1. Ảnh dư sáng / thiếu sáng
Đây là một lỗi rất phổ biến, và cũng tưởng chừng như dễ khắc phục nhất, nhưng thật ra không đơn giản. Ảnh thiếu sáng hoặc dư sáng, đôi khi mức độ thừa / thiếu ở các vùng trong bức ảnh là khác nhau. Nếu khi kéo sáng bằng thông số Brightness hoặc Exposure, thì ánh sáng của toàn bộ bức ảnh sẽ tăng đồng đều, dẫn đến việc đủ sáng ở một số vùng, nhưng lại dư hoặc thiếu sáng ở một số vùng khác. Hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn có một bức ảnh đủ sáng ưng ý nhất.
Bước 1: sử dụng thông số Exposure trong phần Basic của Lightroom để kéo bức ảnh lên hoặc xuống cho đến khi nào cảm thấy phần lớn những vùng cần thiết đã đủ sáng. Có 2 thông số cho phép chỉnh về ánh sáng là Brightness và Exposure, tuy nhiên, nên ưu tiên chỉnh thông số Exposure vì nó sẽ tăng sáng đều mọi vùng trong ảnh, còn Brightness thiên về tăng sáng vùng Hightlight nhiều hơn.
Bước 2: lúc này bạn nhìn toàn bộ bức ảnh để tìm ra những vùng quá sáng hoặc quá tối. Đặc điểm của những vùng này là chi tiết ảnh sẽ bị mất, thay vào đó là một mảng màu đen hoặc trắng. Lúc này bạn nhìn sang phần Tone Curve của Lightroom, sẽ có 4 thông số cho bạn chọn là: Hightlights, Lights, Darks và Shadow. Để điều chỉnh vùng dư sáng, bạn điều chỉnh thông số Hightlighs và Lights, và để điều chỉnh vùng thiếu sáng bạn chỉ cần quan tâm thông số Darks và Shadows. Giá trị của thông số tất nhiên còn tùy thuộc vào từng bức ảnh cụ thể của bạn.
Đến đây, nếu đã ưng ý thì bạn có thể dừng lại, nhưng nếu vẫn còn một số vùng nhỏ bị dư sáng / thiếu sánggây mất chi tiết mà không thể khắc phục bằng việc chỉnh ToneCurve thì bạn tiếp tục làm sang bước 3.
Bước 3: trong Lightroom có một công cụ có tên Adjustment Brush, giúp chỉnh sửa chi tiết từng vùng trong ảnh. Bấm chọn công cụ Adjustment Brush hoặc sử dụng phím tắt K, trong phần tùy chỉnh công cụ, mục Effect bạn chọn Dogde với vùng thiếu sáng và Burn với vùng dư sáng, điều chỉnh kích thước cọ trong phần Brush rồi tô trực tiếp lên vùng cần chỉnh sửa của ảnh. Bạn cũng thể điều chỉnh lại thông số Exposure của cọ để tăng giảm mức độ tác động làm sáng (hoặc tối) vùng ảnh được tô của công cụ.
2. Ảnh bị lấy nét sai (out of focus)
Một lỗi cũng rất thường xuyên gặp trong chụp ảnh số là lấy nét sai, có nghĩa là chủ thể của bức ảnh bị mờ, không nét như mong muốn. Mục Sharpening trong phần Detail của Lightroom sẽ giúp bạn khắc phục hiện tượng này. Để điều chỉnh độ nét của bức ảnh, bạn tiến hành thay đổi những thôngsố sau:
Amount: quy định giá trị làm nét ảnh, càng cao thì ảnh càng được làm nét hơn.
Radius: quy định độ mịn.
Detail: quy định độ chi tiết.
Khi tiến hành làm sắc nét ảnh, bạn tăng thông số Amount đến một giá trị mà bức ảnh đạt độ nét cần thiết, lúc này ảnh sẽ xuất hiện rất nhiều sạn. Vì thế, bạn phải tiếp tục điều chỉnh các thông số Radius làm mịn các sạn này, điều này sẽ làm mất đi một vài chi tiết ảnh, nên ta lại phải tiếp tục cân đối thông số Detail để làm cho bức ảnh vừa đạt được độ nét cần thiết vừa hạn chế tối đa nhiễu và sạn gây mất thẩm mỹ.
3. Ảnh bị nhiễu
Thông thường những bức ảnh chụp đêm, hoặc chụp trong điều kiện thiếu sáng thường xuất hiện Noise khiến cho bức ảnh rất xấu và mất chi tiết. Chức năng Noise Reduction nằm trong mục Detail của Lightroom có thể giúp bạn khắc phục được phần nào hiện tượng này. Ban đầu, trong mục này chỉ có 2 thông số là Luminance và Color là có thể điều chỉnh được, các thông số tùy chỉnh riêng chỉ cho phép hiệu chỉnh khi ta đặt một giá trị nào đó cho 2 mục này. Đây là 2 thông số chính đặc trưng cho 2 kiểu Noise thường gặp trong ảnh số: Luminance là thông số khắc phục hiện tượng Noise do ánh sáng yếu, còn Color khắc phục hiện tượng Noise do màu sắc.
