Mất trí nhớ (hay bệnh mất trí nhớ) ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Vậy, dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh mất trí nhớ là gì? Chứng mất trí nhớ có điều trị được không?
Mất trí nhớ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, dựa vào nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Để phòng tránh hoặc phòng tránh tái phát bệnh mất trí nhớ hiệu quả, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh song song với phác đồ điều trị từ bác sĩ.
Mất trí nhớ là bệnh gì?
Mất trí nhớ là hội chứng tập hợp các dấu hiệu như tình trạng lãng quên bất thường, người bệnh không thể ghi nhớ những sự kiện vừa xảy ra, khó khăn khi nhớ lại các vấn đề trong quá khứ,… Chứng mất trí nhớ có thể làm giảm chức năng của vỏ não và tiến triển dần theo thời gian gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. (1)
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến thời điểm hiện tại trên thế giới ước tính có khoảng 35,6 triệu người mắc bệnh mất trí nhớ. Ước tính số người bệnh vào năm 2030 sẽ tăng gấp đôi và vào năm 2050 sẽ tăng gấp 3 lần. Trong đó, các nước có nền kinh tế đang phát triển chiếm tỉ lệ người bị mất trí nhớ cao hơn các nước phát triển.
Hiện nay, bệnh mất trí nhớ đang có diễn biến nhanh, tuy nhiên chỉ có 1/8 quốc gia có biện pháp hướng đến việc ngăn chặn sự tiến triển của căn bệnh này. WHO kêu gọi mỗi quốc gia cần nâng cao khả năng phát hiện sớm bệnh lý này bằng cách đầu tư vào dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.
Dấu hiệu mất trí nhớ là gì?
Dấu hiệu nhận biết chung của chứng mất trí nhớ là người bệnh không có khả năng ghi nhớ những ký ức mới hoặc mất hoàn toàn ký ức. Tuy nhiên mỗi dạng mất trí nhớ sẽ có biểu hiện khác nhau, cụ thể: (2)
- Chứng quên đi ký ức cũ: Người bệnh sẽ mất đi khả năng nhớ lại những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó sa sút trí tuệ là nguyên nhân phổ biến nhất.
- Chứng quên đi ký ức mới: Khiến người bệnh không thể ghi nhớ những sự kiện vừa mới diễn ra, một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn. Người bệnh đột nhiên không thể nhớ được bản thân vừa đi qua những nơi nào, gặp ai và làm những việc gì. Nguyên nhân gây ra bệnh có thể từ sự tổn thương hồi hải mã trong não do lạm dụng bia rượu, chất kích thích, các loại thuốc ức chế hệ thần kinh,… Hồi hải mã là vùng não có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành ký ức.
- Mất trí nhớ thoáng qua: Chứng mất trí nhớ thoáng qua xảy ra phổ biến ở đối tượng đã từng trải nghiệm đau buồn, cảm xúc tiêu cực, khiến cho người bệnh có xu hướng không chấp nhận sự thật. Tình trạng này thường xảy ra ở người bệnh có độ tuổi trung niên và người già.
Ngoài ra, bệnh mất trí nhớ có thể gây ra một số triệu chứng khác bao gồm: nhầm lẫn hoặc nhớ sai ký ức, mất phương hướng khi di chuyển,… Khác với sa sút trí tuệ, mất trí nhớ chỉ ảnh hưởng đến ký ức và không gây suy giảm khả năng nhận thức của người bệnh. Vì vậy, khi mắc phải bệnh lý này người bệnh vẫn có thể ghi nhớ những thông tin quan trọng về bản thân.
Nguyên nhân mất trí nhớ
Chứng mất trí nhớ có thể xảy ra như một phần không thể thiếu của quá trình lão hóa của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng mắc bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, ngoài vấn đề tuổi tác vẫn tồn tại một số nguyên nhân phổ biến gây mất trí nhớ khác, bao gồm: (3)
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc hoặc sự kết hợp của các loại thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ, trong đó có chứng mất trí nhớ.
