Thẻ tín dụng nếu không thanh toán được sẽ là điều vô cùng tồi tệ, nhất là khi bạn đang đứng xếp hàng chờ thanh toán ở nơi đông người. Lý do thẻ tín dụng bị từ chối là gì? Làm thế nào để khắc phục tình trạng thẻ bị từ chối? 7 lý do và giải pháp sau đây sẽ giúp bạn không còn bối rối khi gặp tình trạng này.
1. Chi tiêu hết hạn mức cho phép
1.1. Nguyên nhân
Khi thẻ tín dụng bị từ chối, không nên tiếp tục cố gắng thanh toán, nhất là khi bạn đang ở nước ngoài. Bạn nên lựa chọn một hình thức thanh toán khác và kịp thời giải quyết vấn đề này hoặc dự phòng thêm 1 thẻ tín dụng khác.
- Khi mở thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cung cấp cho bạn một hạn mức chi tiêu nhất định. Đây là số tiền mà ngân hàng sẽ ứng trước cho bạn để thực hiện các giao dịch thanh toán hoặc rút tiền. Hạn mức thông thường của thẻ tín dụng là 2 -3 lần thu nhập hiện tại. Nếu lương bạn 15 triệu thì hạn mức có thể là 30 – 45 triệu đồng.
- Khi bạn đã dùng hết 100% hạn mức, bạn không thể tiếp tục thanh toán, thẻ tín dụng sẽ bị từ chối. Bạn phải thanh toán số tiền nợ của thẻ để khôi phục hạn mức hoặc yêu cầu ngân hàng nâng hạn mức nếu có thể.
- Tùy thuộc vào hồ sơ đăng ký mở thẻ mà mỗi người có 1 hạn mức riêng.
Mỗi loại thẻ đều có hạn mức tín dụng
1.2. Giải pháp
- Hãy kiểm tra lịch sử giao dịch của thẻ, nếu bạn đã chi tiêu hết hạn mức thì nên nhanh chóng thanh toán luôn các khoản nợ hiện có để mở lại hạn mức chi tiêu. Hoặc đợi đến tháng sau, khi đã thanh toán số tiến bạn đã tiêu trong tháng trước và được cấp hạn mức mới để tiếp tục mua sắm.
- Nếu phát hiện có giao dịch không đúng thì hãy liên hệ với ngân hàng để giải quyết sớm, tránh thất thoát tài chính.
- Bạn cũng nên kiểm soát chi tiêu để tránh xảy ra trường hợp dùng hết hạn mức thẻ.
2. Tài khoản tín dụng bị đóng
2.1. Nguyên nhân
- Ngân hàng phát hành thẻ của bạn có quyền đóng tài khoản thẻ tín dụng với vô vàn lý do, thông thường nhất chính là chậm thanh toán thẻ tín dụng nhiều lần. Hoặc có thể do bạn đang có khoản nợ tín dụng ở mức quá lớn.
- Thông thường, ngân hàng sẽ tiến hành gửi email, tin nhắn hoặc gọi điện cho khách hàng trước khi đóng thẻ để chủ thẻ kiểm soát được tình hình. Rất có thể ngân hàng đã gửi email, tin nhắn hoặc gọi điện mà bạn lại vô tình bỏ qua.
2.2. Giải pháp
Bạn nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng để biết lý do thẻ tín dụng bị từ chối thanh toán và giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Đến ngân hàng để nhận được sự phản hồi nhanh nhất
3. Thời hạn của thẻ tín dụng
3.1. Nguyên nhân
- Các thẻ tín dụng thường có thời hạn sử dụng từ 3-5 năm. Ví dụ như 03/2019 – 03/2022. Thời hạn của thẻ được in trên mặt trước thẻ, bạn có thể dễ dàng kiểm soát và để ý thời gian.
- Hãy kiểm tra thời hạn này nếu bạn không thể thanh toán bằng thẻ tín dụng.
3.2. Giải pháp
- Gọi điện đến ngân hàng để gia hạn thẻ tín dụng
- Thông thường ngân hàng sẽ thông báo với bạn trước khi thẻ hết hạn để bạn chủ động gia hạn.
- Một số ngân hàng sẽ tự động gia hạn khi thẻ của bạn gần đến hạn.
