Hằng năm mỗi khi vụ mùa thu hoạch cà phê đến, thì ngoài hàng loạt các vấn đề mà người Nông dân phải đối mặt lo toan, thì giai đoạn phơi cà phê là một công việc nặng nhọc và vất vả nhất của người trồng cà phê, bởi mùa thu hoạch các vùng đều nằm trong mùa mưa.
Phơi hay sấy cà phê cũng là giai đoạn quan trọng nhất quyết định chất lượng cà phê, từ đó ảnh hưởng đến giá bán. Trong khuôn khổ của bài viết hôm nay, chúng tôi không có tham vọng gởi đến bà con Nông dân một phương pháp vẹn toàn để giải quyết tất cả những khó khăn trong vấn đề phơi sấy nông sản vốn là vấn đề rất lớn đối với ngành nông sản không chỉ với cà phê không thôi mà còn cho các loại nông sản khác như lúa, gạo, rau, củ, quả v.v..
Nhu cầu phơi, sấy hiệu quả thì hầu hết là Nông dân thì ai cũng cần, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để mua thiết bị đắt tiền cho một sự đầu tư bài bản. Thế thì trong điều kiện còn nhiều hạn chế ấy, chúng tôi muốn gởi đến bà con những phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả mà nông dân trên thế giới người ta thường làm với những thiết bị thô sơ, tự tạo, sẵn có hoặc giả phải mua thì cũng với giá rất rẻ.
Chúng tôi xin đưa ra một số hình ảnh và nhận xét ưu khuyết điểm từ dễ đến khó, đồng thời sẽ mở diễn đàn để bà con trao đổi kinh nghiệm hay đặt câu hỏi với chuyên gia của chúng tôi. Hy vọng rằng tùy theo hoàn cảnh và điều kiện sẵn có mà mỗi nông hộ sẽ tìm ra được phương pháp thích hợp cho chính mình – Xin chúc bà con thành công và có một vụ mùa thu hoạch thắng lợi.
PHƯƠNG PHÁP I
Nhận xét: Với phương pháp trên cà phê sẽ nhanh khô, bởi sự thông thoáng cả mặt trên và dưới, khi có mưa, không cần phải hốt vào rồi lại mang ra vất vả mà chỉ cần cuộn lại khi có mưa hay để tránh sương xuống về đêm, tránh được cà phê bị ngậm nước trở lại, ảnh hưởng đến chất lượng. Đầu tư cho dàn phơi như thế này, có khi còn rẻ hơn làm sân phơi. Bạc phủ không cần lôi kéo nhiều, thời gian sử dụng cũng bền hơn.
PHƯƠNG PHÁP II
Nhận xét: Có thể sử dụng những loại như bao Nylon hay Polyester (hiện có bán rất nhiều trên thị trường) loại không cần chặn tia cực tím, khi những tấm trong suốt này được đậy xuống, tia nắng mặt trời vẫn có thể đi xuyên qua và gây ra hiệu ứng lồng kính, khiến cho nhiệt độ bên trong tăng cao hơn môi trường bên ngoài rất nhiều (trong khoảng 40-50 độ C) – Khi cà phê bốc hơi nước, chúng ta có thể mở tấm trong suốt này ra, khi trời mưa thì nhanh chóng đóng lại, rất tiện lợi. Với phương pháp này thì khi nhiệt độ tăng lên, hơi nước bốc lên, chúng ta cần mở ra hay tạo khe cho thông thoáng là rất quan trọng. Lưu ý nhiệt độ cao mà không thông thoáng hơi cho nước bay đi thì thời gian phơi sẽ kéo dài.
Bằng những cây gỗ, tre hay gỗ thông để làm ra cái khung để đóng tấm trong suốt này là trong tầm tay của nhiều bà con Nông dân.
PHƯƠNG PHÁP III: Kết hợp một phần kiểu hiệu ứng nhà kính
Nhận xét: Với bà con nông dân có quy mô sản xuất tương đối lớn, có lẽ mô hình này rất phù hợp, nhiệt độ trong nhà kính này luôn cao hơn nhiệt độ môi trường bên ngoài (xin tham khảo phần cuối bài này giải thích thêm về nguyên lý của “hiệu ứng nhà kính”)
Nhận xét: Một kiểu nhà kính gọn nhẹ, có đầy đủ hệ thống thông thoáng, không khí đi vào từ bên dưới, qua 3 cái máng lấy không khí nhưng không cho nước mưa đi vào, không khí bị nung nóng bởi hiệu ứng nhà kính, bốc lên cao, đi xuyên qua vật cần phơi và mang hơi nước bay ra ngoài qua hình thức thiết kế hở bên trên mái. Đây là một trong những kiểu thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả rất cao.
TÓM TẮT VỀ NGUYÊN LÝ HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH TRONG PHƠI SẤY.
Năng lượng bức xạ của ánh sáng mặt trời khi chiếu xuyên qua một vật trong suốt (kính, tấm polyester v.v..) đi đến một vật màu đen, do tính phản xạ ánh sáng kém của màu tối, nên không phản chiếu ngược lại được, vật màu đen biến thành một loại như cái “bẫy nhiệt” năng lượng mặt trời do bị hấp thu bức xạ nên chuyển thành nhiệt năng.
Áp dụng hiệu ứng này, người ta chế ra các bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, chế tạo các thiết bị sấy từ đơn giản đến phức tạp tùy vào mục đích nhằm phục vụ cho phơi sấy các loại nông sản, hải sản v.v. vừa sạch cho sản phẩm, vừa hạn chế hủy hoại môi trường do tránh đốt các nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi xin giới thiệu một số kiểu thiết kế đơn giản để bà con tham khảo dưới đây:
Giải thích nguyên lý hoạt động:
1- Ánh sáng mặt trời chiếu xuống xuyên qua “Mặt kính hay tấm trong suốt”.
2- Gặp vật màu đen là “Tấm tôn sơn đen” đặt bên trong “Buồng thu năng lượng” là một dạng bẫy nhiệt, khiến cho tấm tôn nóng lên.
3- Không khí bên trong buồng thu năng lượng nóng lên sẽ giãn nở và bay lên trên đi vào “Buồng sấy”, sự di chuyển của không khí tạo ra một luồng khí khiến cho không khí mới đi vào thông qua ô “không khí đi vào” và tiếp tục bị hun nóng bởi cái bẫy nhiệt.
4- Không khí nóng đi vào Buồng sấy và đi xuyên qua khay lưới chứa vật cần sấy và mang hơi ẩm thoát ra khỏi “Lỗ thông thoáng”
Tham khảo một số thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời theo kiểu như trên, nhiệt độ trong buồng sấy khi có nắng tốt sẽ lên đến khoảng 50-60 độ C.
Mọi trao đổi thắc mắc xin gõ vào phần phản hồi ở bên dưới, chúng tôi sẽ sắp xếp để giải đáp cho những câu hỏi của bà con Nông dân cũng như những ai có quan tâm đến vấn đề sấy bằng năng lượng mặt trời. Chúng tôi rất mong được đón nhận những ý kiến của các Chuyên gia, các nhà Khoa học về lĩnh vực năng lượng mặt trời để giúp cho người làm Nông nghiệp, Ngư dân giải quyết phần nào những khó khăn trong vấn đề sấy sản phẩm.
Viethien Website.