- Chấn thương đầu: Chấn thương đầu do ngã hoặc tai nạn, ngay cả khi bạn không bất tỉnh vẫn có nguy cơ bị mất trí nhớ.
- Rối loạn cảm xúc: Căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm có thể gây ra chứng suy giảm trí nhớ, lú lẫn, khó tập trung và các vấn đề khác ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
- Lạm dụng bia rượu: Nghiện rượu mãn tính có thể gây suy giảm chức năng của hệ thần kinh dẫn đến nguy cơ bị suy giảm trí nhớ.
- Thiếu vitamin B12: Vitamin B12 giúp duy trì các tế bào thần kinh và hồng cầu khỏe mạnh. Sự thiếu hụt vitamin B12 phổ biến ở người lớn tuổi và có thể gây ra các vấn đề liên quan đến trí não, trong đó có chứng mất trí nhớ.
- Bệnh suy tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động kém hay còn gọi là tình trạng suy giáp có thể dẫn đến chứng hay quên và các vấn đề về tư duy khác.
- Bệnh lý về não: Các vấn đề liên quan đến tổn thương não như u não, vỡ mạch máu não, tụ máu não,… sẽ khiến người bệnh bị mất trí nhớ tạm thời hoặc vĩnh viễn. (4)
- Chứng ngưng thở khi ngủ: Tình trạng ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh bị suy giảm trí nhớ và nhiều biến chứng nguy hiểm khác về trí não như hôn mê, co giật,…
- Nghiện thuốc lá: Thuốc lá sẽ làm giảm lượng oxy cung cấp lên não bộ, nghiện hút thuốc lá sẽ gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những người nghiện thuốc lá gặp nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ hơn người không hút thuốc lá.
- Đột quỵ: Đột quỵ xảy ra khi quá trình cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não. Người bị đột quỵ thường dễ mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn, họ chỉ ghi nhớ ký ức đã cũ và lãng quên ký ức mới.
- Mất ngủ kéo dài: Chất lượng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động ghi nhớ của não bộ. Ngủ không đủ giấc, ngủ chập chờn, thức khuya,… sẽ khiến cơ thể mệt mỏi từ đó làm giảm khả năng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin.
- Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân khác bao gồm: nghiện ma túy, mắc các bệnh về nhiễm trùng như bệnh lao, HIV, giang mai,…
Đối tượng nào dễ bị mất trí nhớ?
Bệnh mất trí nhớ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, vì vậy bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải. Trong đó, những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ bị mất trí nhớ cao hơn, bao gồm:
- Người trưởng thành sau 30 tuổi và người già.
- Phụ nữ sau khi sinh con.
- Người lạm dụng bia rượu, người bị trầm cảm hoặc thường xuyên căng thẳng.
- Người bệnh tai biến mạch máu não hoặc bị chấn thương não do tai nạn.
Trong số đó, người cao tuổi (trên 65 tuổi) và phụ nữ sau sinh là 2 đối tượng có nguy cơ bị mất trí nhớ cao nhất.
Hậu quả của mất trí nhớ đối với người bệnh
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời bệnh lý này có thể sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Suy dinh dưỡng: Người bị mất trí nhớ sẽ giảm dần cảm giác đói. Đồng thời khi bệnh kéo dài cũng sẽ gây ra triệu chứng khó nuốt gây cản trở quá trình ăn uống. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh bị suy nhược cơ thể và suy dinh dưỡng.
- Khó khăn trong việc uống thuốc: Vì suy giảm trí nhớ nên vấn đề ghi nhớ thời gian và số lượng thuốc cần phải uống trong ngày là điều khó khăn đối với người bệnh.
- Đời sống tinh thần suy giảm: Người bệnh mất trí nhớ sẽ có nhiều thay đổi trong nhân cách và hành vi, đồng thời sẽ khiến người bệnh dần trở nên thụ động, thiếu kiên nhẫn, mất phương hướng và có nguy cơ bị trầm cảm cao.