- Bạn phải lưu ý, nếu như ngân hàng không gia hạn và thẻ không được tự động gia hạn thì phải liên hệ với ngân hàng, mang theo CMND và hồ sơ cần thiết đến ngân hàng để được gia hạn.
- Thời điểm tốt nhất bạn nên gia hạn thẻ là 3 tháng trước thời gian thẻ hết hạn.
4. Thẻ tín dụng hoặc thiết bị đọc thẻ bị hỏng
4.1. Nguyên nhân
- Thẻ tín dụng bị hỏng: Nếu trong quá trình sử dụng, bạn không bảo quản thẻ tốt, khiến cho thẻ bị xước chữ số, mã thanh toán, thẻ bị ướt hoặc bị biến dạng do nhiệt độ cao, chip thẻ hỏng, dải băng thẻ hỏng,… sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng quẹt thẻ thanh toán
- Thiết bị đọc thẻ bị hỏng: Cũng có thể máy POS thanh toán tại các cửa hàng bị hỏng, chưa được cài đặt đúng nên không đọc được thẻ của bạn. Nhân viên cửa hàng cần kiểm tra máy POS trước khi quẹt thẻ.
4.2. Giải pháp
- Xác định cụ thể nguyên nhân thẻ bị từ chối đến từ thẻ hay từ máy POS.
- Nếu thẻ của bạn bị hỏng, liên hệ với ngân hàng để yêu cầu cấp lại thẻ mới, chi phí dao động từ 100,000 – 200,000 đồng. Quá trình này ảnh hưởng đến việc sử dụng và tốn thêm chi phí cho thẻ. Do đó, các bạn nên bảo quản thẻ tốt hơn.
- Nếu do thiết bị đọc thẻ thì bạn nên yêu cầu của hàng nên kiểm tra lại máy POS, reset hoặc đổi POS để thanh toán tốt hơn.
Máy POS bị hỏng có thể là nguyên nhân khiến thẻ tín dụng bị từ chối
5. Thẻ có dấu hiệu bị xâm phạm
Trong quá trình quản lý, khi ngân hàng thấy những giao dịch bất thường từ thẻ của bạn, ngân hàng sẽ khóa tạm thời để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp bị kẻ xấu lén sử dụng. Trong thời gian này, ngân hàng sẽ tạm thời từ chối tất cả các giao dịch phát sinh từ thẻ của bạn.
=> Liên hệ với ngân hàng để xác nhận tài khoản thẻ của bạn vẫn ổn, yêu cầu ngân hàng cho phép bạn sử dụng thẻ để tiếp tục thực hiện các giao dịch.
6. Điểm giao dịch không chấp nhận thẻ từ ngân hàng bạn
Việc từ chối thanh toán bằng thẻ tín dụng thỉnh thoảng vẫn có thể xảy ra tại một số điểm giao dịch. Điều này có thể xảy ra khi địa điểm thanh toán ở nước ngoài, khi thanh toán quốc tế với yêu cầu thẻ nghiêm ngặt hơn. Ví dụ một số website chỉ cho thanh toán bằng thẻ phát hành tại quốc gia đó.
=> Giải pháp: Liên hệ với ngân hàng để xác nhận việc thẻ bị từ chối và nhờ tư vấn hướng giải quyết phù hợp.
7. Loại thẻ không được chấp nhận thanh toán
Một số cửa hàng có thể chỉ chấp nhận sử dụng thẻ Mastercard hoặc Visa. Vì thế trước khi đi mua sắm, bạn cần tìm hiểu cửa hàng đó có chấp nhận loại thẻ bạn đang dùng hay không.
Xem thêm:
- Thẻ MasterCard khác gì với thẻ Visa
Bất cứ khi nào thẻ bị từ chối, các bạn cũng nên bình tĩnh xử lý, nhẹ nhàng đề xuất cách giải quyết. Bạn nên yêu cầu nhân viên hỗ trợ để có những phương án giải quyết tốt hơn. Và luôn chuẩn bị sẵn nhiều loại thẻ khác nhau, một ít tiền mặt để đề phòng trường hợp xấu xảy ra.
Khi thẻ tín dụng bị từ chối thì liên hệ ngân hàng là điều cần thiết vì chỉ có ngân hàng mới có thể giải quyết được những vấn đề này để bạn có thể sử dụng thẻ ngay lập tức. Mong rằng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu được lý do thẻ tín dụng bị từ chối để có cách xử lý nhanh chóng và kịp thời.