặp các vấn đề về tâm lý như lo âu, suy nghĩ nhiều,… Bạn nên thả lỏng đầu óc, hít thở chậm, thả lỏng cơ thể. Ngoài ra, có thể nghe những bài nhạc nhẹ nhàng để cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ.
- Điều chỉnh nhiệt độ phòng cho phù hợp: Khi bạn ngủ say, nhiệt độ của cơ thể sẽ tăng lên. Chính vì vậy, nếu nhiệt độ phòng quá cao sẽ khiến bạn nóng, gây cảm giác khó chịu và dễ bị tỉnh giấc. Bạn nên để nhiệt độ phòng ở mức lý tưởng là từ 18 – 22 độ C.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của chúng tôi muốn gửi đến bạn về một số nguyên nhân khiến bạn không ngủ trưa được cũng như một số phương pháp để bạn có thể cải thiện giấc ngủ của mình. Hãy cùng theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích hơn nhé!
Kim Sa
Nguồn tham khảo: laodong.vn