Mất vị giác ở lưỡi là tình trạng khiến bạn không thể cảm nhận vị bình thường của thực phẩm như đắng, chua, mặn, ngọt, thịt (umami),… hoặc tình trạng trong miệng có một vị khó chịu làm lấn át các vị khác, gây chán ăn, bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mất vị giác có thể xảy ra ở một phần hoặc toàn bộ lưỡi, trong một khoảng thời gian ngắn hoặc suốt đời.
Nguyên nhân của chứng mất vị giác
Mất vị giác có thể gây ra bởi những nguyên nhân đơn giản như: Viêm họng, cảm lạnh, dấu hiệu của quá trình lão hóa bình thường của tuổi già, các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn liên quan đến hệ thần kinh trung ương hay dấu hiệu của bệnh Covid-19.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng mất vị giác
Nguyên nhân liên quan đến tai mũi họng
Bạn cần biết rằng lưỡi không phải là bộ phận duy nhất giữ chức năng cảm nhận hương vị. Việc cảm nhận hương vị có liên quan đến lưỡi, vòm miệng, cổ họng và mũi. Vậy nên, bộ phận tai mũi họng cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc cảm nhận thức ăn.
Một số trường hợp ảnh hưởng đến vị giác như:
- Viêm tai giữa
- Viêm lợi
- Vệ sinh răng miệng kém
- Sau khi phẫu thuật miệng, cổ họng, cơ quan mũi hoặc tai
- Nhiễm trùng cổ họng như viêm họng hay viêm họng liên cầu
- Xạ trị cho bệnh ung thư trong các bộ phận này của cơ thể
Do hệ hô hấp
Vị giác bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngay cả khi bạn không được chẩn đoán mắc các bệnh liên quan đến tai mũi họng thì các tình trạng xấu của đường hô hấp cũng có thể làm giảm khả năng cảm nhận mùi vị của bạn, bao gồm:
- Cảm cúm
- Cảm lạnh
- Viêm xoang
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Hút thuốc
- Covid-19
Hút thuốc là nguyên nhân dẫn đến chứng mất vị giác
Do ảnh hưởng của một số loại thuốc chữa bệnh
- Macrolid (thuốc điều trị một số loại nhiễm trùng)
- Thuốc trị nấm
- Fluoroquinolones (thuốc kháng sinh)
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch vành và bệnh suy tim mãn tính)
- Chất ức chế protein kinase
- Thuốc ức chế bơm proton
- Thuốc ức chế HMG-CoA (statin)
Nguyên nhân khác
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác ít gặp hơn nhưng cũng có thể gây suy giảm vị giác bao gồm:
- Ăn những thức ăn có chất độc, bị ôi thiu, hư thối, thức ăn gây dị ứng…;
- Phơi nhiễm với các chất độc hại như thuốc diệt cỏ;
- Thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin B12 và kẽm;
- Đa xơ cứng và liệt;
- Rối loạn hệ thần kinh trung ương bởi các bệnh như tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não sẽ ảnh hưởng đến việc dẫn truyền tính hiệu từ não tới các cơ quan cảm thị trong đó có vị giác;
- Hội chứng Gougerot-Sjögren, một bệnh tự miễn dịch gây khô miệng và khô mắt;
- Hội chứng Ageusia- chứng già nua gây mất vị giác hoàn toàn;
- Hội chứng Dysgeusia gây rối loạn vị giác.
Hướng điều trị mất vị giác hiệu quả
Để điều trị chứng mất vị giác chúng ta cần phải dựa vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trong những trường hợp bị mất vị giác do viêm mũi dị ứng, cúm hay cảm lạnh thông thường, chỉ cần đợi cho bệnh thuyên giảm thì vị giác sẽ trở lại bình thường sau khi hết bệnh hoặc sử dụng thuốc thông mũi hoặc thuốc kháng histamin để đẩy nhanh quá trình khỏi bệnh.
Đối với những người bị viêm xoang, nhiễm trùng cổ họng, viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn,… bệnh nhân có thể dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Những ai mắc hội chứng Gougerot-Sjögren có thể sử dụng nước bọt nhân tạo.
Trong những tình trạng nghiêm trọng hơn như chấn thương sọ não, rối loạn thần kinh, Covid-19,… bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị riêng cho từng bệnh.
Nghiên cứu còn cho thấy rằng việc thiếu kẽm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất vị giác, do đó cần phải bổ sung kẽm bằng các thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, hoặc sử dụng các thực phẩm chức năng bổ sung kẽm.
Mặt khác, trong tình trạng lão hóa do suy giảm các tế bào cảm giác do chấn thương thần kinh hoặc tuổi già, thì việc chữa mất vị giác rất khó khăn, có thể bị vĩnh viễn mà không điều trị được. Do vậy, để phòng ngừa tình trạng mất vị giác, bạn có thể thực hiện một số biện pháp ngay tại nhà như sau:
- Bỏ hút thuốc lá nếu đang hút thuốc.
- Không uống rượu bia hay sử dụng ma túy.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách như: Đánh răng đúng cách, dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng.
- Mang khẩu trang khi ra ngoài để tránh hít phải các chất độc hại, vi khuẩn, vi-rút trong không khí.
- Phát hiện kịp thời và điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đúng cách sẽ ngăn ngừa chứng mất vị giác
Trên đây là bài viết cung cấp các thông tin về chứng mất vị giác bao gồm nguyên nhân và hướng điều trị. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, mất vị giác là một biểu hiện của việc nhiễm bệnh nên các bạn không nên chủ quan với vấn đề này. Nếu nhận thấy các dấu hiệu mất vị giác, bạn cần chủ động thực hiện test nhanh Covid-19 tại nhà và nhanh chóng liên lạc các cơ sở y tế nếu tình hình trở nặng nhé. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Hoàng Trang
Nguồn tổng hợp