Ngoài ra bệnh mất trí nhớ còn có thể khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như: dễ bị người khác lừa gạt/lợi dụng, thường xuyên đi lạc, quên những công việc quan trọng gây ảnh hưởng đến công việc chung của tập thể,… Đặc biệt, nếu tình trạng mất trí nhớ không được can thiệp điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bệnh sa sút trí tuệ.
Cách chẩn đoán bệnh mất trí nhớ
Nhiều người chọn cách che giấu khi mắc phải tình trạng mất trí nhớ, khiến cho bệnh có cơ hội tiến triển nhanh chóng. Vì vậy, khi nhận thấy bản thân xuất hiện dấu hiệu suy giảm trí nhớ, mọi người cần sớm đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để đưa ra được chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một loạt các xét nghiệm nhằm loại trừ yếu tố nguy cơ nguy hiểm gây giảm trí nhớ hay mất ký ức như: bệnh u não, trầm cảm, bệnh Alzheimer,… Các xét nghiệm bao gồm:
- Thăm khám tiền sử mắc bệnh: Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh trả lời một loạt các câu hỏi để kiểm tra mức độ mất ký ức.
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chức năng cảm giác, phản xạ, thăng bằng và những phản ứng sinh lý khác để xác định được tình trạng chức năng của não và hệ thần kinh.
- Kiểm tra nhận thức: Người bệnh sẽ thực hiện bài kiểm tra sự ghi nhớ ký ức ngắn hạn và dài hạn để bác sĩ ghi nhận dữ liệu thực tế về trí nhớ.
- Một số xét nghiệm chẩn đoán: Những xét nghiệm chẩn đoán bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh thực hiện như: chụp CT Scanner, chụp cộng hưởng từ MRI,… Các xét nghiệm này có mục đích giúp phát hiện những tổn thương hoặc bệnh lý trong não bộ.
Khi đến bệnh viện thăm khám người bệnh nên đi cùng người thân, bạn bè để bác sĩ có thêm cơ sở cần thiết để có thể chẩn đoán tình trạng mất trí nhớ chính xác nhất.
Cách điều trị mất trí nhớ
Mục tiêu của điều trị chứng mất trí nhớ sẽ hướng đến việc xác định nguyên nhân và kiểm soát các triệu chứng. Hiện nay chưa có phương pháp cụ thể để điều trị chứng mất trí nhớ dứt điểm, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng nhiều cách, điển hình như:
- Học hỏi kỹ năng rèn luyện trí nhớ bằng cách trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu.
- Người bệnh được chẩn đoán mắc hội chứng Wernicke-Korsakoff cần hướng đến việc thay đổi chế độ dinh dưỡng và lượng vitamin nạp vào cơ thể. Hội chứng này thường xảy ra khi người bệnh uống nhiều thức uống có cồn, cơ thể thiếu hụt Vitamin B1.
- Tận dụng thiết bị thông minh như laptop, smartphone, đồng hồ thông minh để nhắc nhở bản thân về các cột mốc thời gian quan trọng trong ngày.
Ngoài ra, việc xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị chứng mất trí nhớ, cụ thể:
- Thiết lập thói quen ghi chép các triệu chứng bất thường mà bạn gặp phải.
- Liệt kê các loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin mà bạn đang sử dụng hàng ngày.
- Ghi chú những thắc mắc cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách phòng ngừa mất trí nhớ
Bệnh mất trí nhớ hoàn toàn có thể phòng tránh bằng một số biện pháp có tác động làm giảm dần các yếu tố nguy cơ như:
- Duy trì thói quen tập thể dục: Thường xuyên tập luyện thể chất sẽ giúp cơ thể trở nên dẻo dai, khỏe mạnh và phòng tránh được nhiều bệnh lý trong đó có chứng mất trí nhớ. Vì vậy, mỗi ngày mọi người nên dành thời gian ít nhất 1 giờ 30 phút để hoạt động thể chất như chạy bộ, bơi lội, yoga,…
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ dưỡng chất sẽ làm giảm nguy cơ bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng trong tương lai. Đặc biệt phụ nữ trung niên ưu tiên ăn nhiều rau xanh sẽ phòng tránh chứng suy giảm trí nhớ khi bước qua tuổi 70.