Tiến hành nâng thông số Luminance, mục Detail và Contrast nằm dưới sẽ cho phép hiệu chỉnh. Khi thông số Luminance tăng, các hạt sạn trong ảnh cũng giảm dần nhưng chi tiết của nhiều vùng ảnh sẽ bị mất. Tùy chỉnh thông số Detail để khắc phục, mặc định giá trị Detail được đặt là 50, càng nhỏ thì độ chi tiết càng giảm, càng lớn thì độ chi tiết càng tăng. Thông số Contrast ảnh hưởng không đáng kể, ta có thể nâng nó lên nhằm làm tăng một chút chi tiết bức ảnh.
Tương tự với thông số Color, khi đặt giá trị xong thì phần Detail nằm dưới cũng sẽ cho phép hiệu chỉnh, tính năng của nó hoàn toàn tương tự với phần Detail nằm dưới mục Luminance.
Kết hợp tùy chỉnh giữa 2 thông số Luminance và Color sẽ cho một bức ảnh ít nhiễu và giữ được đầy đủ chi tiết nhất.
4. Điều chỉnh màu sắc
Ảnh chụp bằng máy ảnh compact hoặc điện thoại thông thường màu sắc sẽ không chuẩn, nhợt nhạt không đạt độ tươi cần thiết. Ta có thể khắc phục rất đơn giản bằng việc điều chỉnh một vài thông số trong Lightroom theo từng bước sau đây.
Bước 1: điều chỉnh nhiệt độ màu. Điều chỉnh thông số Temp và Tint để chỉnh tone màu cho bức ảnh là ấm hay lạnh. Tăng thông số Temp sẽ làm bức ảnh thiên về gam màu vàng, giảm sẽ thiên về gam màu xanh nước biển, còn thông số Tint khi tăng sẽ khiến bức ảnh thiên về màu đỏ – hồng, giảm sẽ làm bức ảnh thiên về màu xanh lá cây. Kết hợp tăng, giảm cả 2 thông số này sao chođạt thông số hài hòa ưng ý nhất.
Bước 2: điều chỉnh độ bão hòa màu. Độ bão hòa màu được qui định bằng 2 thông số Vibrance và Saturation ở trong phần Basic của Lightrooms. Thông thường, ta cũng phải kết hợp tăng cả 2 thông số này để đạt được kết quả như ý muốn. Với những bức ảnh chân dung, lưu niệm, ta ưu tiên điều chỉnh thông số Vibrance vì nó ít làm ảnh hưởng để màu da, tuy nhiên với ảnh chụp phong cảnh có nền trời thì ưu tiên tăng giảm thông số Saturation vì thông số này tác động nhiều đến màu xanh của nền trời.
Bước 3: tăng giảm từng màu. Lightroom còn có phần Color cho phép điều chỉnh tăng giảm thông số của 8 màu cơ bản trong bức ảnh. Các thông số cho phép hiệu chỉnh bao gồm:
– <_st13a_city w:st=”on”><_st13a_place w:st=”on”>Hue: chỉnh dải màu của màu cơ bản. Ví dụ màu vàng cam, khi bạn giảm <_st13a_city w:st=”on”><_st13a_place w:st=”on”>Hue sẽ đỏ dần, còn khi tăng sẽ trở nên trắng dần. Đây cũng chính là màu đặc trưng cho màu da người trong bức ảnh.
– Saturation: độ bão hòa màu, càng tăng màu sẽ có xu hướng sậm dần, còn giảm sẽ nhạt dần và khi Saturation là 0 thì sẽ thành màu đen hoặc trắng.
– Lumimance: độ sáng của màu.
Bạn chọn từng màu để hiệu chỉnh sao cho màu sắc của bức ảnh vừa mắt nhất. Bước này cũng không cần phải thực hiện nếu như sau khi hoàn tất bước 1 và bước 2 ảnh đã đạt màu sắc như ý muốn.
5. Kết luận
Dĩ nhiên, những thủ thuật này không giúp thay đổi hoàn toàn chất lượng bức ảnh. Để có những bức ảnh tốt hơn bạn cũng cần có những công cụ chụp hình và kỹ thuật chụp hình tốt hơn. Tuy nhiên, Adobe Lightrooms sẽ giúp bạn phần nào khắc phục những bức ảnh hỏng, lỗi, để lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng nhớ một cách đẹp nhất.