- Quan tâm đến chất lượng giấc ngủ: Ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện sức khỏe của não bộ. Người trưởng thành cần ngủ đủ từ 6 đến 8 giờ đồng hồ mỗi ngày để duy trì thể trạng tốt nhất.
- Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái: Để quá trình phòng tránh chứng mất trí nhớ đạt hiệu quả tốt nhất mọi người cần giữ cho bản thân luôn trong trạng thái vui vẻ, tránh xa những tác động tiêu cực trong cuộc sống.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần sẽ giúp phát hiện sớm và phòng tránh được nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có bệnh mất trí nhớ.
Chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ
Cơ thể không đủ khỏe mạnh sẽ khiến chức năng của não bộ bị suy giảm. Vì vậy, để có một sức khỏe tốt, cải thiện được tình trạng suy giảm trí nhớ mọi người cần duy trì chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ dưỡng chất.
Những nhóm chất cần thiết giúp người bệnh cải thiện chứng mất trí nhớ bao gồm:
- Omega 3: Đây là chất béo thiết yếu có nhiều trong các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá basa,… Omega 3 có tác dụng cấu tạo nên màng tế bào thần kinh giúp cải thiện hoạt động của trí não.
- Chất kẽm: Nếu cơ thể thiếu kẽm sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm quen thuộc như thịt, cá, hải sản,… đặc biệt có nhiều trong hàu biển.
- Chất khoáng và vitamin: Đây là nhóm chất đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chống oxy hóa tế bào não. Nếu cơ thể thiếu vitamin B (đặc biệt là acid folic, vitamin B12) sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi cơ thể và thiếu oxy cần thiết cho não bộ. Vì vậy, người bị suy giảm trí nhớ cần bổ sung nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp đủ lượng khoáng chất và vitamin từ đó cải thiện hiệu quả tình trạng suy giảm trí nhớ.
Một số hoạt chất thiên nhiên từ Blueberry và Ginkgo Biloba có thể giúp hỗ trợ các vấn đề như: điều hòa máu não, tăng cường dưỡng chất lên não, cải thiện tình trạng mất ngủ, đau đầu, thiếu máu não, cải thiện tình trạng sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, stress, cải thiện thính giác và thị giác.
Xem thêm: 13 cách cải thiện trí nhớ kém, suy giảm đơn giản hiệu quả.
Địa chỉ điều trị chứng mất trí nhớ ở đâu?
Để quá trình điều trị chứng mất trí nhớ đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên chọn thăm khám tại cơ sở y tế uy tín có đầy đủ thiết bị y tế hiện đại. Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào là một trong những địa chỉ uy tín cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thần kinh, trong đó có chứng mất trí nhớ, bệnh sa sút trí tuệ,… Khoa quy tụ đội ngũ chuyên gia và bác sĩ đầu ngành giàu kinh nghiệm cùng hệ thống thiết bị y tế chuyên dụng hiện đại.
Nếu cần thăm khám và điều trị chứng giảm trí nhớ hay mất trí nhớ cũng như các bệnh lý thần kinh khác, người bệnh có thể đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh tại Trung tâm Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại:
Tóm lại, mất trí nhớ có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Vì vậy, mọi người cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề như: xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi khoa học, thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, tầm soát các bệnh lý về thần kinh, hạn chế bia rượu và thuốc lá, giải trí khoa học bằng đọc sách, nghe nhạc… Mục tiêu là duy trì cơ thể khỏe mạnh, từ đó phòng tránh chứng mất trí nhớ hiệu quả.